Làng chài Indonesia chao đảo giữa thảm kịch máy bay
“Mọi chuyện diễn ra như chớp, vô cùng nhanh chóng. Máy bay phát nổ khi chạm mặt nước. Tôi nhìn thấy nhiều mảnh vỡ trôi nổi, đó là mảnh xác máy bay”, Hendrik kể lại.
Trong lúc kiểm tra bẫy cua hôm 9/1, Hendrik Mulyadi nghe thấy tiếng nổ lớn, nước biển đột ngột dâng cao, con thuyền rung chuyển và khói bay mịt mù.
“Thật may khi nó không rơi trúng tôi”, Hendrik hồi tưởng về vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Sriwijaya Air trên biển Java, Indonesia, khi ngồi trong ngôi nhà tại đảo Lancang, ngoài khơi bờ biển phía bắc Jakarta. Cảnh tượng đó vẫn khiến người đàn ông 30 tuổi cảm thấy run sợ.
“Mọi chuyện diễn ra như chớp, vô cùng nhanh chóng. Máy bay phát nổ khi chạm mặt nước. Tôi nhìn thấy nhiều mảnh vỡ trôi nổi, đó là mảnh xác máy bay”, Hendrik kể lại.
Hendrik là một trong 5 ngư dân đang làm việc trên biển khi chiếc Boeing 737-500 lao xuống vùng nước cách thuyền của họ chưa đầy 100 m, chỉ vài phút sau khi cất cánh từ Jakarta trên hành trình đến thành phố Pontianak. 62 người trên máy bay, bao gồm 10 trẻ em và 12 thành viên phi hành đoàn, tất cả đều là người Indonesia, nhiều khả năng đã thiệt mạng.
Đây là chiếc máy bay chở khách thứ ba rơi xuống biển Java trong vòng 6 năm qua. Hồi năm 2014, chuyến bay mang số hiệu 8501 của hãng Air Asia cũng gặp nạn tại đây trên hành trình từ thành phố Surabaya đến Singapore, khiến 162 người chết. Tháng 10/2018, chiếc Boeing 737 MAX của Lion Air lao xuống biển Java do lỗi hệ thống chống thất tốc, với 189 người trên khoang.
“Kể từ vụ tai nạn của Lion Air, mỗi khi đi biển và nhìn thấy máy bay ngang qua, tôi thường nghĩ nếu một phi cơ lao xuống đảo Lancang thì sao? Ở đây có rất nhiều ngư dân. Chúng tôi sẽ chết”, Hendrik cho hay.
Hòn đảo yên bình và tương đối ít du khách này giờ đây trở thành trung tâm cho chiến dịch tìm kiếm cứu nạn sau vụ tai nạn của chuyến bay số hiệu SJ 182 hôm 9/1. Vị trí máy bay rơi cách vùng rừng ngập mặn của Lancang chỉ gần 1,6 km. Dù diện tích khiêm tốn, chỉ mất chưa đến một giờ để đi bộ quanh đảo, Lancang có khoảng 2.100 người sinh sống và gần như tất cả đều làm ngư nghiệp.
Rất ít người trên đảo từng di chuyển bằng máy bay. Vào những ngày trời quang, họ có thể nhìn thấy phi cơ vụt qua ngay trên đầu, khi chúng cất cánh từ Jakarta đến các hòn đảo ở phía bắc. Tuy nhiên, những ngư dân trên đảo như Hendrik vẫn không khỏi bàng hoàng với thảm kịch xảy ra ngay gần họ.
Vị trí chiếc Boeing 737-500 gặp nạn gần Lancang đến mức cửa sổ các ngôi nhà trên đảo rung lắc khi máy bay lao xuống. Sahapi, một ngư dân sống tại đảo từ năm 1987, lúc đó cũng đánh bắt ở gần hiện trường, cách thuyền của Hendrik không xa.
“Tôi nhìn thấy những mảnh vỡ trên mặt nước. Khói đen dày đặc tràn ngập không khí giữa cơn mưa lớn. Dòng nước xuất hiện màu vàng và đỏ”, người đàn ông 52 tuổi kể lại, nói thêm rằng ông cảm thấy thuyền của mình bị nước biển đẩy lên sau khi nghe thấy tiếng nổ lớn.
Sahapi ban đầu tưởng đã có sóng thần, sau đó nhận ra thuyền của Hendrik nằm gần vị trí vụ nổ hơn, nên ngỡ rằng bạn mình bị sét đánh. “Tôi sợ bị sóng cuốn và không nghe thấy bất kỳ tiếng máy bay nào”, Sahapi cho biết. Ông liền vội vã trở về đảo để thông báo điều mà ông nghĩ là tin xấu đối với Hendrik, nhưng ngay sau đó Hendrik quay về và nói rằng có một vụ rơi máy bay.
Sahapi đã đưa các cảnh sát từ hòn đảo ra hiện trường sau khi nhận thông tin về tai nạn, đồng thời giúp họ dùng mỏ neo để kéo một số vật khỏi máy bay. Chính quyền Indonesia hôm 12/1 trục vớt được thiết bị ghi dữ liệu hành trình bay, một trong hai hộp đen của chiếc Boeing 737-500, và dự kiến cũng sớm tìm được thiết bị ghi âm buồng lái, thắp lên hy vọng giải thích được nguyên nhân tai nạn.
Hendrik cho biết anh vẫn chưa hết ngỡ ngàng sau khi tận mắt chứng kiến thảm họa, đến mức từ chối đưa cảnh sát đến vị trí máy bay rơi.
“Tôi vẫn trong trạng thái bị sang chấn. Tôi chỉ ngồi ở nhà run rẩy và nói lắp bắp, chán ăn đến tận bây giờ. Tôi vẫn rất sốc”, Hendrik nói.