Dự thảo chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhận được sự đánh giá cao từ các nhà khoa học
Sáng 12/11, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã chủ trì Tọa đàm “chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tham dự Tọa đàm có ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT và đông đảo các đồng chí nguyên là cán bộ quản lý, nhà chuyên môn, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực TDTT.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành TDTT hết sức khó khăn, phức tạp. Trên cơ sở tổng kết Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, Bộ VHTTDL đề xuất xây dựng chiến lược trong giai đoạn tiếp theo có sự kế thừa những thành tựu của giai đoạn vừa qua, phát huy những mặt tích cực, đưa ra định hướng, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp phát triển phù hợp trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng: Việc xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa, triển khai hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan tới phát triển TDTT được Đảng và Nhà nước chỉ đạo thông qua các Nghị quyết, chương trình hành động. Để đáp ứng yêu cầu phát triển TDTT trong tình hình mới, việc xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ cấp thiết.
Chiến lược được xây dựng trên quan điểm phát triển TDTT bền vững, tạo điều kiện cho mọi người dân được bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ TDTT, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển TDTT ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, phát triển các môn thể thao đại chúng, môn thể thao dân tộc. Cùng với đó, phát triển TDTT theo định hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, phương thức quản lý hoạt động TDTT nhằm khơi dậy tiềm năng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát riển sự nghiệp TDTT…
Cùng với đó, mục tiêu chiến lược hướng đến là xây dựng nền TDTT tiên tiến, hiện đại, khoa học và nâng cao sức khỏe, tuổi thọ cho người dân nhằm góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc cho thế hệ trẻ Việt Nam. Bên cạn đó, đưa thể thao thành tích cao lên tầm cao mới đạt được những vị trí quan trọng tại sân chơi châu lục, thế giới.
Báo cáo được trình bày tại Tọa đàm đã chỉ rõ: trong giai đoạn vừa qua, việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về TDTT thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các cơ chế, chính sách mới về TDTT thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ban nhành các cơ chế, chính sách mới về TDTT đã được chú trọng trọng triển khai. Thông qua đó, các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về TDTT từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngành TDTT, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về TDTT và hạn chế những tiêu cực trong lĩnh vực TDTT.
Công tác phát triển TDTT quần chúng có nhiều chuyển biến rõ rệt, theo hướng đẩy mạnh phát triển TDTT trong từng đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, nông dân, người cao tuổi. Phong trào TDTT quần chúng trong cả nước diễn ra sôi nổi, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Số người tập luyện TDTT thường xuyên, số CLB TDTT gia tăng mạnh theo hằng năm.
Thể thao thành tích cao có sự phát triển mạnh cả về số lượng các môn, số lượng VĐV cũng như thành tích thể thao. Trong giai đoạn qua, đã tiếp tục định hình được các nhóm môn thể thao, nội dung thế mạnh phù hợp với thể hình, thể trạng và tố chất người Việt Nam để có khả năng cạnh tranh thành tích trong khu vực, châu lục và thế giới. Công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu, VĐV trẻ, VĐV đội tuyển quốc gia có nhiều đổi mới.
Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp rất bổ ích, thiết thức cho bản dự thảo chiến lược. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đều tập trung vào việc giải quyết nhóm các vấn đề như: Đề án phải đưa ra được các tiêu chí đánh giá chuẩn về công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học, các Trung tâm thể thao từ cấp xã, phường, thị trấn… Để làm tốt công tác thể thao phong trào, thể thao thành tích cao thì việc tạo các cơ chế chính sách, thu hút nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp, cá nhân dành cho các Liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ TDTT là vô cùng quan trọng. Do đó, chiến lược phải nêu bật lên được tính đột phá so với chiến lược trong giai đoạn trước đó. Ngoài ra, công tác đánh giá, kiểm tra để đưa ra các tiêu chí áp dụng vào thực tiễn cho các hoạt động TDTT từ cơ sở đến thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao phải đúng, trúng và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp từ các đại biểu, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao những sáng kiến, ý tưởng, phân tích rất đúng đắn từ các nhà khoa học, chuyên gia, các nguyên cán bộ quản lý đầu ngành TDTT trước đây. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục TDTT khẩn trương tổng hợp các ý kiến đóng góp từ các đại biểu để hoàn thiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 trong thời gian 10 ngày tới để Bộ VHTTDL sớm đệ trình lên Thủ tướng Chính phù xem xét.
Cùng với đó, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng: thành viên tổ soạn thảo chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 cần tham khảo thật kỹ từ chiến lược phát triển TDTT từ năm 2010 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nên chắt lọc những kết quả nổi bật, giải pháp hiệu quả từ giai đoạn trước để tiếp tục phát triển, phát huy trong chiến lược tiếp theo phát triển đột phá, song vẫn có tính kế thừa.