Kỷ niệm về Hà Nội qua hiệu cắt tóc trên phố Tràng Thi
Ở Hà Nội có những con phố, những cửa hiệu, dịch vụ nhìn thì bình dị nhưng đầy ấm áp, duyên dáng, đã gắn bó máu thịt với bao người sinh ra và lớn lên ở đây. Cửa hàng cắt tóc nam trên phố Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hay còn gọi là tiệm hớt tóc mậu dịch, là một nơi như thế.
Ra đời từ năm 1957, trải qua bao thăng trầm, đây là một trong những cửa hàng cắt tóc từ thời bao cấp hiếm hoi còn lại ở Hà Nội. Hiện nay, tên tuổi của cửa hàng đã là thương hiệu được nhiều người, nhất là dân Hà Nội “gốc” biết đến.
Thời xưa, Hà Nội chỉ có vài tiệm cắt tóc, khách đến phải xếp hàng chờ. Ban đầu, cửa hàng chủ yếu phục vụ công chức nhà nước, nhưng sau, do nhu cầu, đã phục vụ tất cả các tầng lớp trong xã hội. Nhiều cán bộ cũng coi đây là một địa chỉ cắt tóc tin cậy. Đặc biệt, nhiều người nước ngoài sinh sống ở Hà Nội cũng thường xuyên tìm đến cửa hàng để cắt tóc.
Dù làn sóng thời trang tóc trẻ lan rộng với sự xuất hiện của vô vàn các cửa hàng cắt tóc thời thượng, nhưng khách tìm đến cửa hàng vẫn rất đông. Điều đó chứng tỏ nhiều thị dân Hà Nội vẫn giữ được cái “gu” riêng về “một góc con người” mà không phải người thợ nào, trường phái thời trang tóc nào cũng đáp ứng được. Nếu ai đã từng đến đây thì sẽ cảm nhận rất rõ được cái chất Hà Nội xưa ấy.
Hằng ngày, từ 8h tới 19h, những người thợ ở đây miệt mài, cần mẫn đưa từng nhát kéo, đường dao để cắt tỉa, làm đẹp cho khách hàng. Ông Nguyễn Văn Thuận (54 tuổi, ở khu đô thị mới Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cắt tóc ở cửa hàng đã 40 năm rồi. Từ nhà tôi đến đây mất hơn nửa tiếng đi xe máy nhưng tôi vẫn thích đến đây, vì ngoài việc được phục vụ nhẹ nhàng, lịch sự, còn được tận hưởng cảm giác trở lại một Hà Nội xưa qua những đồ vật cũ như chiếc tông-đơ này”.
Những góc nhỏ như thế này của Hà Nội khiến thành phố thêm phần tinh tế, dung dị. Đây chính là phần hồn níu giữ để rồi khi đi xa, những người từng sống ở thành phố này, có lúc chợt nhoi nhói. Từ nước Anh xa xôi, anh Lê Tùng bồi hồi kể: “Ngày xưa, nhà tôi ở phố Quang Trung gần Hồ Gươm, mỗi khi tóc dài, mẹ lại cho tiền đi cắt ở hiệu mậu dịch phố Tràng Thi. Đây là một trong những hiệu quốc doanh hiếm hoi thời đó có cái đài cát sét đặt cạnh quầy thu tiền, bật nhạc và tin tức cho khách nghe. Giá cắt cho trẻ em dưới 10 tuổi là 2 đồng, còn người lớn và trẻ em trên 11 tuổi là 4 đồng. Bố tôi cũng hay cắt ở đấy nên lần nào mẹ cũng đưa 4 đồng. Tôi hồi đó học lớp 7, 12 tuổi nhưng người bé tí, nên khi được hỏi: “Cháu bao nhiêu tuổi?” thì luôn trả lời: “Cháu 10 tuổi ạ”, rồi trả 2 đồng. Dư ra 2 đồng, tôi đi mua ô mai của bà hàng xén ngoài cổng trường Trưng Vương, hoặc lên Tràng Tiền ăn kem…
Gần cuối năm lớp 7, sắp vào hè, một lần, gặp bác thợ già rất vui tính. Trong khi cắt, bác tranh thủ nói chuyện về các con của bác, rồi hỏi tôi nhà có mấy anh em, bố mẹ làm gì, ở đâu. Lúc gần xong bác hỏi: “Cháu học lớp mấy?”. “Dạ cháu lớp 7” – tôi nhanh nhảu rồi chợt nhớ ra mình mới có 10 tuổi, đáng nhẽ phải học lớp 5 thôi chứ! Khi cắt xong, tôi không nói câu nào, lặng lẽ đưa cho bác 4 đồng. Thôi thế là từ nay không còn tiền ăn kem, mua ô mai nữa… Cầm 4 đồng trong tay, nào ngờ bác đưa lại 2 đồng rồi cười: “Cháu còn bé, bác chỉ lấy nửa giá thôi!”.
Sau dịp đấy, mỗi lần đi cắt tóc ở Tràng Thi, nếu gặp phải thợ khác, tôi không nói tuổi nữa mà đưa luôn 4 đồng. Riêng với bác thợ già, học đến hết lớp 8, mỗi lần gặp, bác vẫn nhớ tôi và mỉm cười hỏi chuyện học hành. Mỗi khi cắt xong, bao giờ bác cũng chỉ lấy 2 đồng”…
Anh Lê Tùng bảo, có đi xa mới thấy yêu Hà Nội, thấy nhớ cồn cào những kỷ niệm xưa mà hình ảnh hiệu cắt tóc mậu dịch phố Tràng Thi với những người thợ gần gũi, nhiệt tình có tấm lòng rộng mở, nhân hậu đã là một phần của ký ức không thể nào quên. Và khi có dịp về phép, ngày đầu tiên, kiểu gì anh cũng trở lại cửa hàng này cắt tóc để thỏa nỗi nhớ nhung…
Giữa những bề bộn của cuộc sống đôi khi khiến người ta nghĩ rằng cái “chất” Hà Nội mất đi. Nhưng sự thật không phải thế. Bất chấp những ồn ào, vội vã nơi phố đông, từ một góc sâu nào đó, Hà Nội vẫn thanh bình…