Bộ Y tế huy động tổng lực hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine
Sáng ngày 19/6/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm vắc xin cho người lao động tại công ty TNHH phần mềm FPT và công Nipro thuộc khu công nghệ cao TP.HCM, bắt đầu cho chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay tại Thành phố
Đảm bảo an toàn tiêm chủng ở mức độ cao nhất
Phát biểu trong lễ khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của các lực lượng tuyến đầu, trực tiếp tham gia chống dịch, các cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp của Thành phố.
Trong 3 tuần vừa qua, các lực lượng này đã làm việc không biết mệt mỏi, không có giờ nghỉ, quên mọi vất vả, hiểm nguy để tận dụng từng giây, từng phút với quyết tâm cao nhất nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch, để sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh thì thực hiện 5K là cần thiết nhưng chưa đủ. “Chúng ta cần có thêm biện pháp căn bản tiên chủng là vắc xin. TP.HCM đã triển khai tiêm vắc xin trong 3 đợt trước đó và luôn đảm bảo an toàn, Thành phố cần phát huy những kết quả đạt được, để tổ chức tiếp nhận, bảo quản và triển khai tiêm chủng đúng quy định, đúng đối tượng, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất trong chiến dịch lần này”, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh.
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay
Trong lần này, TP.HCM được phân bổ 836.000 liều vắc xin của AstraZeneca (bao gồm 50.000 liều dành riêng cho công an và quân đội) chiến khoảng 86% tổng lượng vắc xin được triển khai tiêm chủng lần này trên toàn quốc.
Phó Thủ tướng chia sẻ: “Tôi biết rằng, số vắc xin phân bổ đợt này chỉ đáp ứng được một phần trong số nhu cầu trên 2,3 triệu người cần được ưu tiên tiêm vắc xin, vì vậy, Thành phố cần triển khai tiêm cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP và các đối tượng nguy cơ cao (công nhân các khu chế xuất, công nghiệp, công nghệ cao; doanh nghiệp) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Đồng thời phối hợp với Cục Y tế, Bộ Công an để hỗ trợ và tổ chức tiêm cho lực lượng công an trên địa bàn”.
Chia sẻ thêm về kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM, BSCKII Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của Thành phố với tốc độ triển khai thần tốc được thực hiện trong 7 ngày với sự huy động tổng lực của ngành Y tế.
Theo đó, trong chiến dịch lớn nhất lịch sử này, ngành Y tế huy động tổng lực các cơ sở đã được công bố đủ điều kiện tiêm chủng hoặc công bố đủ điều kiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 như Viện Y học Dự phòng quân đội phía Nam, Cục Quân y, các bệnh viện thuộc các Bộ, ngành, các bệnh viện công lập, ngoài công lập, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, Trung tâm y tế, trạm y tế, các cơ sở thuộc hệ thống VNVC và cả các phòng khám tư nhân.
“Nếu thực hiện đúng tiến độ thì trong một ngày sẽ có 200.000 người được tiêm chủng và sẽ hoàn thành trước ngày 27/6″, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ thêm.
Bộ Y tế tổng lực hỗ trợ TP.HCM trong cuộc chiến chống dịch
Trong buổi sáng ngày 19/6, TP.HCM đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn với hàng trăm điểm tiêm sẽ được tổ chức tại các quận huyện, xã phường đặc biệt là tại các địa phương có nguy cơ cao. Một trong những trọng tâm trong chiến dịch lần này là nhóm đối tượng công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, quyết tâm ngăn chặn không để dịch bệnh lây nhiễm, xâm nhập vào hệ thống sản xuất.
Sau buổi kiểm tra, giám sát công tác triển khai tiêm chủng được thực hiện tại công ty TNHH phần mềm FPT và công ty Nipro, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Trong các kế hoạch phân bổ vắc xin, Bộ Y tế luôn có sự ưu tiên cho TP.HCM để hỗ trợ tốt nhất cho Thành phố trong công tác phòng, chống dịch góp phần đảm bảo sản xuất và lưu thông của TP.HCM. Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, không chỉ ưu tiên phân bổ nguồn vắc xin cho TP.HCM, Bộ Y tế cũng đã có sự hỗ trợ toàn diện để đảm bảo chiến dịch tiêm chủng được triển khai theo đúng kế hoạch thần tốc đã được đặt ra nhưng đồng thời đảm bảo cao nhất yêu cầu tiêm đến đâu an toàn đến đó.
Theo đó, Bộ Y tế đã cùng TP.HCM xây dựng và hoàn thiện kế hoạch tiêm vắc xin; đào tạo tập huấn cho tất cả các lực lượng tham gia tiêm chủng của TP.HCM để đảm bảo an toàn cao nhất cho chiến dịch tiêm chủng.
Đồng thời các bộ phận trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn cũng đã tham gia hỗ trợ tối đa cho chiến dịch tiêm chủng của TP.HCM, luôn sẵn sàng túc trực hỗ trợ khi có các tình huống không may xảy ra trong quá trình triển khai tiêm chủng.
“Chúng tôi tin rằng với sự quyết tâm và vào cuộc của tất cả các lực lượng, trong những ngày tới TP.HCM sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng lần này”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Về kế hoạch triển khai tiêm vắc xin trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ: “Quan điểm của Bộ Y tế là cố gắng để người dân có thể tiếp cận vắc xin một cách nhanh nhất và nhiều nhất. Tuy nhiên do nhu cầu vắc xin, khả năng cung ứng từ các đơn vị sản xuất cũng như sự khan hiếm nguồn cung trên toàn cầu Bộ Y tế đã và đang tích cực vận động, tiến hành đàm phán với tất cả nhà cung ứng mà chúng ta đã ký hợp đồng để vắc xin có thể về Việt Nam nhanh nhất và có số lượng đảm bảo”.