Phải đến 14 năm sau, kể từ khi đất nước thống nhất năm 1975 – đó là năm 1989 – chúng ta mới tái hội nhập vào đấu trường thể thao khu vực. và, kể từ khi tái hội nhập, dẫu có những nhiều thăng trầm, nhưng Thể thao Việt Nam đã có những bước tiến rất khả quan, sự bứt phá mạnh mẽ. Chúng ta đã giành được nhiều thành tích đáng kể ở một số bộ môn trên đấu trường khu vực Đông Nam Á, đấu trường châu lục và cao hơn thế. Có thể nói, bước ngoặt thành tích lớn và rất đáng tự hào của thể thao nước nhà được tạo ra bởi Sea Games lần thứ 22 năm 2003, được tổ chức tại Việt Nam. Bước ngoặt này không phải bởi Việt Nam đoạt vị trí số 1 toàn đoàn (gần như chắc chắn 5 nước hàng đầu thể thao khu vực sẽ đoạt vị trí số 1 khi là nước chủ nhà đăng cai tổ chức) mà là việc thể thao Việt Nam đã được đầu tư bài bản, có chiều sâu và có khả năng bứt phá tại rất nhiều môn thi Olympic cũng như môn thi đấu của khu vực. Chính vì vậy, sau dấu mốc đáng nhớ này, tính đến nay, Việt Nam luôn nằm trong top đầu thể thao khu vực. Năm 2003 Việt Nam lần đầu tiên vinh dự được đăng cai tổ chức Sea Games 22. Lần đầu tiên có 11 nước tham gia tranh tài ở 32 môn thể thao và 442 nội dung. Đoàn thể thao Việt Nam có 690 VĐV tham dự ở tất cả 32 môn.
Ngay từ khi có thông tin Việt Nam được chọn là nước chủ nhà đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất khu vực, nhân dân cả nước nói chung và đặc biệt là người dân Hà Nội nói riêng, đặc biệt phấn khởi và thấy hết sức vinh dự, tự hào. Để chuẩn bị đón sự kiện này, từ những năm trước đó với hàng núi công việc đã được sự chỉ đạo của Chính phủ, chính quyền thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã bắt tay vào đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất. Chắc nhiều người hâm mộ còn nhớ, trong mọi câu chuyện, trong những mối quan tâm hàng ngày của hầu hết người dân Thủ đô là nóng lòng và háo hức đợi chờ giây phút thiêng liêng ấy. Cũng chính từ sự kiện lớn đầu tiên này, nhiều con đường, nhiều trung tâm thể thao, sân vận động, nhà thi đấu… dành cho nhiều bộ môn thể thao của các quận huyện của Thủ đô và nhiều tỉnh lân cận lần lượt được ra đời. Chính gia đình người viết bài này cùng hàng chục gia đình đã vui vẻ chuyển đi nơi khác định cư để nhường đất xây dựng Cung thể thao Quần Ngựa tại quận Ba Đình. Và, đỉnh cao nhất của loạt công trình phục vụ sự kiện ấy phải kể đến Sân Vận động quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Thể thao tổng hợp Quốc gia thật rộng lớn, hoành tráng và lộng lẫy dành nhiều bộ môn thi đấu như bóng đá, điền kinh và các môn thể dục cùng bơi lặn. Có thể nói đây là hai công trình mang dấu ấn đậm nét nhất cho sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam ngày ấy.
Và, tin chắc rằng rất nhiều người hâm mộ không thể quên không khí trong những ngày Sea Game 22 diễn ra tại đất nước chúng ta. Đây có thể là những ngày hội thật sự tưng bừng, thật sự hào hứng đối với hết thảy mọi người dân Thủ đô. Trong suốt 10 ngày diễn ra thi đấu trên các địa điểm, khắp các nẻo đường thành phố luôn náo nức từng đoàn xe, từng đoàn người cùng đi cổ vũ cho các trận thi đấu, cổ vũ cho vận động viên nước mình, cho vận động viên nước bạn với tinh thần fair play và nồng nhiệt chưa từng thấy bao giờ. Những ấn tượng đẹp ấy vẫn còn nguyên đến ngày hôm nay, dẫu thời gian đã gần 20 năm trôi qua… Và, kết quả kỳ Sea Game năm ấy Việt Nam chúng ta dẫn đầu với 340 huy chương (156 HCV, 91 HCB, 93 HCĐ). Đây là kết quả tốt nhất từ trước đến thời điểm đó của thể thao Việt Nam. Cũng kể từ kỳ Sea Games này, thể thao Việt Nam luôn giữ vững vị trí nằm trong tốp các quốc gia đứng đầu khu vực. Đặc biệt tại SEA Game 30 năm 2019 được tổ chức tại Philippine, thành tích của thể thao Việt Nam chúng ta lại có những tiến bộ vượt bậc. Đoàn thể thao nước ta đã xếp thứ hai trên bảng xếp hạng của Đại hội với tổng cộng 98 HCV, 85 HCB và 105 HCĐ, đoàn Thể thao Việt Nam đã xếp thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương của Sea Games 30. Đây chính là kỳ Sea Games thành công nhất của Việt Nam không chỉ bởi thành tích chung cuộc, mà tuyệt vời nhất là 2 tấm HCV của bóng đá nam và bóng đá nữ mà chúng ta đã chờ đợi đã bao năm.
Và, niềm vinh dự lại đến với đất nước chúng ta, đến với người dân Việt Nam hiếu khách, đó là Sea Game lần thứ 31 sẽ được tổ chức tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận: Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Bắc Giang vào cuối năm 2021. Như chúng ta đã biết, để đón Sea Game lần thứ hai này, chúng ta đã có những thuận lợi khá cơ bản, đó là nhiều cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng từ kỳ Đại hội lần thứ 22 và nhiều công trình vẫn được đầu tư xây dựng, sửa chữa trong những năm qua. Cùng với đó, Chính phủ cũng cho phép Hà Nội và các địa phương được chọn làm địa điểm thi đấu, ngay từ năm 2020 và các tháng đầu năm 2021 triển khai công tác kiểm tra, tu sửa các sân bãi, nhà thi đấu, sân vận động để đón chờ sự kiện: Đại hội thể thao lớn nhất khu vực lần thứ 31 với tinh thần tốt nhất có thể.
Nét mới nhất và cũng là điều đặc biệt tại Sea Game lần thứ 31 được tổ chức tại nước ta vào cuối năm nay đó là: được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, ngành Thể dục thể thao và Ủy ban Olympic Việt Nam đã thống nhất đề cao tinh thần Đại hội Thể thao của khu vực lần thứ 31 được tổ chức tại nước ta lần này sẽ là một Đại hội đổi mới và khác biệt! Sự đổi mới và khác biệt đó là là gì? Đó là chúng ta sẽ tổ chức một kỳ Đại hội mà không bắt buộc phải đặt ra chỉ tiêu phải đạt số lượng huy chương cao nhất và bằng mọi giá phải giữ vị trí dẫn đầu khu vực như nhiều kỳ Đại hội đã diễn ra những năm trước đây. Và, sự đổi mới này đã nhanh chóng lan tỏa và nhận được hầu hết sự tán đồng, ủng hộ và hoan nghênh của đông đảo người hâm mộ và của xã hội. Như chúng ta biết, từ trước đến nay bất cứ quốc gia nào trong khu vực đăng cai đều lấy đó làm cơ hội để đưa thành tích của nước mình lên vị trí cao nhất. Chính vì thế, nhiều nước luôn tìm mọi cách để đưa thật nhiều bộ môn của nước mình, hoặc nước mình có thế mạnh vào thi đấu để giành thật nhiều huy chương và chiếm vị trí đầu bảng. Chính từ suy nghĩ và cách làm đó, mà mấy chục năm qua đã tạo ra sức cản, tạo ra hàng rào hạn chế tốc độ phát triển của thể thao khu vực, làm cho thể thao khu vực Đông Nam Á của chúng ta luẩn quẩn mãi trong vùng trũng của thể thao thế giới. Với tinh thần để các môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic vào thi đấu chủ yếu tại Đại hội, đây thật sự là bước ngoặt lớn, là cuộc cách mạng thật sự, tạo dựng nên một Sea Game hiện đại, hòa nhập cùng dòng chảy của thể thao thế giới. Hy vọng bắt đầu từ Sea Game lần này, nếp nghĩ chúng nhất định phải giành hầu hết huy chương, nhất định phải xếp thứ nhất khi là chủ nhà được xóa bỏ, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi tích cực, sẽ có nhiều quốc gia noi gương. Khi thành tích đạt được trong phạm vi nhỏ hẹp, được ví như lòng chảo không còn là điều quá nặng nề, quá quan trọng trong suy nghĩ của tất cả chúng ta, mà khát khao hòa nhập để vươn tới những tầm cao mới, là cần thiết và cũng là đòi hỏi chính đáng thì không gì có thể ngăn cản sự phát triển mạnh mẽ của thể thao khu vực Đông Nam Á. Và, một khi chúng ta tổ chức Đại hội với tinh thần trong sáng, lành mạnh chấp nhận có thể thua thiệt về số lượng huy chương và vị trí trên xếp hạng, nhưng hầu hết các môn của Olympic được thi đấu tại đấu trường này, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được sự tán đồng, sự khâm phục, nể trọng của bạn bè và cộng đồng quốc tế.
Và cho đến thời điểm này, qua nhiều lần họp bàn, trao đổi với các nước thành viên, Bộ VHTTDL đã phê duyệt đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Sea Games 31 và Para Games 11 năm 2021 diễn ra tại Việt Nam. Ban Tổ chức Đại hội của Việt Nam đã thống nhất với Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á sẽ tổ chức 40 bộ môn để giành hơn 500 bộ huy chương, với các môn: Bóng đá, Điền kinh, Thể thao dưới nước, Vovinam, Thể dục, Quần vợt, Billiards & Snocker, Bắn súng, Thể hình, Bắn cung, Cử tạ, Judo, Taekwondo, Wushu, Vật, Đấu kiếm, Cầu lông, Cầu mây, Bóng rổ, Bóng bàn, Golf, Lặn, Bóng chuyền, Bóng ném, Cờ, Kurash, Boxing, Kick boxing, Bi sắt, Canoeing/Kayak, Rowing, Khiêu vũ thể thao, Karatedo, Xe đạp, Pencak Silat, Muay, Bowling, Jujitsu, Thể Thao Điện Tử – Esports, Ba môn phối hợp. Cùng với đó, Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (Para Games 11) tổ chức thi đấu 11 môn, gồm: Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Bóng bàn, Cầu lông, Cờ vua, Boccia, Quần vợt, Judo người khiếm thị, Bóng lăn người khiếm thị, Bắn cung. Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 sẽ diễn ra trong khoảng hơn 10 ngày, từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 năm 2021; thời gian tổ chức ASEAN Para Games 11 khoảng 10 ngày, sau thời gian tổ chức Sea Games 31.
Mặc dù danh sách các môn đưa vào thi đấu tại Đại hội, nhiều môn, như: Quần vợt, Golf, Boxing, Kick boxing, Muay… là những bộ môn chúng ta không có thế mạnh, không phải sở trường cũng không phải là các môn truyền thống, nhưng chúng ta mạnh dạn và vui vẻ chấp nhận để tạo sự đột phá góp phần vào sự phát triển của thể thao khu vực, từng bước đưa thể thao Đông Nam Á của chúng ta thoát vùng trũng quá sâu trên bản đồ thể thao toàn cầu. Với quyết tâm không thu hẹp các môn thể thao trong hệ thống thi đấu Olympic vào SEA Game để đưa nhiều môn sở trưởng, các môn truyền thống của nước ta vào để giành vị trí cao với nhiều huy chương tại Đại hội kỳ này thật sự là một điều rất đáng ngưỡng và được đánh giá cao.
Trong năm 2020, mặc dù dịch bệnh hoành hành trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, đã gây ra rất nhiều những khó khăn, trở ngại cho đất nước chúng ta, trong đó có ngành Thể dục thể thao. Rất nhiều các giải đấu, các hoạt động thuộc các bộ môn của các địa phương, của các Liên đoàn, Hiệp hội cũng như các giải quốc gia, quốc tế bị hoãn, bị hủy. Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo cụ thể và linh hoạt của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, của Ủy ban Olympic Việt Nam cùng Tổng cục Thể dục thể thao, các Liên đoàn, Hiệp hội, các trung tâm và các tổ chức thể thao của chúng ta vẫn làm tốt công tác chuyên môn, vẫn tổ chức thành công các giải đấu ở nhiều cấp độ, trong đó có như giải cấp quốc gia. Cũng trong năm qua, cùng với Tổng cục Thể dục thể thao, Ủy ban Olympic đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động đối nội, đối ngoại, đẩy mạnh hoạt động chuyên môn và giành được những kết quả khả quan trong nhiều mặt. Cùng với việc chỉ đạo và tiếp tục tổ chức các hoạt động, trong năm 2019 và năm 2020, Ủy ban Olympic Việt Nam luôn đẩy mạnh việc tuyên truyền, và thúc đẩy việc chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội Thể thao khu vực lần thứ 31 bằng nhiều biện pháp cụ thể, thường xuyên, tích cực và hiệu quả.
Cũng trong thời gian qua, đặc biệt là những tháng đầu năm 2021, ngoài việc tiếp tục thường xuyên chỉ đạo công tác chuyên môn, để hoàn thành nhiệm vụ phương hướng công tác năm 2021, Lãnh đạo Ủy ban Olympic Việt Nam cùng Lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao và các cơ quan chức năng đã tổ chức các chuyến đi khảo sát, kiểm tra công tác chuẩn bị và tiến độ thi công tu bổ, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất cho Sea Game tại các địa phương được chọn tổ chức các môn thi đấu của Sea Game. Qua đợt kiểm tra, đánh giá tình hình tại một số tỉnh, thành phố, đoàn nhận thấy lãnh đạo các cấp ở các địa phương, như: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc… đều quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho việc thi công nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình, sân bãi, nhà thi đấu, cung thể thao đúng kế hoạch, đúng tiến độ. Riêng tại Hà Nội, nơi được chọn tổ chức nhiều bộ môn nhất, ngay từ năm 2020 và các tháng đầu năm 2021, ở nhiều địa điểm, như: Cung thể thao Quần Ngựa, Trung tâm Thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Nhà thi đấu Tây Hồ… đã và đang được tiến hành sửa chữa, nâng cấp và chỉnh chang rất nhiều hạng mục.
Với tinh thần vì một nền thể thao phát triển hòa nhập thế giea, chắc chắn Sea Game 31 sẽ là một Đại hội có những đổi mới. Dẫu thành tích của các vận động viên nói riêng và thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam nói chung đứng ở vị trí nào, thì sự thành công lớn nhất mà chúng ta có được tại kỳ SEA Game này, đó chính là: Hãy nhìn xa và đổi mới vì một nền thể thao phát triển và hòa nhập. Sự đổi mới ấy, không chỉ nâng tầm của chúng ta, mà còn góp phần rất to lớn trong việc nâng tầm thể thao khu vực lên vị thế mới trên bản đồ thể thao thế giới.
Chỉ còn sáu tháng nữa là đến tháng 11 – tháng khai mạc SEA Game 31 năm 2021 tổ chức tại nước ta. Mong sao dịch bệnh được khống chế, được đẩy lùi để các vận động viên và nhân dân 11 quốc gia Đông Nam Á chúng ta thực sự bước vào những ngày vui, những ngày thi tài và cùng chờ đón tin vui chiến thắng cùng nắm tay nhau reo hò, cổ vũ nở những nụ cười rạng rỡ từ đấu trường rạng danh này. Xin chúc kỳ SEA Game lần thứ 31 tại đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta thành công, đạt được những điều kỳ vọng như chúng ta hằng mong muốn và được bạn bè tán đồng và khâm phục… Xin gửi đến lãnh đạo Ủy ban Olympic Việt Nam và lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao lời cảm ơn, sự ủng hộ mạnh mẽ vì đã dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vượt qua nếp cũ, để xây dựng nên một thương hiệu SEA Game tiên tiến, hiện đại và hòa nhập thế giới…
Anh Nguyễn