Sự chậm trễ trên thị trường chuyển nhượng có thể khiến HAGL gặp nhiều khó khăn, đồng thời làm nặng thêm áp lực trên vai lứa Công Phượng tại V.League 2021.
Ít ngày sau khi Kiatisak Senamuang có mặt, HAGL đã chốt xong ba suất ngoại binh cho mùa giải mới. Họ là tiền đạo Washington Brandao (Brazil), trung vệ Damir Memovic (Serbia) và cầu thủ phòng ngự Kim Dong-su (Hàn Quốc).
Nhìn trình độ ba cầu thủ này, nhìn cách HAGL chiêu mộ họ, người hâm mộ có lý do để lo lắng về chất lượng ngoại binh của đội bóng phố núi.
Chậm trễ trong chuyển nhượng, nghi ngờ về chất lượng
Có khá nhiều vấn đề trong hoạt động chuyển nhượng ngoại binh của HAGL mùa này.
Thứ nhất là sự chậm trễ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các CLB chỉ có vỏn vẹn 2 tháng nghỉ giữa mùa 2020 và 2021. Ngay khi mùa giải kết thúc, các đội bóng vội vã lao vào thị trường chuyển nhượng. Tới cuối tháng 11, hầu hết đã có ngoại binh đầu tiên. Số khác sớm ổn định lực lượng ngay trong tháng 12. Tính cả Cúp Thiên Long và giải Tứ hùng ở TP.HCM, HAGL là đội duy nhất tham dự mà không có một ngoại binh nào (không xét Khánh Hòa, đội đang chơi ở giải hạng Nhất).
Khi Cúp Thiên Long đã qua những vòng đầu tiên, HAGL mới chốt được 3 ngoại binh đồng thời chào đón HLV trưởng Kiatisak sau thời gian cách ly.
Việc chiến lược gia người Thái Lan hội quân muộn rõ ràng đã gây ảnh hưởng tới hoạt động chuyển nhượng của HAGL. Quan trọng hơn, sự chậm trễ ấy khiến họ không thể tiếp cận nguồn cầu thủ chất lượng trên thị trường sau mùa giải 2020. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các CLB khó tiếp cận nguồn cầu thủ từ nước ngoài. Hầu hết phải tìm kiếm thông qua hoạt động trao đổi cầu thủ. CLB Hà Nội có Bruno Cantanhede, Geovane Magno, Viettel chiêu mộ Pedro Paulo, Bình Định có Rimario Gordon đều theo cách đó.
Những ngoại binh này có trình độ, nhiều kinh nghiệm tại V.League, không qua cách ly và không đòi hỏi các quy trình thử việc phức tạp. Nếu nhanh tay hơn, HAGL đã có thể tiếp cận nguồn cầu thủ này.
Khi nguồn cung đã cạn, đội bóng của bầu Đức buộc phải tìm tới nguồn cầu thủ mới. Trừ Damir Memovic, 2 ngoại binh còn lại của HAGL là Washington Brandao và Kim Dong-su đều chưa từng đá V.League. HAGL cũng không còn cơ hội thử việc họ và sẽ phải chấp nhận sử dụng cả hai ngay lập tức.
Những giải pháp vội vã ấy đều không mang tới hứa hẹn về chất lượng.
Brandao đã 30 tuổi, chưa từng chạm mốc 10 bàn trong một mùa giải. Năm ngoái, anh chơi cho đội hạng trung Petaling Jaya City, đá 11 trận, ghi 4 bàn tại giải Malaysia. Trung vệ người Hàn Quốc Kim Dong-su trưởng thành từ Hamburg nhưng anh không phải Son Heung-min. Mùa trước, Kim khoác áo Anyang, đá 9 trên 27 trận tối đa ở K.League 2. Thống kê của họ không thể khiến người hâm mộ đặt nhiều kỳ vọng.
Trông cả vào nội binh
Không thể có những ngoại binh chất lượng như CLB Hà Nội, Viettel hay thậm cả so với Bình Định, Hà Tĩnh, HAGL bù lại sở hữu dàn nội binh đẳng cấp, đồng đều ở cả ba tuyến.
Trước khung thành, Huỳnh Tuấn Linh và Trần Bửu Ngọc giúp họ sở hữu hai thủ môn có mác tuyển thủ. Hàng phòng ngự cũng được gia cố bởi cựu đội trưởng CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Tuấn và trung vệ mới được ông Park Hang-seo triệu tập Nguyễn Văn Việt. Cộng thêm Vũ Văn Thanh, Nguyễn Phong Hồng Duy, Memovic và cầu thủ trở về từ Bình Dương Trần Hữu Đông Triều, HLV Kiatisak đang có một hàng phòng ngự dày dặn.
Phía trên, tuyến giữa vẫn là niềm tự hào của HAGL với Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường vừa bình phục cùng Triệu Việt Hưng, Dụng Quang Nho, Châu Ngọc Quang và cầu thủ phòng ngự Hàn Quốc Kim Dong-su. Lực lượng mạnh ở hai tuyến này cho phép HAGL tiếp tục để Phan Thanh Hậu, Lê Văn Sơn, Lương Hoàng Nam ra đi theo dạng cho mượn.
Các vị trí đá lùi trên hàng công mang đến sự yên tâm với bộ đôi Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn. Vấn đề lớn nhất của đội hình HAGL chỉ nằm ở vị trí tiền đạo cắm. Trước Brandao, Rimario Gordon hay Chevaughn Walsh đều chơi không tệ nhưng vẫn bị thải loại vì không phù hợp với lối chơi. Nếu không có một chân sút chất lượng, các cơ hội được tạo ra từ tuyến của HAGL sẽ bị phung phí.
Nếu các ngoại binh không chơi như kỳ vọng, gánh nặng sẽ dồn lên vai nhóm nội binh. Trong mùa giải mà Kiatisak đặt mục tiêu vào tốp 5, đó sẽ là nhiệm vụ khó khăn với lứa Công Phượng.