Phim nghệ thuật Việt luôn bị định kiến là “kén khán giả”. Tuy nhiên, gần đây phim nghệ thuật đã và đang tìm được “đất sống” tại thị trường trong nước.
Những khán giả đam mê môn nghệ thuật thứ 7 chắc hẳn không thể quên được bộ phim “Kí sinh trùng” đã “làm mưa làm gió” tại các rạp chiếu lớn nhỏ trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ.
Phải nói, việc“Kí sinh trùng” thành công tại phòng vé Việt Nam thực sự là một tín hiệu đáng mừng, minh chứng rằng khán giả Việt không hề thờ ơ với phim nghệ thuật, chỉ là vì chưa có tác phẩm nào thuộc dòng phim này đủ sức chinh phục họ. Điều này cũng sẽ thúc đẩy việc sản xuất, phát hành phim nghệ thuật Việt Nam, trong thời điểm thị trường đang bùng nổ hiện nay. Nhìn lại điện ảnh Việt khoảng 10 năm trở lại đây, khái niệm “phim nghệ thuật kén khán giả” tồn tại như một điều tất yếu và giới làm nghề cũng mặc nhiên chấp nhận điều đó; khi họ cố làm những đề tài được cho là mới, thu hút giám khảo tại các liên hoan phim quốc tế nhưng lại xa rời, quá cũ đối với khán giả trong nước. Thực tế cho thấy, hàng loạt phim nghệ thuật Việt, kể cả những phim đoạt không ít giải thưởng ở nước ngoài như: “Bi ơi đừng sợ”, “Đảo của dân ngụ cư”, “Song lang”, “Đập cánh giữa không trung”… ra rạp đều không ăn khách. Thế nên, các nhà làm phim nghệ thuật Việt cần phải thay đổi tư duy về đề tài làm phim nghệ thuật, đừng nên quanh quẩn với các đề tài hủ tục phong kiến, nạn tảo hôn, trọng nam khinh nữ… thì may ra mới thu hút khán giả Việt.
Đạo diễn Lương Đình Dũng, từng thành công với bộ phim nghệ thuật “Cha cõng con”, cho biết: “Những yếu tố giải trí một cách rất nghệ thuật của “Kí sinh trùng” quả thật đã hấp dẫn khán giả Việt Nam. Thế thì đương nhiên phim Việt nào làm được như thế sẽ có khán giả và thành công ở phòng vé”.
Những năm gần đây, khán giả Việt cũng có cái nhìn cởi mở hơn, sẵn sàng đón nhận các bộ phim nghệ thuật trong nước. Minh chứng rõ ràng nhất chính là sự thành công ngoài mong đợi của phim điện ảnh “Vợ ba”. Là bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Phương Anh, “Vợ ba” đề cập đến thân phận của người phụ nữ Việt xưa. Với những đấu tranh tâm lý giữa trách nhiệm và khát khao hạnh phúc, người phụ nữ phải sống cả một đời trong khuôn mẫu mà xã hội phong kiến đã đúc tạc nên.
Sự thành công của “Vợ ba” đã mở ra tương lai đầy hy vọng cho những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật trong nước. Chủ đề mới mẻ, khía cạnh khai thác độc đáo sẽ là chìa khóa thành công cho những sản phẩm nghệ thuật vốn bị đánh giá là “kén khán giả”.