Giới hạn đặt ra là để bạn nỗ lực bứt phá bằng hết khả năng của mình, chứ không phải là điểm dừng cuối cùng của bạn. Hãy luôn bắt đầu lại từ con số 0 sau khi bạn cán đích, đừng loanh quanh mãi vạch đích để bị ngủ quên trên chiến thắng, Thanh Xuân chia sẻ.
Phóng viên (PV): Để có thể giành huy chương trong những giải đấu lớn chắc hẳn chị đã phải trải qua nhiều khó khăn. Đến bây giờ chị có còn nhớ về thời gian khó khăn nhưng đầy vinh quang đó?
Đàm Thanh Xuân: Tôi thực sự may mắn khi là một trong số ít vđv đạt được thành tích đỉnh cao ở độ tuổi khá trẻ và vào thời điểm khá sớm, khi mà thể thao Việt Nam chưa thực sự có nhiều thành tích đỉnh cao trên đấu trường quốc tế. Không riêng gì cá nhân tôi, những chiếc huy chương vàng (HCV) đối với bất kỳ vận động viên chuyên nghiệp nào đều rất đáng tự hào, nó giống như cảm giác gặt hái được thành tựu trong cuộc đời và là một sự trải nghiệm vô giá để giúp chúng tôi có thêm động lực, tự tin và duy trì sự hưng phấn để tiếp tục với niềm đam mê của mình. Bên cạnh những chiếc huy chương vàng đáng tự hào, chắc hẳn trong sự nghiệp của mỗi vđv đều khó tránh khỏi những thất bại, có thể là sự thua cuộc, có thể là sự thiếu may mắn, cũng có thể chỉ đơn thuần là không vượt qua được chính bản thân mình… tôi gọi tên những tấm huy chương thất bại đó là “mẹ của thành công” bởi nếu không có những thất bại đó thì hẳn tôi sẽ không bao giờ có được thành công như ngày hôm nay.
Phóng viên (PV): Vậy quan điểm của chị đối với sự thành công là như thế nào?
Đàm Thanh Xuân: Với cá nhân tôi, thành công chắc chắn có giá trị vĩnh cửu. Tuy nhiên, thành công phải là thứ được bắt nguồn từ chính tâm hồn mình, là điều mà bản thân mình cảm nhận được sau tất cả những gì mình đã nỗ lực vượt qua và trải nghiệm chứ không chỉ là sự tung hô hay được người khác ghi nhận bởi sự hào nhoáng chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn ngủi mà thôi. Vì có thể thành công trong mắt của người khác lại không phải là sự thành công mà chính bạn đang đi tìm kiếm, mong muốn đạt được. Và điều quan trọng với mỗi vđv, tôi nghĩ đó phải là chiến thắng chính bản thân mình thì thành công sẽ sớm đến.
Phóng viên (PV): Là người gặt hái được rất nhiều thành công mang tầm cỡ thế giới trong sự nghiệp vận động viên, tấm huy chương nào có kỷ niệm đặc biệt đối với chị?
Đàm Thanh Xuân: Tấm huy chương khó quên nhất trong sự nghiệp của tôi có lẽ là tấm HCV môn Côn thuật tại Giải Vô địch Wushu Thế giới năm 1999 được tổ chức tại Hồng Công (Trung Quốc). Lần đầu tiên giành HCV trên đấu trường quốc tế khi mới 14 tuổi. Lần đầu tiên được chào cờ không phải ở sân trường. Lần đầu tiên được hát quốc ca ở nơi mà xung quanh mình rất nhiều người không hiểu mình đang hát gì, mà mình lại hát hăng hái, say sưa với tâm trạng tự hào chưa từng có, cảm giác giống như là Nobita được điểm 10 hay Sôn-Gô-Ku tìm được viên ngọc rồng vậy. Tôi vẫn còn nhớ, lúc cầm trên tay 1 phong bì tiền thưởng nóng (hồi đó chỉ biết là quà của Ban Tổ Chức thưởng), lại còn bằng Đô la Hồng Kông tôi cũng chẳng biết là bao nhiêu tiền, chỉ nhớ đi theo các anh chị trong đội ra Trung tâm mua sắm, dùng toàn bộ số tiền mua 1 chiếc điện thoại di động Nokia đời đầu để mang về tặng bố. Và đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình làm được điều gì đó cho người mình yêu thương, tôi vui sướng và tự hào lắm.
Phóng viên (PV): Ngoài thành công, thể thao còn mang đến cho chị điều gì?
Đàm Thanh Xuân: Có thể nói thể thao mang lại cho cá nhân tôi rất nhiều điều, tích cực chiếm phần lớn và tiêu cực chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi cho đến khi tôi trải nghiệm đủ chín chắn để hiểu ra nhiều điều. Trước hết, thể thao khơi dậy trong tôi niềm đam mê và khát khao chinh phục thử thách. Bên cạnh đó, thể thao mang lại cho tôi sức khoẻ, sự tự tin và bản lĩnh giúp tôi quyết đoán và có lập trường trong cuộc sống. Nhờ thể thao, tôi có nhiều cơ hội được học tập, rèn luyện về chuyên môn, được tiếp xúc với nhiều người, cùng làm việc và tìm hiểu về những lĩnh vực khác trong cuộc sống. Điều đó giúp tôi có thêm kiến thức cho bản thân và 1 điều tôi rất thích nữa là thể thao đã cho tôi một môi trường tốt để trau dồi ngoại ngữ, điều mà tôi luôn tự tìm tòi học hỏi từ những năm 1995 khi mới lần đầu xa nhà. Bên cạnh những điều tốt đẹp thể thao mang lại cũng có những thứ không như mong đợi. Đó là sự tủi cực, thiếu thốn tình cảm gia đình và một vài lần vấp ngã với những thất bại nho nhỏ mà suýt chút nữa không vượt qua được chính mình với ý định bỏ nghề. Hay những lời nói nói thiếu trách nhiệm như kiểu: “thể thao bạc bẽo lắm”, “làm thể thao nghèo rớt, làm gì có tiền” hay “thể thao thì đầu óc rỗng tuếch, tứ chi phát triển”,… nhiều khi cũng làm tôi chạnh lòng. Tuy nhiên, chỉ khi chính bản thân mình chiêm nghiệm mới thấy đó toàn là lời nói sáo rỗng. Kỳ thực, không riêng gì thể thao, bất kể ngành nghề nào nếu bạn không làm vì niềm đam mê, nhiệt huyết, xuất phát từ tâm, cống hiến và sẻ chia những gì nghề đã mang lại và đồng hành cùng bạn thì bạn sẽ chẳng bao giờ thấy vui, chẳng thể cảm nhận được sự hạnh phúc mà nghề mang lại. Hãy cứ bước tiếp, bạn sẽ tiến xa hơn những người không có ước mơ và hoài bão; bạn cũng sẽ không bao giờ phải hối hận cho dù thất bại hay không thành công như mong đợi thì bạn cũng đã từng cố gắng. Hãy luôn bắt đầu lại từ con số 0 sau khi bạn cán đích, đừng loanh quanh mãi vạch đích để bị ngủ quên trên chiến thắng. Tinh thần thể thao là tinh thần cao thượng , đối với vận động viên thì chiến thắng đôi khi không phải điều quan trọng nhất mà phải luôn giữ được tinh thần chiến đấu, khát khao chinh phục để năng lượng tích cực được lan tỏa và cộng hưởng.
Phóng viên (PV): Hình ảnh Thanh Xuân hiện nay không có nhiều khác biệt so với Thanh Xuân khi còn đang ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiêp, chị có thể bật mí cho độc giả bí quyết gì khiến mình trẻ lâu như vậy?
Đàm Thanh Xuân: Cảm ơn anh! Tôi nghĩ đây không phải là bí quyết gì, tôi cũng không tự mạo nhận là mình trẻ và không khác biệt nhiều so với Thanh Xuân trước đây. Tôi quan sát thấy hầu hết những người kiên trì, bền bỉ với thể thao và quan tâm rèn luyện thân thể đều có chung một điểm là “lâu già”. Hơn nữa, những người đam mê và yêu thể thao như chúng tôi thì hầu hết đều có tâm trạng vui vẻ, hoà đồng và luôn tự tạo ra cho mình nguồn năng lượng tích cực. Sống và làm việc thường xuyên trong môi trường thể thao cũng giúp tôi có được những nét tươi tắn như thời còn thi đấu đỉnh cao. Tôi hy vọng tất cả các bạn nếu muốn trẻ lâu, trước tiên hãy luôn làm cho bản thân mình vui khoẻ bởi có như vậy thì những người xunh quanh bạn sẽ cảm nhận được năng lượng tích cực do bạn lan toả. Đây cũng là điều mà tôi luôn nỗ lực hướng tới trong thời gian qua.
Phóng viên (PV): Kết thức sự nghiệp thể thao đỉnh cao chuyển sang công tác tại Vụ Hợp tác quốc tế – Tổng cục Thể dục Thể thao, phải chăng khát khao được cống hiến cho thể thao nước nhà vẫn còn rất lớn trong chị?
Đàm Thanh Xuân: Tôi muốn gắn bó lâu dài với thể thao đó là điều không thể bàn cãi. Xuất phát điểm là vđv thể thao thành tích cao, sau khi giải nghệ tôi đã đi tu nghiệp ở nước ngoài và may mắn được về công tác tại Tổng cục Thể dục Thể thao – cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao. Tại đây, tôi có nhiều cơ hội được tiếp xúc và hiểu nhiều hơn về tất cả các môn thể thao, các vấn đề mà ngành thể thao phải đối mặt, tôi càng kiên định hơn về con đường mà mình đã lựa chọn, mong rằng tôi sẽ tiếp tục đóng góp được phần nhỏ bé của bản thân vào sự phát triển chung của Thể Thao Việt Nam.
Phóng viên (PV): Được biết mới đây bạn có dự định nhận lời mời tham dự Cuộc thi Hoa hậu Ảnh Thể dục Thể thao do tạp chí Thể thao và Cuộc sống thuộc Ủy ban Olympic quốc gia tổ chức trên cương vị là đại sứ truyền cảm hứng. Chị nghĩ như thế nào về cuộc thi này?
Đàm Thanh Xuân: Trước tiên, qua tìm hiểu thông tin về cuộc thi tôi thấy đây là một cuộc thi đề cao giá trị vẻ đẹp nội tâm của người phụ nữ Việt Nam – đó là vẻ đẹp năng động, đầy sức sống, chứ không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp ngoại hình. Ngoài ra, cuộc thi được chính thức khởi động nhằm hướng tới Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 Việt Nam 2021 (SEA Games 31) sẽ diễn ra tại Hà Nội và 11 tỉnh/thành lân cận từ ngày 12 đến 23/5/2022. Đây là dịp đặc biệt sau gần 20 năm trải qua chặng đường đổi mới và hội nhập sâu rộng của đất nước nói chung, sự phát triển mạnh mẽ của Thể thao Việt Nam nói riêng để một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trên quốc tế, thể hiện tinh thần đoàn kết và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong khu vực. Đúng như câu khẩu hiệu của SEA Games 31 “Vì 1 Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” – “For a Stronger South East Asia”. Tất cả những yếu tố đó tạo nên một Cuộc thi Hoa hậu Ảnh mang nhiều ý nghĩa lan toả sức hấp dẫn vốn có của nhiều môn thể thao, kết nối với cộng đồng quốc tế. Thông qua sự kiện quy tụ nhiều người tham dự nhất trong khu vực được diễn ra 2 năm 1 lần như SEA Games, cuộc thi sẽ tạo nên điểm nhấn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả và bạn bè quốc tế, góp phần vào thành công chung của nước chủ nhà. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng cuộc thi là một sân chơi giúp các bạn vđv của Việt Nam có thêm cơ hội được khẳng định bản thân, đến gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ và người hâm mộ, đồng thời là 1 cách tiếp cận mới để nâng tầm giá trị cá nhân, nhận thức về bản thân, từ đó xây dựng thương hiệu cá nhân, giúp ích rất nhiều cho quá trình lập nghiệp, khởi nghiệp của các bạn trong quá trình tập luyện, thi đấu, sau giải nghệ, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và bùng nổ công nghệ như hiện nay. Nhận lời mời tham dự cuộc thi với vai trò là Đại sứ truyền cảm hứng, quả thật tôi thấy rất vui và thú vị vì sẽ được học hỏi và nhận lại từ tất cả thí sinh tham dự vô vàn điều tuyệt vời, nó giống như là cùng nhau truyền cảm hứng và lan toả lẫn nhau, chứ không hẳn là chỉ từ 1 phía. Tuy nhiên cũng có đôi chút áp lực trên cương vị này vì cũng có phần âu lo rằng mình sẽ không làm tròn trách nhiệm là nhân vật đem lại cho cộng đồng những người có chung đam mê thể thao, yêu rèn luyện sức khoẻ nguồn năng lượng tích cực, lan toả niềm vui trong cuộc sống