Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn cho biết: Trong thời gian qua, dù gặp phải nhiều khó khăn, nhưng Ban Tổ chức SEA Games 31 đã rất cố gắng, huy động mọi nguồn lực để có sự chuẩn bị chu đáo, tốt nhất có thể. Trong đó, công tác truyền thông đang được lên kế hoạch và triển khai với quyết tâm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của công tác truyền thông một sự kiện thể thao mang tầm quốc tế. Trước, trong và sau SEA Games 31, chúng tôi sẽ cố gắng để cung cấp các dịch vụ về công tác thông tin – truyên truyền đối với đội ngũ phóng viên, báo chí trong nước và quốc tế. Tôi hy vọng các bạn khi đến với Việt Nam trong dịp SEA Games này, sẽ cảm nhận được sự thân thiện, nồng ấm, và những tiện nghi cần thiết để có thể tác nghiệp tại sự kiện.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã nghe bà Lê Thị Hoàng Yến báo cáo về công tác báo chí, truyền thông tại Đại hội, như: thông tin về bộ nhận diện, bài hát chính thức, Trung tâm báo chí chính (MPC) và tác nghiệp báo chí tại các địa điểm thi đấu, giới thiệu trang web và fanpage chính thức, các dịch vụ dành cho báo chí…; Đồng thời các đại biểu cũng nghe báo về công tác truyền hình; công tác chuẩn bị của Thủ đô Hà Nội (địa điểm tổ chức nhiều môn thi đấu nhất tại SEA Games)và Tiểu ban Y tế xung quanh công tác y tế cũng như các quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Vấn đề đăng ký thẻ tác nghiệp cho phóng viên, các vấn đề bản quyền truyền hình, công tác ăn ở của các đoàn và của phóng viên tham gia tác nghiệp cũng như công tác chuẩn bị đối với dịch bệnh, trong tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay là những quan tâm hàng đầu của các phóng viên trong Hội nghị truyền thống quốc tế.
Các vấn đề này đều được đại diện BTC và các tiểu ban giải đáp cặn kẽ. Theo đó, dự kiến ngày 15/3, đối với cơ quan thông tấn báo chí trong nước, Ban tổ chức nước chủ nhà sẽ cấp mã ID cho cơ quan truyền thông báo chí để đăng ký online còn đối với các cơ quan truyền thông, thông tấn thuộc 11 quốc gia tham dự SEA Games 31 sẽ thực hiện đăng ký qua các Ủy ban Olympic quốc gia của các nước.
Về công tác ăn, ở của các đoàn ở từng địa phương, Ban tổ chức địa phương đã bố trí các khách sạn ở cho các đoàn. Theo đó mỗi đoàn sẽ dự kiến được bố trí theo từng tầng riêng biệt. Ban tổ chức cũng đã làm việc với Bộ Y tế để xây dựng nhiều phương án chuẩn bị đối phó với tình hình dịch bệnh, nhằm đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho các đoàn, các phóng viên tham dự Hội nghị.
Dự kiến trong thời điểm diễn ra SEA Games 31, Truyền hình nước chủ nhà sẽ truyền hình trực tiếp từ 15-17 môn, trong đó phần lớn là các môn trong hệ thống môn Olympic và một số môn thế mạnh của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Căn cứ vào tình hình thực tế, Ban tổ chức nước chủ nhà cũng sẽ tạo điều kiện tối đa cho các phóng viên ở khu vực Đông Nam Á cũng như phóng viên thông tấn quốc tế có thể tham dự tại SEA Games 31.
Cũng theo bà Lê Thị Hoàng Yến, dự kiến lễ rước đuốc, sự kiện đếm ngược sẽ được tổ chức trước thời điểm diễn ra Lễ khai mạc Đại hội 31 ngày. Hiện các bộ phận chuyên môn đã làm việc chi tiết với các quốc gia và các địa phương đăng cai tổ chức SEA Games để tổ chức lễ rước đuốc qua các quốc gia khu vực Đông Nam Á cũng như các địa phương đăng cai ở Việt Nam. Hội nghị truyền thông quốc tế lần thứ 2 cũng dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4.
Hội nghị Trưởng đoàn SEA Games 31 lần thứ hai dự kiến tổ chức ngày 18/3/2022 tại Hà Nội và các trưởng đoàn sẽ khảo sát trực tiếp một số điểm thi đấu tại Hà Nội, Bắc Ninh và Quảng Ninh vào 19/3/2022.
Một số nét tổng quan về SEA Games 31:
-SEA Games 31 diễn ra từ ngày 12 – 23/5/2022 (Riêng Bóng đá tổ chức từ ngày 6/5/2022)
-Địa điểm tổ chức: Hà Nội và 11 địa phương (Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Hải Dương, Quang Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc).
-Số lượng môn và nội dung thi đấu: 40 môn với 526 nội dung.
– 11 quốc gia tham dự
-Logo của SEA Games 31: “Cánh chim bay lên – bàn tay chữ V”. Ý tưởng này bắt nguồn từ hình ảnh vận động viên đặt bàn tay lên ngực trái, cùng vang lên bản Quốc ca trước mỗi giải đấu đầy thiêng liêng. Ngoài ra, cánh chim là biểu tượng cho ý chí, khát vọng chinh phục và tinh thần thể thao cao đẹp.
-Mascot: Ý nghĩa của mẫu thiết kế Biểu tượng vui (Mascot): Sao la được biết như một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới, sinh sống trong núi rừng Việt Nam và Lào (số ít). Sao la được xếp hạng bảo tồn nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Thông qua mẫu biểu tượng Sao la giúp cho bạn bè trong khu vực và quốc tế biết thêm những giá trị rất đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước Việt Nam. Hình tượng Sao la gợi lên sự thân thiện, nhanh nhẹn, hoạt bát phù hợp với tính chất, hoạt động thể thao.
-Khẩu hiệu (Slogan): khẩu hiệu chính thức có tên tiếng Anh là “For a Stronger South East Asia” và tiếng Việt là “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”. Slogan này mang ý nghĩa truyền tải thông điệp Chính phủ, nhân dân các nước hãy chung sức xây dựng một Đông Nam Á đoàn kết, phát triển và phát huy vai trò của ASEAN trên trường quốc tế. Mạnh mẽ để vượt qua đại dịch.
-Bài hát của SEA Games: Hãy tỏa sáng ( Let’s Shine) (Nhạc sỹ Huy Tuấn)- Với nội dung thể hiện niềm vinh quang trong thể thao tạo niềm tự hào về đất nước con người Việt Nam, tinh thần thể thao cao đẹp, thúc đẩy sự vươn lên của tuổi trẻ, cùng tỏa sáng, hòa nhập vào sự phát triển, đoàn kết, thân thiện với bạn bè quốc tế. Lời bài hát súc tích thông điệp rõ ràng, giai điệu phối khí hiện đại, vui tươi sôi nổi, khỏe khoắn, phù hợp với khẩu hiệu của SEA Games 31 – Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn.
-Đây là kỳ SEA Games không không khói thuốc. Ý tưởng này của Việt Nam đã được các nước trong khu vực ủng hộ và đánh giá cao. Nội dung về chống rác thải nhựa cũng sẽ được truyền thông tại các sự kiện liên quan của SEA Games 31.
Bài: KC, Ảnh: Quý Bảng
Nguồn www. tdtt.gov.vn