Đừng nhầm lẫn về lòng quả cảm, giá trị thật của tuyển nữ và U23 Việt Nam
Khi nói về bóng đá Việt Nam trong một tháng qua thì cụm từ “lòng quả cảm”, “tinh thần quả cảm” được nhắc đến rất nhiều.
Tối qua, 13 cầu thủ U23 Việt Nam thắng Timor Leste sau 120 phút để giành vé vào chung kết U23 Đông Nam Á 2022. Một màn trình diễn tuyệt vời về ý chí, bản lĩnh của các cầu thủ Việt Nam theo kiểu “lấy ít địch nhiều” và giành chiến thắng.
Tôi có hỏi một số cầu thủ U23 Việt Nam trong hôm nay. Các em nói chưa bao giờ phải đá trong tình cảnh như vậy. Tất cả đều mệt mỏi, có em bị căng cứng cơ đùi đến mức đứng lại nghỉ mệt, hay chạy đều thấu chịu nỗi đau.
Tôi dõi theo các em trên mạng xã hội. Nhiều cầu thủ U23 Việt Nam bị cách ly do nhiễm Covid-19 đã cổ vũ đồng đội qua tivi. Dụng Quang Nho đã hò đến khàn tiếng khi đối thủ đá hỏng phạt đền.
Tất cả là những hình ảnh rất đẹp của U23 Việt Nam trong lòng người hâm mộ nước nhà. Họ xứng đáng được ngợi khen về tinh thần quả cảm.
Trước U23 Việt Nam, tuyển nữ Việt Nam đã tạo ra niềm cảm hứng lớn lao với tấm vé dự World Cup 2023. Hành trình của các cô gái Việt Nam xứng đáng được gọi chiến công lịch sử của bóng đá nước nhà. Họ từ cảnh mỗi ngày phải bị “chọc mũi” đến gồng mình thi đấu giữa trời nắng, và viết nên cổ tích bằng lòng quả cảm.
HLV Kim Chi kể với tôi là Bích Thuỳ – tác giả bàn thắng quý như vàng đã sốc nắng khi ra sân trước Myanmar. Nhưng Thuỳ không bỏ cuộc, không ngại gian nan để chiến đấu hết mình. Lý do là Bích Thuỳ chỉ trở lại một ngày trước trận đấu then chốt.
Thể thao nói riêng hay cuộc sống nói chung, những tấm huy chương hay thành tích đôi khi không ý nghĩa bằng chuyện mỗi chúng ta đã phấn đấu ra sao. Và sau mỗi sự thành công, cột mốc đều cần một hành trình dài phấn đấu, cần được nhìn nhận đúng về giá trị chung.
Cũng giống như câu chuyện bóng đá Việt Nam trong gần 1 tháng nay, từ tuyển nữ Việt Nam đến U23 Việt Nam đang mang lại những niềm vui lớn lao cho người hâm mộ cả nước. Chúng ta vui vì chiến thắng, tự hào về lòng quả cảm của các cầu thủ. Nhưng cần nhìn nhận đúng về yếu tố tinh thần và giá trị thật của mỗi sân chơi.
Sự nhầm lẫn, hoặc cố tình tạo ra giá trị kép ở bóng đá Việt Nam là không hề hiếm. Gần nhất, tuyển nữ Việt Nam được vinh danh thì một số ý kiến “than thở” cho tuyển futsal Việt Nam. Dù bản chất futsal là sân chơi trong nhà, là bóng đá phong trào nên không thể đặt bên cạnh tuyển nữ Việt Nam.
Hành trình của U23 Việt Nam cũng vậy. Các em rất đáng khen, đầy quả cảm nhưng U23 Đông Nam Á 20202 chỉ là một giải đấu để cọt xát, luật chơi theo kiểu “ao làng”. U23 Việt Nam đã có 37 cầu thủ tham dự. Nếu không có luật chơi theo kiểu lạ lùng là được phép chi viện quân rồi đá tiếp thì chúng ta đã sớm về nước vì Covid-19. Do đó, không thể làm thước đo để nói về sự thành công của bóng đá Việt Nam. Ngược lại, tuyển nữ Việt Nam đi World Cup là câu chuyện mang tính lịch sử.
Chỉ khi nào nhìn nhận đúng về tư thế, giá trị thật thì mới xác lập được mục tiêu cho tương lai. Bóng đá Việt Nam muốn thành công thì rất cần lòng quả cảm của các cầu thủ nhưng đừng nhầm lẫn về tư thế và bản chất ở mỗi cuộc chơi.