Kết nối với chúng tôi

Thời sự Thể thao

Ngành TDTT cần dần chuyển hướng tư duy làm thể thao bằng quản lý nhà nước về thể thao

Đây chính là một trong những kết luận của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại buổi làm việc với Tổng cục TDTT về kế hoạch công tác năm 2022.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho rằng: năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, với nhiều sự kiện thể thao lớn diễn ra như: Đại hội Thể thao toàn quốc, SEA Games 31, Asiad 19. Do đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngành TDTT xác định tập trung cao độ để triển khai công việc với kết quả cao nhất theo phương châm: “Quyết liệt hành động  – Khát vọng cống hiến”, song hành với việc “Đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính”.

Trong đó, toàn ngành tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ đột phá gồm: Tăng cường xây dựng thể chế, chính sách về TDTT nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; Tập trung cao độ sức lực và trí tuệ của toàn ngành cho công tác tham mưu, phối hợp tổ chức thành công SEA Games 31; Tuyên truyền hướng dẫn người dân tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật và tổ chức các hoạt động thể thao thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid 19; Chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự Asiad 19; Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Mục tiêu mà toàn ngành hướng tới trong năm 2022 là hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án được giao đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Phấn đấu số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35,6%, số gia đình tập luyện TDTT đạt 26,9%; Phấn đấu đạt từ 2 – 4 HCV tại Asiad 19 và tổ chức thành công SEA Games 31, cùng với đó đoàn Thể thao Việt Nam phấn đấu nằm trong top các đoàn có thành tích tốt nhất.  

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Trong năm 2022 ngoài việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như đã đề ra, ngành TDTT cần bổ sung và chú trọng thêm vào công tác quản lý các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia. Làm sao, đẩy được vai trò và phát huy được tối đa thế mạnh từ các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia để đồng hành cùng sự phát triển của Thể thao Việt Nam. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định: nếu muốn Thể thao phát triển mạnh và ngày càng chuyên nghiệp hơn chỉ dựa vào nguồn lực từ nhà nước chưa đủ mà phải cần tới sự chung tay từ các tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội. Đây không chỉ là bài toán về kinh tế thể thao mà còn thể hiện cách làm và cách nhìn của các nhà quản lý đối với sự phát triển của Thể thao nước nhà trong thời gian tới.

Thống nhất với quan điểm trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao bản kế hoạch công tác năm của Tổng cục TDTT đã bám sát với nhiệm vụ của Bộ. Trong đó, các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định rất cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, xã hội và các nền thể thao trên thế giới phát triển không ngừng, để bắt kịp và hòa nhập cùng nền thể thao chuyên nghiệp đỉnh cao thì chúng ta – những người làm công tác quản lý, chuyên môn cần phải thay đổi ngay cách nghĩ và chuyển hướng tư duy làm thể thao bằng quản lý nhà nước về thể thao. Thay vào đó, là cách nghĩ, dám nghĩ dám làm, nói là làm, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm từ các nền thể thao phát triển để áp dụng có chọn lọc phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam để phát triển ngành TDTT ngày một mạnh mẽ và có thương hiệu trong khu vực, châu lục.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo Tổng cục TDTT tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, từ đó tập trung hoàn thành tốt nhóm nhiệm vụ đột phát về mặt thể chế (soạn thảo, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, có tính khả thi và thực tiễn cao… ). Đặc biệt, khi xây dựng chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030 phải lấy thể thao quần chúng, thể thao học đường là nền tảng để tiến tới phát triển thể thao thành tích cao. Tất cả các hoạt động thể thao phải đặt trong sự quản lý lãnh đạo, xây dựng thể thao vì nhân dân và xây dựng chiến lược phát triển TDTT phải khả thi sát với thực tiễn (phải chọn việc, chọn điểm để làm)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Năm 2022 với khối lượng công việc nhiều, nhưng hơn tất cả là chúng ta phải tổ chức thành công SEA Games 31 với chất lượng chuyên môn cao và chắc chắn phải tốt hơn kỳ SEA Games trước trên nhiều phương diện. Từ đó, tạo nên thương hiệu quốc gia về một Việt Nam phát triển, thân thiện, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục TDTT đánh giá tổng thể hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia, từ đó tìm ra giải pháp nhằm khuyến khích thúc đẩy các đơn vị này phát huy tố đa vai trò của mình trong hoạt động thể thao đỉnh cao cũng như TDTT quần chúng.

N.H

Nguồn www.tdtt.gov.vn

Xem thêm Thời sự Thể thao