Mặc dù đã có một quá trình phát triển lâu dài, nhưng tranh đồ họa chưa thật sự được công chúng yêu nghệ thuật biết đến nhiều ở nước ta. Triển lãm mỹ thuật “Khắc họa” vừa khai mạc tại khách sạn Pancific (Hà Nội) là một trong những nỗ lực của Lunet Art Galerie với mong muốn giới thiệu phần nào hành trình của đồ họa Việt Nam qua những giai đoạn lịch sử nhất định với ba gương mặt họa sĩ tiêu biểu: Trần Nguyên Ðán, Lê Mai Khanh và Phạm Khắc Quang.
Không chỉ đơn thuần là cuộc hội ngộ tác phẩm của ba họa sĩ, đại diện cho ba thế hệ, đúng như tên gọi của triển lãm, “Khắc họa” như nét phác thảo về hành trình phát triển, giúp người xem có thể hình dung một cách toàn diện hơn về những đóng góp của các nghệ sĩ đồ họa tạo hình Việt Nam trong bức tranh chung của nền mỹ thuật nước nhà trong giai đoạn trước đây và hiện tại. Hơn 50 tác phẩm trưng bày tại triển lãm, tập trung vào mảng đồ họa tạo hình, đã cho thấy sự độc đáo, ý tưởng sáng tạo phong phú cả về nội dung và hình thức, thể hiện quan điểm, cách nhìn nhận cùng những biểu hiện riêng biệt, mang phong cách đặc trưng.
Họa sĩ Trần Nguyên Ðán (sinh năm 1941), nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từng có nhiều tác phẩm tham gia các triển lãm ở trong nước, ngoài nước và đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật năm 2007. Tranh của ông chân thực và mộc mạc như nội dung thể hiện gắn với các đề tài thiên nhiên, phong cảnh và đời sống sinh hoạt của người dân nơi nông thôn, thành thị trên các vùng, miền đất nước như các tác phẩm Phố cổ Hội An, Chợ phiên Bắc Hà, Bến Ðục chùa Hương, Múa khèn…, vừa thấm đẫm tính dân gian truyền thống và văn hóa dân tộc, song vẫn phảng phất chút siêu thực, tâm linh. Các tác phẩm khá hoành tráng với những mảng không gian lớn, song không bị loãng vì đan cài nhiều chi tiết hòa hợp, có tính cô đọng. Ðến với tranh đồ họa như một duyên phận, họa sĩ đã dành cả sự nghiệp của mình cho mảng sáng tác này và ghi một dấu ấn khó phai mờ trong nền mỹ thuật Việt Nam.
Mang phong cách hàn lâm từ biểu đạt đến tạo hình, song cũng đầy cảm xúc và lý trí, đó là những cảm nhận của người xem về tác phẩm của cố nữ họa sĩ Lê Mai Khanh. Sinh năm 1952, mất năm 2017, cố họa sĩ đã để lại nhiều tác phẩm ấn tượng, thể hiện một tâm hồn phụ nữ đa cảm, hồn hậu mà chất trí tuệ. Tranh của bà rất đời thường, nhưng giàu tình cảm, chứa đựng các tầng nhân sinh quan sâu sắc. Không quá lớn về kích cỡ, nhưng các tác phẩm gói gọn trong đó nhiều ý tưởng, thể hiện những khám phá mới. Từ những bức tranh khắc đồng, khắc kẽm đến tranh khắc gỗ sau này, cảnh vật, con người và cuộc sống đời thường tái hiện qua những nét vẽ rõ ràng và dứt khoát với màu sắc bay bổng trong một không gian hòa quyện giữa siêu thực và hiện tại. Ðó là hình ảnh những đường sắt, gầm cầu, bến thuyền đến các hình tượng rối nước đồng quê mà bà yêu thích như các tác phẩm: Thổi sáo, Chăn trâu, Bé Phương… Ðiều đáng nói, tranh của họa sĩ Lê Mai Khanh luôn cho thấy yếu tố hiện đại trong sáng tác, thể hiện những tìm tòi, tiếp thu và đóng góp của đồ họa Việt Nam đối với nghệ thuật đồ họa tạo hình thế giới. Là một họa sĩ được nhiều người biết đến và là giảng viên đã đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên của trường Ðại học Mỹ thuật Việt Nam, nhưng họa sĩ Lê Mai Khanh luôn chọn lối sống ẩn dật để có thể tận hiến với nghề cho đến tận cuối đời với mong muốn “đưa nghệ thuật đến với công chúng bằng trái tim để họ có thể tự cảm nhận và tìm hiểu về mình” như họa sĩ Mai Anh – con gái của bà cho biết.
Là thế hệ sinh viên được cố họa sĩ Lê Mai Khanh đào tạo, nối tiếp sự nghiệp đồ họa tạo hình của bà, họa sĩ Phạm Khắc Quang (sinh năm 1975) lại chú tâm vào những tác phẩm đồ họa có tính biểu đạt cao với những ý tưởng mới lạ, từ cấu trúc đến các sắc độ đậm nhạt, hình khối, nhưng phải cô đọng, ngắn gọn. Các tác phẩm của anh như một hành trình giải mã đầy cuốn hút của những ý niệm mà ở đó dường như tác giả thể hiện bằng những tín hiệu của ngôn ngữ đồ họa mang tính đương đại, chặt chẽ và chuẩn xác như khoa học. Dường như không có sự ngừng nghỉ và bằng lòng với chính mình, họa sĩ luôn tìm tòi những hướng đi mới, sử dụng các chất liệu mới để biểu đạt những nội dung vốn đã quen thuộc, đem lại góc nhìn nhiều chiều và những cảm nhận mới mẻ. Theo anh: “Nghệ thuật không có giới hạn và cũng không có điểm đến. Nghệ thuật là một hành trình để ta đi, đi đến đâu thì biết nghệ thuật đến đó. Sáng tạo luôn luôn thay đổi, người nghệ sĩ cũng vậy, luôn luôn có những khát khao thì cái mới sẽ đến với mình”.
Tuy chưa thật đầy đủ, song triển lãm mỹ thuật “Khắc họa” đã góp phần tôn vinh những sáng tạo và cống hiến của các họa sĩ đồ họa tạo hình qua một tuyển tập chắt lọc các tác phẩm của ba họa sĩ tiêu biểu cho ba thế hệ vừa mang tính hàn lâm, kinh điển, vừa đậm đà bản sắc và tâm hồn Việt Nam. Thời gian tới, Lunet Art sẽ tiếp tục tạo ra những không gian trưng bày như vậy cho các tác giả tài năng và tìm kiếm cơ hội phát triển cho các nghệ sĩ. Cho đến nay, Lunet Art đã bảo trợ thành công cho nhiều cuộc triển lãm ấn tượng về giá trị nghệ thuật cao, trình bày chuyên nghiệp và dành được sự ủng hộ lớn từ giới nghệ sĩ và cộng đồng yêu nghệ thuật.