Văn hóa “coffee break” biểu dương lối sống sáng tạo
Văn hóa “coffee break” đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và lối sống sáng tạo của xã hội nước Mỹ cũng như toàn thế giới.
Sau sự kiện Boston Tea Party (1773), cà phê được xem là “vua trên bàn ăn Mỹ”. Sức ảnh hưởng của cà phê và hàng quán cà phê đã vượt qua một dạng thức uống và không gian đàm thoại. Hàng quán cà phê trở thành không gian giao dịch kinh doanh, hội nghị chính trị, nhà hát kịch, triển lãm và những hoạt động văn hóa xã hội khác của xã hội Mỹ. Đặc biệt, trong thế kỷ 19, mang trong mình năng lượng phát huy sự tập trung, gia tăng hiệu suất làm việc và khả năng sáng tạo của con người, cà phê trở thành một thức uống “mẫu mực” trong xã hội Mỹ. Mức tiêu thụ cà phê trung bình tăng từ 3 pound mỗi năm lên 5.5 pound trong năm 1850 và 8 pound trong năm 1859. Vào năm 1876, lượng cà phê nhập khẩu vào Mỹ chiếm khoảng 1/3 cà phê trên thế giới.
Sự phổ biến của cà phê cùng sự phát triển của truyền thông quảng cáo tại Mỹ lúc bấy giờ đã thúc đẩy nền văn hóa cà phê đại chúng tại quốc gia này. Cà phê có mặt khắp các ngã đường, trong phòng làm việc, nhà máy, bếp ăn của các hộ gia đình, và được uống dưới nhiều hình thức đen hay pha với các nguyên liệu khác như đường, sữa, kem… Đặc biệt, thưởng thức cà phê đã trở thành một hoạt động được cho phép và khuyến khích trong giờ nghỉ giải lao buổi sáng và buổi chiều của công nhân tại các nhà máy từ cuối thế kỷ 19 nhằm cải thiện hiệu suất làm việc. Đến đầu thế kỷ 20, khái niệm “coffee-break” – “nghỉ giải lao cà phê” lần đầu tiên được lồng ghép trong chiến dịch quảng cáo của hãng cà phê Maxwell House do nhà tâm lý học hành vi John Boardus Watson thực hiện. Tuy nhiên, phải đến những năm 1950, thuật ngữ “coffee-break” – “nghỉ giải lao cà phê” được phổ biến rộng rãi qua chiến dịch quảng cáo “Give yourself a coffee-break” của The Pan American Coffee Bureau cũng do John Boardus Watson đảm trách.
Cùng thông điệp “Give yourself a coffee-break… and get what coffee gives to you”, những giá trị của cà phê đem lại cho người thưởng thức như “Work better” – Làm việc tốt hơn, “Feel Better” – Cảm giác hạnh phúc hơn, “Think Better” – Suy nghĩ tốt hơn, được khẳng định mạnh mẽ qua những mẫu quảng cáo. Với các câu chuyện cụ thể cùng hình ảnh của những con người hạnh phúc, thuộc mọi lĩnh vực từ công nhân, ngư dân, nhân viên văn phòng, kỹ sư, chuyên gia, nghệ sỹ… cùng ngồi xung quanh cốc cà phê để nghỉ ngơi, nạp năng lượng, tìm lại sự tỉnh táo, tập trung làm việc; hay trò chuyện, chia sẻ; tìm kiếm những ý tưởng… tại nơi làm việc, văn phòng, trong bếp ăn, nhà hàng… vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, đã khơi gợi, thúc đẩy cộng đồng thực hiện “coffee-break”. Ngay sau chiến dịch này, cùng việc thúc đẩy lượng tiêu thụ cà phê tại Mỹ, “coffee-break” được đưa vào từ vựng quốc tế, và đến năm 1957 đã trở thành điểm thương lượng về chính sách phúc lợi cho công nhân, người lao động trong ngành công nghiệp Mỹ.
Với hoạt động truyền thông rầm rộ, biểu dương cho lối sống năng động, giàu có và hạnh phúc hơn, văn hóa “coffee-break” đã lan rộng khắp nước Mỹ vào nửa cuối thế kỷ 20, được áp dụng như văn hóa doanh nghiệp Mỹ. Ở đây, “coffee-break” đã tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội trao đổi về nhiều chủ đề khác nhau, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó giúp giảm bớt căng thẳng, thúc đẩy tinh thần cộng đồng, giúp con người tái tạo năng lượng, tăng năng suất và phát huy tư duy sáng tạo. Những giá trị của “coffee-break” nhanh chóng được cả thế giới công nhận và ứng dụng.