Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Taekwondo Việt Nam: nỗ lực hết mình trong công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31

SEA Games 31 là một kỳ Đại hội thể thao đa môn lớn nhất khu vực Đông Nam Á, sự kiện đòi hỏi nước chủ nhà Việt Nam phải đảm bảo chu toàn cả công tác tổ chức lẫn chuẩn bị lực lượng cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên tham dự. Trong đó, vai trò của mỗi bộ môn thể thao là vô cùng quan trọng. Để hiểu thêm công tác chuẩn bị của bộ môn Taekwondo cho kỳ SEA Games quan trọng này với vai trò là chủ nhà, phóng viên Trang tin điện tử đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thu Trang – phụ trách bộ môn Taekwondo, Tổng cục Thể dục Thể thao.

Bà Nguyễn Thu Trang (áo đỏ) – Phụ trách bộ môn Taekwondo (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Xin bà cho biết, môn Taekwondo tại SEA Games 31 sẽ được tổ chức ở đâu, công tác chuẩn bị hạ tầng cơ sở cho việc tổ chức môn này hiện như thế nào?

Môn Taekwondo SEA Games 31 dự kiến tổ chức tại Nhà Thi đấu quận Tây Hồ từ ngày 22-29/11/2021 với 19 nội dung đối kháng và quyền. Hiện tại, Nhà thi đấu quận Tây Hồ đang được nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng đúng tiêu chuẩn quốc tế chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 như: hai sân thi đấu nổi, khán đài tối thiểu 500 chỗ ngồi, có đầy đủ các phòng chức năng (phòng khách quốc tế, phòng trọng tài, phòng doping, phòng thay đồ…), máy phát điện dự phòng, cải tạo nâng cấp hệ thống phòng vệ sinh đáp ứng yêu cầu tổ chức một kỳ Đại hội tầm cỡ khu vực …

Mục tiêu đặt ra cho môn Taekwondo tại SEA Games 31 là gì, thưa bà?

Mục tiêu mà Taekwondo Việt Nam hướng tới tại SEA Games 31 đó là tổ chức một giải đấu thành công, an toàn. Tại SEA Games 30 tổ chức ở Philippines, Taekwondo Việt Nam giành được  5 huy chương Vàng nên mục tiêu của chúng tôi tại SEA Games 31 là cố gắng thi đấu tốt nhất, tối thiểu bảo vệ thành công thành tích vị trí top 3 nước dẫn đầu. Thông qua các giải đấu của năm 2020, Ban huấn luyện cũng đã lựa chọn danh sách các vận động viên xuất sắc để chuẩn bị cho SEA Games 31. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng nhắm được một số mục tiêu cho các vận động viên cũng như thấy được mặt mạnh, điểm yếu của từng vận động viên để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo cho phù hợp.

Để đạt được mục tiêu này, bộ môn đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Để chuẩn bị cho SEA Games 31, ngay từ năm 2019, Bộ môn, Ban huấn luyện và Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tập huấn, thi đấu trong nước và quốc tế cho đội tuyển. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm kiếm và tuyển chọn những vận động viên trẻ tốt nhất ở từng nội dung, đôn lên để có lực lượng kế thừa. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thành kế hoạch cụ thể, phân bổ cho các giải đấu trong năm tới để đảm bảo điểm rơi phong độ của các vận động viên đúng vào thời gian diễn ra SEA Games 31. Bên cạnh đó, bộ môn cũng tích cực và chủ động trong công tác phối hợp với Liên đoàn Taekwondo Việt Nam xây dựng kế hoạch chi tiết về trang thiết bị, lực lượng quan chức và trọng tài quốc tế. Xác định tầm quan trọng của đội ngũ “cầm cân nảy mực”, đảm bảo chất lượng cũng như sự công bằng tại mỗi trận đấu của SEA Games 31, bộ môn và Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã cử các trọng tài được tuyển chọn tham dự các khóa đào tạo, tập huấn trọng tài quốc tế do Liên đoàn Taekwondo thế giới tổ chức. Hiện tại Việt Nam có hơn 10 trọng tài quốc tế và sang năm 2021, dự kiến lựa chọn ra những Trọng tài tốt nhất để cử đi tham gia các khóa tập huấn quốc tế, cập nhật luật thi đấu mới để đủ điều kiện tham gia phục vụ tại SEA Games 31

Trong quá trình triển khai các công việc chuẩn bị cho SEA Games 31, bộ môn gặp phải những khó khăn gì, thưa bà?

Trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên kế hoạch tập huấn, thi đấu của đội tuyển bị thay đổi. Cụ thể, đội tuyển chỉ có thể tập huấn và tham dự các giải thi đấu trong nước, kế hoạch tập huấn và thi đấu nước ngoài đều bị hủy bỏ. Đây cũng là khó khăn đáng kể đối với các vận động viên bởi thể thao thành tích cao là phải thi đấu, qua thi đấu mới bộc lộ hết được các điểm mạnh, yếu, mới rèn được kĩ năng, thể lực, tâm lý thi đấu, phong độ của các vận động viên cũng bị ảnh hưởng, giảm sút.

Theo kế hoạch năm 2021 sẽ là một năm tập trung nhiều nhiệm vụ quan trọng cho đội tuyển như: Vòng loại Olympic khu vực châu Á, tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 (nếu có), Đại hội thể thao châu Á trong nhà, giải vô địch châu Á… và SEA Games 31, chính vì vậy các vận động viên của chúng ta sẽ phải dồn sức nhiều hơn cho những sự kiện dày đặc này.

Trong số các sự kiện quốc tế nêu trên, SEA Games 31 là sự kiện thể thao đa môn lớn nhất khu vực Đông Nam Á, chính vì vậy có thể thấy được những đòi hỏi thiết yếu cần phải đáp ứng để có thể tổ chức thi đấu môn Taekwondo đúng yêu cầu như giáp, mũ điện tử, hệ thống phần mềm điều hành và hệ thống video replay. Đây đều là những trang thiết bị mà Việt Nam chúng ta chưa có hoặc có nhưng qua sử dụng nhiều lần nên không thể đáp ứng đúng tiêu chuẩn sử dụng tại SEA Games 31.

Bên cạnh đó, còn có những khó khăn trong công tác tổ chức SEA Games 31 mà môn Taekwondo phải đối mặt như lực lượng vận động viên đang trong giai đoạn chuyển giao. Nhiều vận động viên có bề dày thành tích như: Hà Thị Nguyên, Phạm Thị Thu Hiền … đã nghỉ thi đấu. Lực lượng vận động viên trẻ kế cận còn thiếu kinh nghiệm cũng như chưa có nhiều cơ hội cọ xát quốc tế.

Vậy Bộ môn có những giải pháp gì để tháo gỡ nhưng khó khăn trên?

Để hạn chế và khắc phục tối đa những khó khăn do hoàn cảnh khách quan đem lại đồng thời đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, bộ môn cùng với ban huấn luyện và chuyên gia vẫn tiếp tục duy trì đều đặn các bài tập về thể lực và chuyên môn cho các vận động viên. Ngoài ra còn có những buổi tập tăng cường thể lực, tăng cường kỹ chiến thuật và tổ chức các cuộc thi đấu nội bộ (quy mô như một cuộc thi đấu chính thức thu nhỏ) để duy trì trạng thái thi đấu đỉnh cao cho các vận động viên. Chúng tôi cũng hy vọng rằng sang năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt và các đường bay quốc tế được nối lại, sẽ nghiên cứu, lựa chọn một số quốc gia an toàn, phù hợp để cử các vận động viên đi tập huấn tại đó.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, tuy không thể tham gia các giải thi đấu quốc tế bằng hình thức trực tiếp nhưng các vận động viên cũng được Liên đoàn Taekwondo Việt Nam tạo điều kiện tham dự các giải thi đá nhanh (tốc độ) Đông Nam Á và Vô địch quyền châu Á theo hình thức thi đấu trực tuyến. Đội tuyển Việt Nam đã giành được 2 huy chương Vàng, 4 huy chương Đồng tại giải Vô địch quyền châu Á và 3 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng giải thi đá nhanh (tốc độ) Đông Nam Á.

Bà nhận định như thế nào về đối thủ của Taekwondo Việt Nam tại SEA Games 31?

Có thể nói Taekwondo tại Việt Nam là một trong những môn có phong trào mạnh nhất và phát triển rộng khắp cả nước, là môn có nhiều vận động viên đạt thành tích tại các giải thi đấu cấp khu vực, châu lục và thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á thì chúng ta đang ở vị tốp 3 quốc gia xếp đầu. Nhận diện về đối thủ của Taekwondo Việt Nam tại SEA Games 31 sắp tới, có thể thấy Thái Lan là đối thủ mạnh khi các vận động viên của nước này giành nhiều thách tích ở cấp độ vô địch thế giới, vô địch châu Á. Ngoài Thái Lan thì Philippines và Campuchia là những đối thủ mà chúng ta không thể xem nhẹ khi các vận động viên của họ cũng từng giành huy chương châu Á.

Còn xét về khu vực, châu Á được đánh giá là khu vực có nhiều quốc gia có thành tích tốt nhất thế giới ở môn thể thao này. Do vậy, đây cũng là khó khăn cho chúng ta. Tuy nhiên, theo tôi đây sẽ là thách thức, nhưng cũng sẽ đem đến cơ hội cho Teakwondo Việt Nam có thể nhìn nhận những tồn tại, qua đó tìm giải pháp khắc phục, để có thể vươn xa hơn nữa trong thời gian tới.

Xem thêm Thể thao