Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Nước mắt đội trưởng Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng cho giấc mơ World Cup của Việt Nam

Xét theo logic bình thường thì đội trưởng Nhật Bản Maya Yoshida không cần phải khóc khi hoà Việt Nam 1-1.

Nước mắt Yoshida phản ánh khát vọng Nhật Bản

Maya Yoshida đã ôm mặt khóc ngay sau trận đấu với Việt Nam. Những giọt nước hiếm thấy trong bóng đá, bởi cầu thủ chỉ thường khóc khi thua cuộc hoặc giành vinh quang.

Nhật Bản bước vào trận đấu với Việt Nam trong bối cảnh đã giành vé dự World Cup 2022. Đội chủ nhà để một số trụ cột sớm trở lại CLB, còn HLV Moriyasu Hajime dùng nhiều cầu thủ dự bị so với trận thắng Úc 2-0. Nhưng họ đặt mục tiêu phải thắng Việt Nam để làm quà cho gần 6 vạn khán giả nhà và thay lời tri ân sau một hành trình dài ở đi đến World Cup 2022.

Trận đấu kết thúc với tỷ số hoà 1-1 và Maya Yoshida khóc. Đội trưởng Nhật Bản thất vọng khi chỉ có 1 điểm trước Việt Nam. Anh ghi bàn 1 bàn thắng nhưng bỏ lỡ cơ hội mười mươi giúp đội nhà giành thắng lợi.

Có thể thấy tuyển Nhật Bản không hề có tư tưởng đá theo kiểu chủ quan, hay đá vui trước Việt Nam. Họ khát vọng thắng vì khán giả, vì tầm vóc của bóng đá Nhật Bản ở châu Á.

Đội trưởng Nhật Bản khóc vì hoà Việt Nam.

Và Maya Yoshida khóc đã phản ánh rất chân thật về bóng đá Nhật Bản. Các cầu thủ xứ hoa Anh đào không bằng lòng với thành quả đạt được (tấm vé World Cup) mà luôn cầu tiến. Đấy là lý do Yoshida cảm thấy xấu hổ đến rơi nước mắt khi hoà Việt Nam – một đội bóng yếu hơn Nhật Bản.

Từ những giọt nước mắt của đội trưởng Nhật Bản đã lý giải được vì sao người Nhật phát triển bóng đá thần tốc, hùng mạnh trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhật Bản từng thua Việt Nam 0-3 vào năm 1959. Sau 62 năm, Nhật Bản đã trở thành cường quốc bóng đá ở châu Á. Tấm vé dự World Cup 2022 là lần thứ 7 liên tiếp mà Nhật Bản có mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Đến giấc mơ World Cup của Việt Nam

Sau trận đấu với Nhật Bản, HLV Park Hang Seo nói: “Tôi thấy bóng đá Việt Nam còn nhiều thứ phải làm. Trận này chúng ta hòa Nhật, nhưng về mặt tiềm năng thì chúng ta còn thiếu rất nhiều.

Cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhiều yếu tố khác nữa, những thứ để hỗ trợ sự phát triển bóng đá thì ở Việt Nam chưa được tốt. Nhưng trong tương lai khi kinh tế phát triển, những thứ đó sẽ được cải thiện. Khi đó tôi tin bóng đá Việt Nam sẽ rất phát triển”.

Đó là lời nói chân thật và nhận xét chính xác của ông Park về bóng đá Việt Nam. Nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng từng nói chi tiết hơn là sự yếu kém về cơ sở vật sở, y học thể thao, dinh dưỡng, công tác đào tạo trẻ…

Lăng kính chân thật nhất là trận hoà trước Nhật Bản. Tuyển Việt Nam có đúng 1 lần dứt điểm là pha đánh đầu thành bàn của Thanh Bình, 277 đường chuyền, 27,5% thời gian kiểm soát bóng. Nhật Bản có lần lượt là 24, 713 và 72,5%. Tất cả đều vượt trội quá xa so với tuyển Việt Nam.

Khát vọng của đội trưởng Nhật Bản được hun đúc qua nhiều thế hệ cầu thủ, là câu chuyện ý nghĩa để các cầu thủ Việt Nam học hỏi.

Một điểm trước Nhật Bản phản ánh sự tiến bộ lớn của tuyển Việt Nam nhưng cũng chỉ ra khoảng cách mêng mông về trình độ. Chúng ta vừa hay, vừa may mới hoà được Nhật Bản – một đội bóng có đẳng cấp khác biệt quá lớn.

Và tuyển Việt Nam muốn tiến gần đến chuyện hiện thực hoá giấc mơ World Cup thì cần thay đổi nhiều thứ. Không chỉ là câu chuyện cơ sở vật chất mà còn nhiều thứ, trong đó chuyện nâng tầm sân chơi V.League và tạo cảm hứng bóng đá cho các em nhỏ là hai thứ đặc biệt quan trọng.

Nhật Bản chính là tấm gương lớn. Nhật Bản đã cải tổ sân chơi chuyên nghiệp đủ tầm vóc để nâng bước ĐTQG. Người Nhật thay đổi hệ thống bóng đá chuyên nghiệp vào cuối những năm 1980, sau đó chính thức cơ cấu lại giải J.League (giải vô địch quốc gia) vào năm 1991. Một năm sau, Nhật Bản lần đầu vô địch châu Á và dự World Cup vào năm 1994 tại Mỹ.

Cảm hứng cho trẻ em chơi bóng có ý quan trọng trong quá trình đào tạo trẻ ở Nhật Bản. Bằng chứng là họ có phông văn hoá mới khi cho ra đời Đội trưởngTsubasa vào năm 1981. Đây là bộ truyện tranh không chỉ thắp sáng ước mơ chơi bóng cho trẻ em Nhật Bản mà còn làm niềm cảm hứng cho nhiều danh thủ bóng đá thế giới như Zinedine Zidane, Alessandro del Piero, Andres Iniesta. Người Nhật có Kazu Miura, người được ví như King Kazu – niềm cảm hứng để tác giả Yoichi Takahashi cho ra đời Đội trưởng Tsubasa.

Con đường đến World Cup chỉ ngắn lại khi bóng đá Việt Nam vận động, học hỏi và thay đổi tích cực. Ngược lại, một thế hệ cầu thủ giỏi, một HLV là không đủ để hoàn thành giấc mơ lớn tầm châu lục.

Văn Nhân

                Nguồn www. Sao. Star

Xem thêm Thể thao