Thực hiện Quyết định số 3611 /QĐ-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Chương trình Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng cục TDTT đã và đang hoàn thiện Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao”.
Sáng ngày 22 tháng 6, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – Lê Thị Hoàng Yến đã có buổi làm việc với đại diện Tổng công ty dịch vụ Viễn thông thuộc Tập đoàn VNPT – đối tác sẽ hỗ trợ, phối hợp với ngành TDTT trong việc triển khai Đề án chuyển đổi số. Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Thông tin TDTT.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thạch Hưng Phó giám đốc Trung tâm Thông tin TDTT đã khái quát tiến độ triển khai Đề án; những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức mà ngành TDTT sẽ gặp phải trong quá trình thực hiện Đề án chuyển đổi số. Theo ông Nguyễn Thạch Hưng để có thể xây dựng Đề án mang tính khả thi và đạt được các mục tiêu đề ra, có 3 bài toán cần phải giải trong việc thực hiện đề án này. Đó là (1) Bài toán về quản lý, đánh giá công tác phát triển thể dục thể thao tại các địa phương và quốc gia: Tổng cục Thể dục thể thao hiện nay chưa có những đánh giá cụ thể, định lượng về công tác phát triển thể dục thể thao tại từng địa phương và trên quy mô quốc gia. Các đánh giá hiện nay chủ yếu dựa trên các báo cáo rời rạc ở từng lĩnh vực cụ thể và môn thể thao cụ thể. Việc thống kê các số liệu này tương đối khó khăn và có độ trễ nhất định do đó ảnh hưởng lớn đến công tác hoạch định chính sách cũng như công tác quản lý nhà nước về thể dục thể thao.
Chuyển đổi số có thể giải quyết bài toán bằng cách xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về phát triển thể dục thể thao. Hệ thống thông tin cho phép các địa phương cập nhật nhanh chóng, chính xác các số liệu báo cáo đồng thời giúp các cấp quản lý có cái nhìn tổng thể về công tác phát triển thể dục thể thao ở từng địa phương. Với các dữ liệu thu thập được sẽ là cơ sở khoa học, là tiền đề cho phép xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển thể dục thể thao phù hợp với từng địa phương cũng như trên phạm vi quốc gia.
(2) Bài toán về tuyển chọn, đào tạo vận động viên: Công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên thi đấu thể thao hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm định tính, ít dựa vào dữ liệu định lượng, gần như không có thông tin về các chỉ số sinh hóa, dữ liệu tập luyện, thi đấu của vận động viên. Chỉ có số ít các môn thể thao như Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Điền kinh… đang manh nha làm được việc này. Điều đó đã gây ra những khó khăn trong việc lựa chọn vận động viên khi thi đấu cũng như khả năng đánh giá mức độ phát triển của vận động viên trong tương lai.
Chuyển đổi số có thể giải quyết bài toán bằng cách có một nền tảng dữ liệu vận động viên để họ biết và khai thác tốt nhất lợi thế mình có. Cơ quan nhà nước có thể căn cứ các dữ liệu thu thập được để có những đánh giá chính xác về tình trạng, chiều hướng phát triển của vận động viên từ đó có những quyết định mang tính khách quan, khoa học.
(3) Bài toán về quản lý, tổ chức các giải thi đấu thể thao: Việc quản lý, tổ chức các giải thi đấu thể thao hiện nay mới chỉ dừng ở mức ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, hầu hết công đoạn vẫn còn thực hiện thủ công gây nhiều khó khăn trong việc tổng hợp, cập nhật, lưu trữ kết quả thi đấu. Hơn nữa dữ liệu liên quan đến quá trình thi đấu bị phân tán dẫn đến tình trạng thất lạc thông tin.
Chuyển đổi số có thể giải quyết bài toán bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quá trình quản lý, tổ chức thi đấu từ khâu đăng ký đến tổng hợp báo cáo kết quả thi đấu sau khi kết thúc giải đấu. Điều này giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức thi đấu thể thao đồng thời phục vụ tốt hơn công tác xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành thể dục thể thao.
Trao đổi hai bên trong cuộc họp, phía VNPT cũng đặc biệt quan tâm tới các Văn bản pháp lý của Bộ, Tổng cục TDTT liên quan đến mục tiêu, định hướng phát triển của ngành TDTT; mục tiêu hội nhập quốc tế, các mô hình thể thao quốc tế có thể áp dụng tại Việt Nam; Hiện trạng, cơ cấu quản lý của ngành TDTT từ trung ương đến địa phương, các đơn vị thể dục thể thao cơ sở, trường học, doanh nghiệp…Và trong giai đoạn này, ngành TDTT tập trung ưu tiên cho đối tượng nào (cơ quan quản lý, HLV, VĐV thành tích cao, quần chúng hay người dân, doanh nghiệp…) để phía VNPT xây dựng các phương án kỹ thuật sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh: Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao” cần bám sát Chương trình chuyển đổi số của Bộ VHTTDL. Trên cơ sở điều kiện thực tế của ngành TDTT cần xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và trọng tâm trong từng giai đoạn.
Ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển công nghệ số trong lĩnh vực thể dục thể thao phải góp phần xây dựng nền thể thao Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện tích. Để đạt được các mục tiêu đề ra, trước hết cần chuyển đổi nhận thức, tư duy về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số. Xây dựng các chương trình truyền thông, hoạt động, sự kiện nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức của Tổng cục Thể dục thể thao về lợi ích của ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục Thể dục thể thao.
Kết thúc buổi họp, hai bên đã thống nhất được khung thời gian các đầu mục công việc nhằm đảm bảo tiến độ triển khai Đề án./.
An An