Những bộ môn nghệ thuật truyền thống khi được phản ánh qua các tác phẩm điện ảnh đã một lần nữa thu hút được khán giả trẻ.
Nghệ thuật phản ánh nghệ thuật không còn là điều gì xa lạ trong cuộc sống chúng ta. Không thể phủ nhận các môn nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ, bổ trợ lẫn nhau. Khán giả có thể tìm đến một lĩnh vực nghệ thuật qua “lời giới thiệu” của một bộ môn khác. Minh chứng rõ ràng nhất chính là những tác phẩm điện ảnh “gọi dậy” những môn nghệ thuật đã từng bị lãng quên.
Là một bộ phim về nghệ thuật cải lương, “Song Lang” đã từng là tác phẩm làm mưa làm gió của nền điện ảnh trong nước. Cải lương là một loại hình nghệ thuật thể hiện những tích tuồng cổ, những câu chuyện lịch sử và lồng ghép trong đó là sự than thân trách phận, là câu chuyện về tình yêu. Cải lương phổ biến ở miền nam như một hình thức giúp cho những người con nơi ấy được thể hiện nỗi lòng của mình qua câu hát, qua tiếng mõ của “Song Lang”, qua tiếng đàn tài tử. Đặc biệt, ở thế kỷ trước, khi đời sống còn khó khăn, khi văn hóa phương Tây chưa du nhập quá nhiều, cải lương đã là một món ăn tinh thần không thể thiếu của đa số gia đình miền nam.
Chính vì vậy, kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương là một dịp đặc biệt mà bộ phim “Song Lang” phần nào đã giúp khán giả nhớ đến loại hình này, đưa những người lớn tuổi du hành thời gian đi về quá khứ để có thể chiêm ngưỡng một Sài Gòn u buồn trong đôi mắt của những số phận vốn không được ông trời ưu ái cho những gia cảnh hạnh phúc. Bù lại, họ lại mang trong mình tâm hồn nghệ sĩ để có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật. Vẻ đẹp của tình yêu dù mới chỉ chớm nở nhưng đã sớm lụi tàn.
Bên cạnh “Song Lang”, trước đây điện ảnh Việt cũng từng có bộ phim “Sài Gòn anh yêu em” phản ánh cuộc sống của những nghệ sĩ vọng cổ khi về già. Ngay từ đầu, nhà sản xuất, đạo diễn phim đã cho biết sẽ mô tả về Sài Gòn ở góc sáng. Thông qua các câu chuyện tình yêu, gia đình của 5 tuyến nhân vật trong phim để làm nổi bật lên một tình yêu da diết với Sài Gòn, vùng đất nhiều người chọn lựa để cư ngụ, mưu sinh. “Sài Gòn, anh yêu em” đã làm được ở góc độ này, đưa đến người xem một bức tranh đầy màu sáng về Sài Gòn một cách dễ thương và tử tế. Độ dễ thương nằm ở câu chuyện về 5 cặp đôi đều có điểm chung là tình yêu dành cho nhau. Tình yêu này không chỉ có tình yêu nam nữ mà còn tình mẫu tử, phụ tử, tình yêu đồng giới, tình yêu nghề, tình yêu sân khấu, tình người…
Trong đó, cặp NSƯT Thanh Nam và NSND Ngọc Giàu vừa là tình tri kỷ, vừa là tình yêu nghề. Họ sống ở đình, trông coi nhang khói cho tiền nhân, giữ gìn bộ môn sân khấu cải lương, làm nhang để mưu sinh. Họ không phải vợ chồng, sống với nhau như tri kỷ, chăm sóc lúc ốm đau và đêm đêm khi nhớ nghề lại mang phục trang sân khấu ra hát diễn. Những câu vọng cổ ngọt ngào qua giọng ca hai nghệ sĩ gạo cội này khiến người xem xúc động, nó như nốt lặng giữa một Sài Gòn ồn ã, có đủ cung bậc từ ồn ào, cảm xúc đến lãng mạn nhất. Bộ phim đã đưa những người trẻ Sài Gòn đang tất bật với guồng quay cuộc sống náo nhiệt hiện đại trở về với bộ môn nghệ thuật truyền thống tưởng chừng đã bị lãng quên.