Một khán đài đầy ắp khán giả là ước mơ của mọi CLB. Nhưng làm cách nào để nhận chỉ số yêu thương từ người hâm mộ là một điều rất khó.
HAGL là trường hợp rất đặc biệt trong bóng đá. Họ đá AFC Champions League với tư thế chủ nhà nhưng không được tổ chức tại sân Pleiku, thay vào đó mượn sân Thống Nhất (TPHCM) để đủ chuẩn như AFC yêu cầu. Đáng nói là khán giả trung bình cao hơn sân nhà của HAGL dù BTC chỉ cho phép 70% người hâm mộ vào sân.
Ba trận đấu của HAGL ở AFC Champions League tính theo BTC thông báo có tổng cộng 26 nghìn người đến sân, tức trung bình mỗi trận có 8 nghìn người. Nhưng đó chỉ là con số bán vé, còn thực tế phải cao hơn. Vì trận đấu nào cũng chật cứng hai khán đài A và B. Ước tính trung bình phải 11 nghìn khán giả/trận xem HAGL ở sân Thống Nhất. Con số này cao hơn sức chứa sân Pleiku (hơn 10 nghìn chỗ ngồi).
Bầu không khí ở sân Thống Nhất chắc chắn là mơ ước của bất kỳ đội bóng nào ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Khi ba đội bóng đá với HAGL đều có chung chia sẻ là ấn tượng với sự cuồng nhiệt của khán giả TPHCM.
Khán giả đến sân Thống Nhất đi ngược với kết quả của HAGL: 2 thua, 1 hoà. Tuy nhiên, rất khó trách HAGL khi bảng H quá mạnh với ba đội bóng hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Đây cũng là lý do hàng nghìn người hâm mộ luôn cổ vũ cuồng nhiệt, hò hét liên tục để tiếp thêm sức mạnh cho HAGL. Nếu không có “cầu thủ số 12” ở TPHCM thì đội bóng của bầu Đức dễ thua đậm.
Trận đấu với đương kim vô địch K-League CLB Jeonbuk vào tối 22/4 là ví dụ. Sân Thống Nhất trở lại đúng nghĩa “chảo lửa” của bóng đá Việt Nam, khi sự cuồng nhiệt chẳng khác gì các sân vận động nổi tiếng trên thế giới. 30 phút cuối thực sự khiến cho những ai ngồi ở sân phải… nhứt đầu, ù tai. Mỗi pha chạm bóng, hay tấn công của HAGL đều đi kèm sự hò hét bất tận trên khán đài. Có lẽ, các cầu thủ Jeonbuk đã “cóng” trước sự cuồng nhiệt này nên đá khá lạc nhịp, còn HAGL vùng lên với nhiều cơ hội ăn bàn.
Đặt ra một câu hỏi thế này: Nếu CLB HAGL đá thắng thì liệu sân Thống Nhất có đủ sức chứa cho khán giả TPHCM?
Đáp án có lẽ nhiều người cũng dễ trả lời. Sức hút của HAGL cộng với chiến thắng thì dễ xảy ra cảnh “vỡ sân”. Điều này đã diễn ra trong nhiều năm qua, khi sân Cần Thơ có sức 50 nghìn chỗ ngồi vẫn không đủ vé cho khán giả, nhiều người phải leo lên cây để xem Công Phượng và các đồng đội chơi bóng.
Câu chuyện của HAGL nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt ở TPHCM mang đến vấn đề để suy ngẫm. Đó là chỉ số yêu thương của đội bóng trong lòng người hâm mộ.
HAGL không phải chờ đến lúc có thành tích mới thu hút khán giả. Họ đã nhận được sự yêu mến ngay từ lúc lứa Công Phượng mới 18-19 tuổi. Từ sân Mỹ Đình đến Thống Nhất và mọi sân cỏ cả nước thì HAGL đều nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt. Tất cả là giá trị khác biệt của CLB HAGL.
Trong bóng đá, một đội bóng cần giá trị đầu tiên là “Admission love quotient” – chỉ số chấp nhận và yêu thương, sau đó mới nói đến chuyện thương mại và thành tích. Tức đội bóng phải được đông đảo người hâm mộ yêu mến, mua vé đến khán đài xem họ thi đấu.
Và nói về chỉ số yêu thương trong bóng đá thì bao gồm những giá trị về bản sắc, văn hoá bóng đá, tính cống hiến, đá đẹp, làm tử tế… Còn những Cúp, huy chương sẽ mất đi ý nghĩa nếu một đội bóng không được khán giả yêu thương. Đây là câu chuyện thực tế của bóng đá Việt Nam khi có những đội bóng trong ngày vô địch thiếu vắng khán giả, thậm chí có CLB xấu hổ đến mức không muốn lễ đăng quang diễn ra ở sân nhà.
Hãy nhớ rằng, bóng đá là môn giải trí nhận được sự yêu mến của hàng tỷ người trên thế giới. Một đội bóng thi đấu không có người xem thì đồng nghĩa với sự thất bại về nhiều mặt, bởi có câu “bóng đá sẽ chết nếu không có khán giả”.
Cần phải chúc mừng cho HAGL – một đội bóng nhận được chỉ số yêu thương của hàng triệu khán giả và làm hồi sinh “chảo lửa” Thống Nhất. Đây cũng là cơ sở để tin đội bóng của bầu Đức sẽ hướng tới mục tiêu kế tiếp là giành danh hiệu trong tương lai.