Lựa chọn vaccine ngừa Covid-19: không có tốt nhất, chỉ có phù hợp nhất
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Việt Nam nhập nhiều loại vaccine để tiêm chủng cho người dân. Liệu có nên phân loại vaccine để phù hợp cho từng đối tượng?
Ngày 23/06, Bộ Y tế quyết định phân bổ đợt 6 vaccine Covid-19, bao gồm 500.000 liều vaccine Sinopharm do Trung Quốc tặng Việt Nam cho 9 tỉnh phía Bắc, trong đó Quảng Ninh nhận nhiều nhất với 230.000 liều.
Đối tượng triển khai tiêm chủng ngay cho người dân sống giáp biên giới Trung Quốc, người có nhu cầu trao đổi, hoạt động thương mại, dịch vụ với Trung Quốc, công dân Trung Quốc sống và làm việc trên địa bàn. Trước đó, TP Hạ Long đã hoàn thành tiêm 7.293 liều vắc xin cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có lực lượng tuyến đầu và người lao động trong các KCN.
Những ngày qua, thành phố Hạ Long tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại lớn trên toàn địa bàn. Ngoài ra, nhóm người có nguy cơ cao như lái xe taxi, xe ôm, người làm nghề bốc vác… cũng được tiêm đợt này.
Trước đó vào ngày 16/07, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh – ông Nguyễn Trọng Diện cho rằng, sự bình yên của Quảng Ninh hiện nay chính là thời điểm “vàng”, lý tưởng để tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân. Ông Diện chia sẻ:
“Chẳng may dịch quay trở lại thì phải tập trung toàn bộ lực lượng, nhất là đội ngũ y tế, để phòng, chống dịch. Vì thế, phải tranh thủ tiêm nhanh, với số lượng lớn để có thể tạo miễn dịch trong cộng đồng càng sớm càng tốt”.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện, trước mối quan tâm về chất lượng vaccine Sinopharm của Trung Quốc, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, đây là loại vaccine đứng thứ 4 trong các loại vaccine cao cấp và được nhiều nước trên thế giới lựa chọn để triển khai tiêm chủng.
Có nên ‘kén chọn vaccine’?
AstraZeneca là vaccine đầu tiên được VNVC (Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam) nhập về và hiện cũng là vaccine đang được tiêm chủng rộng rãi ở Việt Nam. Phía VNVC cũng từng thông tin:
“Để vắc xin phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ, phòng ngừa khỏi virus Sars-Cov-2, cần phải tiêm vắc xin đúng lịch, đủ mũi theo chỉ định của bác sĩ”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu di truyền dịch tễ học và loãng xương thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia từng chia sẻ trên Vnexpress chia sẻ về “con số bốn tuần” là khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của vaccine AstraZeneca kèm hướng dẫn của nhà sản xuất:
“Khoảng cách thời gian cho hai mũi tiêm là bốn đến 12 tuần, nhưng họ ghi rõ “chuộng tám tuần trở lên”, vì đó là thời gian để vaccine đạt hiệu quả cao nhất”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Bình, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam cũng cho biết: đa số vaccine ngừa Covid-19 hiện nay đều cần hai mũi tiêm để đạt được miễn dịch đầy đủ. Tùy loại vaccine khác nhau, khoảng cách giữa hai mũi tiêm có thể khác nhau. Đối với vaccine AstraZeneca, khoảng thời gian khuyến cáo giữa hai liều tiêm từ 8-12 tuần. Tiến sĩ Cẩm Bình cho hay:
“Các loại vaccine mRNA có yêu cầu thời gian mũi tiêm thứ hai tương đối ngắn hơn, với Pfizer là 21 ngày, Moderna là 28 ngày. Chưa có dữ liệu nghiên cứu về tính hiệu quả của các loại vaccine mRNA này nếu khoảng cách giữa hai mũi tiêm nằm ngoài khoảng thời gian tiêm được khuyến cáo của nhà sản xuất”.
Ở thời điểm trước đây, Việt Nam chỉ có vaccine AstraZeneca được tiêm chủng rộng rãi thì hiện tại cả nước đã có 5 loại vaccine được tiêm chủng. Ngoài AstraZeneca, có thêm 1.000 liều vaccine Sputnik V do Chính phủ Liên bang Nga tặng, 1 triệu liều vaccine Vero Cell được tặng từ Trung Quốc và vừa về thêm 2 loại mới là Pfizer và Moderna.
Nếu như “thời gian chờ” giữa 2 mũi tiêm của các loại vaccine là khác nhau, thì liệu có nên ưu tiên loại vaccine có thời gian chờ ngắn hơn có nên được tiêm cho đối tượng khẩn cấp hay không?
Cũng trong bài phát biểu của mình, giải thích hiện tượng 54 nhân viên của Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM bị nhiễm Covid-19 dù họ đã được tiêm hai liều vaccine, Chuyên gia Nguyễn Văn Tuấn cho biết:
“Tôi muốn thuyết phục các bạn rằng chẳng có gì phải hoang mang cả. Xin nhắc lại rằng mục đích chính của vaccine Covid-19 không hẳn là ngăn chặn lây nhiễm mà là giảm độ lây nhiễm, giảm nguy cơ nhập viện, giảm nguy cơ tử vong”.
Do đó, đã tiêm vaccine mà vẫn bị nhiễm Covid-19 là điều không nằm ngoài dự báo của khoa học. Tiến sĩ Bình cho biết, hiện chưa có dữ liệu nghiên cứu hiệu quả của vaccine nếu thời gian tiêm mũi hai bị trì hoãn lâu hơn khoảng thời gian khuyến cáo tiêm giữa hai liều.
Nghĩa là, tác dụng của vaaccine không chỉ là miễn dịch cộng đồng cho 70 triệu dân số Việt Nam hiện nay, mà còn giảm nguy cơ tử vong và bệnh lý nặng. Chính vì thế, ở thời điểm dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay thì mỗi liều vaccine của bất cứ loại nào cũng đều rất quý giá.
Ngày 02/07, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về một số giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 về việc “không kén chọn vaccine”.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine, thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và thực hiện kế hoạch thông tin trung thực, khách quan về việc tiếp cận bình đẳng tiêm các loại vaccine khác nhau cho hợp lý. Nhằm tránh tình trạng, tâm lý chờ đợi, lựa chọn vaccine, có loại nào phải dùng ngay loại đó, tinh thần là kịp thời, an toàn, hiệu quả.