Dù đưa vào nội dung thi đấu nhưng lại cấm các nước mạnh tham gia. Đó là câu chuyện về môn cầu lông tại SEA Games 32.
Lâu nay, cầu lông Campuchia có khoảng cách rất xa so với những cường quốc đẳng cấp thế giới như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… Thế nhưng tại SEA Games 32, cầu lông Campuchia lại đứng trước cơ hội giành HCV – điều mà ngay cả cầu lông Việt Nam chưa bao giờ làm được.
Thêm nội dung, cấm nước mạnh
Tại SEA Games 32, môn cầu lông vẫn giữ lại các nội dung quan trọng gồm đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ. Bên cạnh đó còn có thêm nội dung đồng đội hỗn hợp.
Và đây chính là điều đáng nói, bởi chủ nhà Campuchia đã đưa ra quy định lạ lùng khi… cấm các nước mạnh tham gia nội dung này.
Cụ thể, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Singapore là các nước không được phép đăng ký VĐV dự nội dung đồng đội.
Điều đó dẫn đến việc chỉ có những nước có trình độ cầu lông không mạnh như Campuchia, Lào, Myanmar, Brunei và Timor Leste được tham dự nội dung này. Đây chính là lợi thế không hề nhỏ với chủ nhà Campuchia.
Và với việc không còn những nước mạnh ở nội dung đồng đội hỗn hợp, cầu lông Campuchia hoàn toàn có thể tự tin vào việc có được huy chương, thậm chí là huy chương vàng.
Quyết định này của chủ nhà Campuchia đã gây ra những tranh cãi. Trưởng đoàn thể thao Thái Lan, Thana Chaiprasit, cho biết: “Đây là lợi thế với nước chủ nhà. Chúng tôi đã tìm cách giải quyết chuyện này nhiều lần rồi nhưng không được”.
Nguyễn Thùy Linh – hy vọng của cầu lông Việt Nam?
Bỏ qua câu chuyện tranh cãi nói trên, với các nội dung còn lại, liệu tuyển cầu lông Việt Nam có cơ hội nào để giành huy chương? Trên thực tế, khả năng giành HCV của cầu lông Việt Nam là tương đối khó dù các đoàn khác không cử đi đội hình mạnh nhất.
Cụ thể, Indonesia quyết định lựa chọn các VĐV giàu kinh nghiệm kết hợp với những tay vợt trẻ.
Lý do dẫn đến điều này là do họ phải chia lực lượng để tham dự Sudirman Cup – một giải đấu diễn ra trùng thời điểm với SEA Games. Vì vậy, Indonesia sẽ tập trung mạnh vào các nội dung chính như đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ.
Dù vậy, tuyển cầu lông Indonesia vẫn tự tin đặt mục tiêu giành 4 HCV ở SEA Games 32 do những VĐV còn lại của họ vẫn rất chất lượng.
Điển hình là Dwi Wardoyo, người đang đứng hạng 18 thế giới. Với việc các tay vợt hàng đầu khu vực như Anthony Ginting, Jonatan Christie (Indonesia), Lee Zii Jia (Malaysia), Loh Kean Yew (Singapore) vắng mặt, cơ hội giành HCV của Wardoyo là khá cao. Ngoài ra, hai nội dung đôi nam và đôi nữ của Indonesia cũng được đánh giá rất cao.
Tương tự, Malaysia cũng cử đến SEA Games 32 những VĐV trẻ. Cụ thể, tay vợt lớn tuổi nhất của Malaysia là Leong Jun Hao năm nay chỉ mới 24 tuổi. Tuy nhiên, anh sở hữu hồ sơ chuyên môn khá ấn tượng khi đứng hạng 61 thế giới.
Trong khi đó, hy vọng của cầu lông Việt Nam được đặt vào tay vợt nữ Nguyễn Thùy Linh. Tuy nhiên, hành trình của cô ở nội dung đơn nữ sẽ không hề đơn giản khi trước mặt là những tay vợt rất mạnh như Lalinrat Chaiwan, Supanida Katethong (Thái Lan), Esther Nurumi Tri Wardoyo (Indonesia)…