Tham vọng dự World Cup 2026 của Việt Nam và Thái Lan
Olympic 2024 tăng lên 3,5 suất cho châu Á, World Cup 2026 có 8 suất. Đó là cơ hội lớn cho những đội bóng như Việt Nam và Thái Lan tăng thêm khả năng được góp mặt tại các ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Tham vọng của Thái Lan
Theo truyền thông Thái Lan, sự thất bại ở U23 châu Á 2022 không ảnh hưởng đến tham vọng trong tương lai. Liên đoàn bóng đá Thái Lan cần có kế hoạch cho U23 châu Á 2024, xa hơn là cơ hội dự World Cup 2026.
Lợi thế cho Thái Lan là 1/2 đội hình dự U23 châu Á 2022 vẫn đủ tuổi thi đấu ở giải đấu sắp tới. Cụ thể, lứa U23 Thái Lan có Yannick Nussbaum (18 tuổi), Suphanat Mueanta (19 tuổi), Chatmongkol (20 tuổi) Jonathan Khemdee (20 tuổi), Achitpol Keereerom (20 tuổi), Chayapipat Supunpasuch, Patrik Gustavsson, Songchai Thongcham, Channarong Promsrikaew và Purachet Thodsanit cùng tuổi 21.
Ủy ban Olympic Quốc tế đã phân bổ châu Á có 3 suất trực tiếp và 1 suất đá play-off dự Olympic 2024. Có nghĩa là VCK U23 châu Á 2024 có 3,5 suất dự Olympic. Ba đội xếp cao nhất giành vé thẳng, đội hạng tư đá play-off. Thái Lan cũng có mục tiêu cho giấc mơ lần đầu dự Olympic.
Tờ Siamsport phân tích Thái Lan cần tiếp tục làm tốt hơn trong việc tìm kiếm thêm các cầu thủ gốc ngoại. Chuyện này giúp cho U23 Thái Lan có thêm những cầu thủ giỏi và sớm chuẩn bị tốt cho U23 châu Á 2024.
Ngoài tham vọng dự Olympic 2024, truyền thông xứ chùa vàng cho rằng Liên đoàn bóng Thái Lan cần đầu tư cho lứa U23 để tính đến cơ hội được dự World Cup 2026. Lý do là World Cup 2026 tăng lên 48 đội và châu Á có 8 suất.
Trường hợp có vé dự Olympic 2024 thì Thái Lan sẽ nghiêm túc với giấc mơ dự World Cup. Vì châu Á có 8 suất đã mở ra cơ hội rất lớn cho những đội bóng như Thái Lan, UAE, Trung Quốc, Việt Nam, Iraq, Oman. “Voi chiến” có một thế hệ giỏi thì phải đặt hy vọng lớn.
Thực tế, đội tuyển Thái Lan đang cho thấy được hướng đi tốt so với các nền bóng đá ở khu vực. “Voi chiến” có Chanathip Songkrasin, Supachok Sarachat, Chaowat, Sittichok đang thi đấu ở Nhật Bản. Thái Lan đẩy mạnh chuyện xuất ngoại để hướng đến cấp độ châu Á, và nghĩ xa hơn trong việc nâng cao trình độ cho các cầu thủ.
“Mục tiêu của tôi là chạm trán với những đội bóng hàng đầu ở châu Á. Nếu ai đó hỏi thi đấu với các đại diện Đông Nam Á có tác dụng gì không thì câu trả lời của tôi chắc chắn là không”, ngôi sao tuyển Thái Lan Theerathon Bunmathan nói.
Theerathon chính là cầu thủ Thái Lan đầu tiên vô địch J.League (giải đấu số 1 của Nhật Bản). Anh đã góp công không nhỏ vào chức vô địch của Yokohama F Marinos.
Tuyển Thái Lan là đối thủ có tiềm năng cho tham vọng tranh vé World Cup 2026 nếu lứa U23 tiếp tục phát triển tốt như các đàn anh.
Cơ hội nào cho tuyển Việt Nam?
Trong 5 năm qua, tuyển Việt Nam có sự chuyển mình rất lớn với chức vô địch AFF Cup 2018, tứ kết Asian Cup 2018, đặc biệt là tấm vé vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Lứa U23 Việt Nam để lại ấn tượng rất lớn với ngôi Á quân U23 châu Á 2018, tứ kết U23 châu Á 2022 và 2 tấm HCV SEA Games. Điều đó cho thấy bóng đá Việt Nam đang làm tốt về đào tạo trẻ.
U23 Việt Nam có 9 cầu thủ đủ tuổi dự U23 châu Á 2024 gồm Văn Chuẩn, Tiến Long, Văn Đô, Tuấn Tài, Duy Cương, Công Đến, Văn Khang, Văn Trường, Văn Tùng.
Về cơ bản, U23 Việt Nam có tiềm lực không hề thua kém Thái Lan nếu xét về quân số cho tham vọng lớn ở U23 châu Á 2024. Tuy nhiên, sự khác biệt là các cầu thủ trẻ của Thái Lan đang chơi tốt ở cấp CLB. Ví dụ Suphanat Mueanta (19 tuổi) nhưng đá chính ở CLB Buriram United và nhanh chóng có suất tại tuyển Thái Lan.
Kinh nghiệm và cơ hội thi đấu sân chơi chuyên nghiệp là rào cản cho các tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam chứ không riêng lứa U23. Bằng chứng là U23 Việt Nam chỉ có Thanh Bình, Văn Toản, Việt Anh, Hoàng Anh được thi đấu nhiều ở V.League. Con số này quá thấp so với Thái Lan, khi thống kê cho thấy đội bóng của HLV Gong Oh Kyun đá tổng cộng 185 trận tại V.League nhưng “voi chiến” có 506 trận.
Trường hợp đặt tham vọng cho tấm vé dự Olympic 2024 thì U23 Việt Nam phải tiến bộ thần tốc về mọi mặt. Bởi hàng thủ sẽ không còn có Việt Anh, Thanh Bình ở U23 châu Á 2024. Những sự thay thế khác cần phải tích luỹ kinh nghiệm thi đấu chuyên nghiệp ngay từ bây giờ.
Với tuyển Việt Nam, cơ hội tranh vé World Cup 2026 là có cơ sở, không hề nhỏ hơn so với Thái Lan. Vấn đề là giới hạn năng lực của cầu thủ Việt Nam liệu có đủ sức vượt qua lằn ranh về trình độ cấp khu vực và châu lục hay không.
Chúng ta đã thấy được những hạn chế lớn không chỉ về trình độ mà còn các vấn đề khác như VAR ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Tuyển Việt Nam liên tục bị phạt đền khi các trọng tài tham khảo VAR. Lý do các cầu thủ Việt Nam chưa trải nghiệm nhiều về các trận đấu có VAR.
V.League phải thay đổi để giúp cho các cầu thủ Việt Nam được nâng tầm về đẳng cấp, có VAR để các cầu thủ không lúng túng khi thi đấu tầm châu lục. Bài toán lớn cần được giải quyết là tăng số đội theo đúng mô hình chuyên nghiệp, thay vì phần đáy là giải hạng Nhất (12 đội) nhỏ hơn phần chóp đỉnh – V.League (13 đội). Đây là vấn đề quan trọng để tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ được thi đấu.
Bốn năm tới là quãng thời gian không ngắn nếu nhìn lại các tiền đề đã có từ năm 2014 đến nay. Bóng đá Việt Nam có quyền mơ vé dự World Cup 2026 nếu có kế hoạch và sự đầu tư lớn ngay từ bây giờ.