Số phận của những bộ phim Việt chuyển thể từ tác phẩm văn học
Tác phẩm phim ảnh Việt Nam chuyển thể từ văn học trong nước hiện đang gặp phải rất nhiều vấn đề khiến các diễn đàn điện ảnh trong nước xôn xao.
Nhắc đến nền văn học Việt Nam, có thể nói chúng ta sở hữu cả một gia tài đồ sộ và phong phú những tác phẩm văn chương đỉnh cao. Đó chính là mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim sử dụng để khai thác kịch bản cho các bộ phim truyền hình hay điện ảnh. Nguời ta thường nói, kịch bản văn học là cái gốc để đạo diễn dựa vào thực hiện những bộ phim có giá trị. Và những tác phẩm văn học vốn nổi tiếng, mà được chuyển thể thành phim sẽ một lần nữa mang đến cho chúng ta những sản phẩm nghệ thuật có chất lượng.
Thực tế thì, một bộ phim dựa vào tác phẩm văn học hay kịch bản do nhà văn viết, chưa chắc sẽ là một bộ phim hay. Nhưng những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học thường sẽ được thực hiện theo góc nhìn mới mẻ và sáng tạo của đạo diễn, từ đó mang đến cho khán giả chúng ta những đánh giá khác, mà khi đọc sách/truyện, chúng ta không hoặc chưa thấy, và thấy khác. Đây cũng chính là dịp để chúng ta so sánh sự giống và khác nhau giữa sách và phim.
Gần đây, một số bộ phim chuyển thể từ văn học Việt Nam đang gặp phải một số vấn đề gây xôn xao cộng đồng yêu phim. “Cậu Vàng” là một trong những bộ phim gây ồn ào nhất thời gian qua. Ngay từ thời điểm phim công bố diễn viên vào vai cậu Vàng là một chú chó giống Nhật Bản, bộ phim đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội. Ngoài ra, admin của fanpage phim “Cậu Vàng” đã dùng ngôn ngữ không phù hợp trả lời bình luận tiêu cực khiến bộ phim càng bị tẩy chay mạnh hơn.
Ngay sau khi ra mắt, “Cậu Vàng” tiếp tục hứng chịu những chỉ trích nặng nề về nội dung, bối cảnh, tạo hình nhân vật và nhiều tình huống trên phim. Các nhân vật kinh điển trong những tác phẩm của nhà văn Nam Cao vốn được yêu thích được đưa lên màn ảnh với tạo hình xa lạ. Đặc biệt từ chú chó đóng “Cậu Vàng” đến diễn viên đóng Lão Hạc, giáo Thứ, ngay cả diễn viên quần chúng đều béo tốt, không cho thấy sự khắc khổ của những nhân vật trong hình dung của những người đã từng đọc nguyên tác văn học của nhà văn Nam Cao.
Bên cạnh “Cậu Vàng”, “Trạng Tí” cũng là bộ phim gặp phải lùm xùm. Thời gian qua, dù chỉ mới ra mắt trailer nhưng phim bị một số khán giả đòi tẩy chay, không xem phim vì cho rằng ê-kíp chỉ làm việc với công ty Phan Thị – chủ sở hữu bản quyền truyện tranh Thần đồng đất Việt (kịch bản gốc) mà không liên hệ để xin góp ý của “cha đẻ bộ truyện” – họa sĩ Lê Linh.
Ngô Thanh Vân cho biết ngay sau khi có ồn ào, ê-kíp có liên hệ với họa sĩ Lê Linh với mong muốn được hợp tác, cố vấn cho phim. Nhưng họa sĩ Lê Linh từ chối. Đến hiện tại, Ngô Thanh Vân đã có đến 4 lần liên hệ với phía họa sĩ Lê Linh nhưng ông vẫn tiếp tục từ chối. “Ở góc độ là một nghệ sĩ, tôi rất trân trọng sự sáng tạo đối với họa sĩ Lê Linh, nhưng rất tiếc tôi và anh không có được tiếng nói chung” – Ngô Thanh Vân chia sẻ.
Sự việc bị khán giả tẩy chay khi phim chưa ra mắt khiến cô và ê-kíp cũng lao đao suốt khoảng thời gian qua. Khi thấy trên mạng xã hội nhiều người kêu gọi không xem phim, Ngô Thanh Vân cảm thấy hoang mang, cô suy nghĩ nhiều, không biết mình nên dừng lại hay tiếp tục dự án. Ngoài lùm xùm với “cha đẻ” bộ truyện, từ trailer phim, khán giả cho rằng có nhiều chi tiết không tôn trọng nguyên tác. Cụ thể, trong truyện, bổ tử (miếng vải thêu lên áo) của Trạng Tí có hình bản đồ chữ S, nhưng chiếc áo của Trạng Tí được đổi thành hình cá chép.
Có thể thấy, những bộ phim chuyển thể từ văn học Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều vấn đề. Các nhà làm phim khi có ý định thực hiện dự án chuyển thề nên cân nhắc nhiều yếu tố để vừa mang đến sự mới mẻ, vừa đảm bảo giữ nguyên được tinh thần của tác phẩm.