Từ ngày 22 tháng 8 đến ngày 4/9 sẽ diễn ra hoạt động quốc tế tầm cỡ là Đại hội Thể thao Quân đội Quốc tế lần thứ VII “ARMY-2021”. Theo dữ liệu chính thức của Bộ Quốc phòng LB Nga, hội thao quân sự quy mô hoành tráng “ARMY-2021” này quy tụ phần tham gia của hơn 300 đội, với cơ số hơn 5.000 quân nhân từ hơn 40 nước châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ.
Lễ khai mạc chính thức đồng thời của Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự Quốc tế “ARMY-2021” và Đại hội Thể thao Quân đội Quốc tế lần thứ VII-2021 sẽ được tổ chức vào ngày 23/8 tại Trung tâm Triển lãm-Hội nghị Patriot (Khu vực Matxcơva). Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai sự kiện bắt đầu vào ngày 22/8. Diễn đàn “ARMY” kéo dài đến ngày 28/8, còn Đại hội Thể thao Quân đội Quốc tế với những cuộc thi quyết liệt, gay cấn và đầy sắc màu – cho đến ngày 4/9.
Từ ngày 22/8 đến ngày 4/ 9, 33 cuộc thi thuộc các chuyên ngành quân sự khác nhau sẽ được tổ chức trên lãnh thổ 11 nước – Algeria, Armenia, Belarus, Việt Nam, Iran, Qatar, Kazakhstan, Trung Quốc, Nga, Serbia và Uzbekistan.
Có 16 cuộc thi diễn ra trên lãnh thổ LB Nga, phân bố rải rác về mặt địa lý theo các thao trường quân sự toạ lạc ở cả phần châu Âu và phần châu Á của đất nước Nga bao la.
Việt Nam cũng là “chủ nhà” của “ARMY 2021”
Một điểm rất mới là năm nay Việt Nam sẽ là một trong những địa điểm tổ chức Hội thao Quân sự Quốc tế. Trên lãnh thổ Việt Nam sẽ diễn ra cuộc thi Vùng tai nạn – là cuộc so tài của các đơn vị cứu hộ khẩn cấp với sự tham gia của các quân nhân từ 4 quốc gia: Việt Nam, Nga, Belarus và Mali.
Đây là cuộc đua tranh rất khó khăn. Phần lớn nhiệm vụ thi đòi hỏi nỗ lực thể chất đáng kể, sự khéo léo linh hoạt, mà quá trình thực hiện là trong bộ bảo vệ tổng hợp” (“bộ khí tài phòng da OZK”) và trong mặt nạ phòng hơi độc. Điều kiện khí hậu Việt Nam hẳn sẽ nhiễu nhương gây khó làm cuộc thi phức tạp hơn. Vì vậy, sẽ rất vất vả cho tất cả các thành viên dự thi: người Nga và người Belarus vốn quen với khí hậu ôn hòa, các binh sĩ châu Phi tuy ở vùng có khí hậu nóng nhưng khô. Còn bộ đội Việt Nam có phần thuận lợi riêng khi thi đấu “trên sân nhà”, vì “đất quê ta sẽ hỗ trợ”.
Trong kỳ hội thao lớn năm nay, cuộc thi tài thiện xạ Xạ thủ bắn tỉa được chia thành hai hạng mục: “SVD” (viết tắt từ tiếng Nga, có nghĩa là“«Súng bắn tỉa Dragunov“) và “Chuyên nghiệp”. Những cuộc thi đầu tiên trong số này sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Các tay thiện xạ bắn tỉa của 12 quân đội sẽ hội tụ tại đó: Việt Nam, Lào, Myanmar, Malaysia, Nga, Belarus, Uzbekistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh, và thêm cả Venezuela. Ở nhiều nước trong số này sử dụng nhiều biến thể khác nhau của súng trường SVD 7,62 mm như là vũ khí bắn tỉa tiêu chuẩn.
Bộ đội Việt Nam là thành viên tích cực của Hội thao Quân đội Quốc tế
Ngoài hai nội dung thi đấu được tổ chức trên sân nhà, các đại biểu của QĐND Việt Nam sẽ thể hiện tài trí, kỹ năng và sức lực trong những cuộc thi đấu sau:
– Tank Biathlon: Tổng cộng có các đội lính tăng từ 20 nước sẽ tham dự giải đua “TB-2021“. Trên cơ sở kết quả thi đấu thành công năm ngoái (Huy chương vàng ở bảng 2), đoàn xe tăng Việt Nam có cơ hội trổ tài ở bảng 1. Nhưng Uzbekistan, Azerbaijan (“trường phái xe tăng Xô-viết” được bảo lưu vẫn tiếp tục phát triển), rồi còn Trung Quốc, Serbia, Myanman và Syria (họ vẫn là đội quân đang thực chiến).
– Kinh tuyến: Ở đây các VĐV địa hình quân sự từ Cục Bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu) QĐND Việt Nam sẽ phải tranh tài cùng những đối thủ nặng ký từ Nga, Belarus, Trung Quốc, Iran, Lào trong nội dung thi đấu đòi hỏi tổng hợp kiến thức chuyên sâu về địa hình, khả năng phân tích số liệu nhanh và nền tảng thể lực tốt bởi phải cơ động nhanh khi luôn mang theo khối quân tư trang lên đến cả chục kg.
– Văn hóa quân đội: Việt Nam là một trong 19 thành viên tham gia. Cơ hội đạt thành tích lớn của các nghệ sĩ quân sự Việt Nam là rất cao.
– Cúp Biển: Việt Nam là đất nước hàng hải. Hải quân của QĐND Việt Nam là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất trong khu vực. Hai khinh hạm tên lửa loại Gepard 3.9 là biên đội tàu “HQ015 Trần Hưng Đạo” và biên đội tàu “HQ016 Quang Trung” đã đến Vladivostok ngay từ cuối tháng 7, tham dự lễ diễu binh hoành tráng nhân Ngày Hải quân Nga. Các thủy thủ đoàn đã có thời gian cách ly, làm quen thích nghi với khí hậu vùng biển Nga và đưa tàu vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Các khu trục hạm cỡ nhỏ này đều là “tân binh”, gia nhập thành phần hạm đội trong năm 2018. Việc đào tạo kỹ năng của thủy thủ đoàn là không thể nghi ngờ. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam sẽ vững vàng đua tranh với các đối thủ từ Nga, Trung Quốc và Myanmar.
– Bắn súng chiến thuật: Trong cuộc thi này có các đại diện quân sự từ 18 nước tham gia. Bộ đội Việt Nam bắn súng cừ không kém gì các đối thủ từ Nga, Belarus hay Afghanistan – những tay «thiện xạ từ trong máu», những người đã chiến đấu hơn 40 năm.
– Lộ trình an toàn: Trong nghệ thuật kỹ sư quân sự, công binh Việt Nam nổi bật ở khả năng gần như bằng «tay không» bố trí các tuyến đường chuyển quân an toàn xuyên qua địa hình hiểm trở hoặc khu vực gài đầy các loại bom mìn. Chỉ cần nhắc đến Đường mòn Hồ Chí Minh lừng danh là đủ thấy kho tàng kinh nghiệm này của bộ đội công binh Việt Nam.
– Môi trường an toàn: Môn thi dành cho các đội trinh sát phóng xạ, hóa học và sinh học sẽ được tổ chức tại căn cứ quân sự trong khu vực lân cận thành phố Korla (Khố Nhĩ Lặc) thuộc Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Có 6 đội dự thi: ngoài các đại diện Trung Quốc và Việt Nam còn có Nga, Belarus, Uzbekistan và Kyrgyzstan.
– Người bạn trung thành: – cuộc thi của các chuyên gia huấn luyện chó nghiệp vụ quân sự trong khuôn khổ «ARMY-2021» sẽ diễn ra tại khu vực Bắc Phi, ở Algeria. Các đội dự thi là Algeria, Nga, Belarus, Việt Nam, Kazakhstan và Uzbekistan. Năm 2020, cuộc thi này được tổ chức tại Nga, các chuyên gia huấn luyện chó từ Việt Nam tham gia lần đầu tiên. Năm nay, rất hy vọng đội Việt Nam sẽ trình diễn tự tin và hiệu quả hơn nữa. Nhưng xin nhắc rằng, thử thách lớn với các huấn luyện viên và «học trò bốn chân» là cái nóng khô rang của Algeria chắc sẽ ở mức “cực” đấy!
– Cuộc Tiếp sức Quân y sẽ diễn ra trên địa bàn Cộng hoà Uzbekistan. Có 9 nước tham gia. Đối thủ của Việt Nam là các bác sĩ quân y đến từ Uzbekistan, Nga, Belarus, Tajikistan, Trung Quốc, Myanmar, Palestine, Zimbabwe.
– Cũng tại đó sẽ có cuộc thi Bếp dã chiến, dành cho các chuyên gia hậu cần chăm lo việc ăn uống của chiến sĩ. Thí sinh là 6 nhóm “anh nuôi” của quân đội Uzbekistan, Việt Nam, Nga, Belarus, Armenia và Tajikistan. Tất cả các thành viên đến cuộc thi này đều với hành trang kinh nghiệm lịch sử phong phú về ẩm thực dân tộc, với rất nhiều món ăn ngon. Nhưng nhiệm vụ cơ bản của các thí sinh có lẽ lại là thực hiện “nuôi quân, mời khách” theo công nghệ và tiêu chuẩn nấu ăn được chấp nhận trong lực lượng vũ trang của nước chủ nhà Uzbekistan.
– Cuộc thi Pháo thủ giỏi của các bậc thầy về bắn pháo sẽ được tiến hành trên lãnh thổ Cộng hoà Kazakhstan. Có đội tuyển của 11 nước tham gia: Kazakhstan, Việt Nam, Nga, Belarus, Kyrgyzstan, Azerbaijan, Iran, Tajikistan, Uzbekistan, Syria và Zimbabwe.
– Cuộc thi Thợ Quân khí giỏi dành cho các chuyên viên sửa chữa vũ khí khí tài sẽ được tổ chức tại Iran. Có 6 nước tham gia: Iran, Việt Nam, Nga, Uzbekistan, Abkhazia và Nam Ossetia. Có thể chờ đợi kết quả cao từ đội tuyển Việt Nam. Các chuyên gia trong lĩnh vực này của QĐND Việt Nam rất xuất sắc trong việc bảo trì cho mọi loại vũ khí sẵn có luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Nhưng chiến sĩ quân khí Việt Nam sẽ gặp đối thủ đáng gờm là đội Iran «chủ nhà» của cuộc thi. Các vũ khí xạ kích cá nhân, hệ thống pháo, xe tăng và máy bay theo mẫu phương Tây từ thời Shah vẫn được bảo lưu nguyên bản ở Iran, cho đến nay vẫn bắn được, chạy tốt và bay nhanh. Mà không hề cần phụ tùng «gốc» để thay thế.
– Cuộc thi Kỹ năng thành thục sẽ tiến hành trên lãnh thổ Cộng hoà Belarus. Có 9 nước tham gia. Ngoài Belarus và Việt Nam, còn có các đội từ Nga, Trung Quốc, Lào, Uzbekistan, Tajikistan, Nam Ossetia và Mali.
Như vậy, QĐND Việt Nam cử các đại diện tham dự 15 nội dung thi đấu tại Đại hội Thể thao Quân đội Quốc tế ARMY-2021 và có khả năng giành được nhiều giải thưởng cao.
Phong Trần