Kết nối với chúng tôi

tin tức

Thỏa thuận ngừng bắn Olympic cho Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022: Đóng góp của thể thao thúc đẩy hòa bình và đoàn kết

Thỏa thuận ngừng bắn Olympic chuẩn bị bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/1 đến 20/3/2022 trên toàn thé giới.

Thỏa thuận ngừng bắn Olympic cho Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022: Đóng góp của thể thao thúc đẩy hòa bình và đoàn kết

Nghị quyết mang tên “Xây dựng một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn thông qua thể thao và lý tưởng Olympic” đã được thông qua tháng trước với sự đồng thuận và đồng bảo trợ của 173 quốc gia thành viên tại Kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi tuân thủ Thỏa thuận ngừng bắn cho Thế vận hội Olympic và Paralympic Bắc Kinh 2022, tính từ bảy ngày trước khi Thế vận hội Olympic bắt đầu, vào ngày 4 tháng 2 năm 2022, cho đến bảy ngày sau khi kết thúc Thế vận hội Paralympic ngày 13 tháng 3 năm 2022.

Nội dung Nghị quyết “nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên để cùng thực hiện các giá trị của Thỏa thuận ngừng bắn Olympic trên toàn thế giới, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ủy ban Olympic quốc tế IOC, Ủy ban Paralympic quốc tế IPC và Liên hợp quốc trong vấn đề này”. Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên hợp tác với Ủy ban Olympic quốc tế và Ủy ban Paralympic quốc tế trong nỗ lực sử dụng thể thao như một công cụ thúc đẩy hòa bình, đối thoại và hòa giải ở các khu vực xung đột trong và ngoài thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic.

“IOC rất hoan nghênh sự ủng hộ to lớn đối với Thế vận hội mùa đông Olympic và Paralympic Bắc Kinh 2022 của tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Chúng ta chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh này nếu Thế vận hội Olympic đứng trên và vượt lên trên mọi sự khác biệt về chính trị, văn hóa và những khác biệt khác – Chủ tịch IOC Thomas Bach nhấn mạnh trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc-

Thỏa thuận ngừng bắn Olympic có lịch sử 3.000 năm tuổi, kể từ khi người Hy Lạp cổ đại thành lập “Ekecheiria” – một thỏa thuận đình chiến thiêng liêng – để cho phép tất cả các vận động viên và khán giả đến từ các thành phố của Hy Lạp khi đó gần như liên tục xung đột có thể an toàn tham gia Thế vận hội Olympic.

Lịch sử cũng cho chúng ta thấy điều gì sẽ xảy ra nếu tính trung lập về chính trị của Thế vận hội Olympic không được tôn trọng.

Thế vận hội Olympic cổ đại tồn tại 1000 năm đã kết thúc khi hoàng đế La Mã Theodosius bãi bỏ chúng vì lý do chính trị. Phải mất gần 2.000 năm sau Thế vận hội Olympic mới lại được hồi sinh bởi người sáng lập của chúng tôi, Pierre de Coubertin. Tôi rất mong tất cả chúng ta hãy ghi nhớ bài học lịch sử này ”.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch IOC Thomas Bach cũng một lần nữa nhấn mạnh cùng Đại hội đồng Liên hợp quốc về hậu quả của đại dịch và những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt. “Điều này đã dạy cho chúng tôi một bài học: Chúng tôi chỉ có thể đi nhanh hơn, chúng tôi chỉ có thể nhắm mục tiêu cao hơn, chúng tôi chỉ có thể trở nên mạnh mẽ hơn, nếu chúng tôi làm việc cùng nhau. Đây là lý do tại sao IOC sửa đổi phương châm Olympic thành: Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn – Cùng nhau ”. Từ “cùng nhau” nói với chúng ta rằng: Chúng ta cần đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết hơn trong xã hội và đoàn kết hơn giữa các xã hội. Bởi vì: Không có hòa bình nếu không có sự đoàn kết ”, Chủ tịch Thomas Bach nói.

Cùng với Chủ tịch IOC, Chủ tịch IPC Andrew Parsons cũng phát biểu nhấn mạnh giá trị lớn lao của Thỏa thuận ngừng bắn Olympic sắp sửa có hiệu lưc. “Tại Thế vận hội mùa đông Paralympic Bắc Kinh 2022, thể thao và hòa bình sẽ được thống nhất, và các vận động viên của chúng tôi sẽ mang đến những màn trình diễn truyền cảm hứng và sức mạnh- Chủ tịch IPC Parsons nói- Thế vận hội Paralympic này sẽ tiếp tục thay đổi thái độ và dẫn đến hòa nhập xã hội nhiều hơn cho 1,2 tỷ người khuyết tật trên thế giới. Thay đổi bắt đầu từ thể thao, và cùng nhau chúng ta có thể tạo ra một thế giới hòa bình hơn”.

Thỏa thuận ngừng bắn Olympic, hay còn gọi là Ekecheiria, là một truyền thống được thiết lập ở Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ thứ chín trước Công nguyên nhằm đảm bảo ngăn chặn mọi hành động thù địch, cho phép các vận động viên và khán giả tham gia Thế vận hội được qua lại an toàn. Kể từ năm 1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã liên tiếp bày tỏ sự ủng hộ đối với Thế vận hội Olympic và IOC, bằng cách cứ hai năm một lần trước mỗi kỳ Thế vận hội Olympic thông qua một nghị quyết có tên “Xây dựng một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn thông qua thể thao và lý tưởng Olympic ”.

Thông qua nghị quyết mang tính biểu tượng này, Liên hợp quốc đề nghị các quốc gia thành viên tuân thủ Thỏa thuận ngừng bắn Olympic riêng lẻ hoặc tập thể, phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, giải quyết tất cả các xung đột quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình và ngoại giao, và công nhận tầm quan trọng các sáng kiến của IOC đối với sức khỏe con người và hiểu biết quốc tế.

* Liên quan thời sự Olympic Bắc Kinh 2022, Hà Lan và Đan Mạch vừa trở thành hai quốc gia châu Âu mới nhất cho biết sẽ không cử bất kỳ đại diện chính thức nào tới Olympic Bắc Kinh mùa Đông 2022. Quyết định của hai nước đưa ra giữa chiến dịch tẩy chay ngoại giao do Mỹ phát động để phản đối “vấn đề nhân quyền” của Trung Quốc, với sự tham gia của Australia, Anh, Canada và Nhật Bản. Tuy nhiên Ủy ban Olympic quốc tế IOC nêu rõ, sự hiện diện của các quan chức chính phủ và các nhà ngoại giao là quyết định chính trị thuần túy của mỗi nước và Ủy ban Olympic quốc tế tôn trọng quyết định này với tư cách là một tổ chức hoàn toàn trung lập về chính trị.

Bắc Kinh hiện đang lên án kịch liệt cuộc tẩy chay ngoại giao và nhấn mạnh hành động này là vô nghĩa. Thực tế chiến dịch tẩy chay ngoại giao của Mỹ và đồng minh đối với Olympic Bắc Kinh 2022 chủ yếu mang tính hình thức khi vận động viên các nước trên vẫn sẽ tham gia thi đấu tại Olympic Bắc Kinh. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của sự kiện thúc đẩy hòa bình trên thế giới và tuyên bố ông sẽ có mặt tại Bắc Kinh ngày 4/2 tới: “Thế vận hội sẽ là một sự kiện rất quan trọng, tượng trưng cho vai trò của thể thao trong việc kết nối người dân thế giới. Vì vậy, tôi sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh với thông điệp đây sẽ là một sự kiện giúp thúc đẩy hòa bình thế giới”. Trong khi Cơ quan Bưu chính Liên hợp quốc (UNPA) hôm 15/1 cũng vừa phát hành một bộ tem mới mang tên “Thể thao vì Hòa bình” (Sport for Peace) để đón chào Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022

Xem thêm tin tức