Kết nối với chúng tôi

Thể thao

#Tokyo 2020: Thời tiết nóng ẩm ở Tokyo đang biến thành trở ngại lớn nhất của các VĐV tennis dự Olympic

Bắt đầu từ hôm nay 29/7, các trận đấu quần vợt tại Olympic Tokyo sẽ bắt đầu từ 15h (giờ địa phương) thay vì 11h như những ngày trước để bảo vệ sức khỏe các tay vợt trước nắng nóng tại Tokyo.

Cụ thể, Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) vừa đồng ý đổi giờ thi đấu tennis tại  Olympic Tokyo từ 11h sáng sang 3 giờ chiều sau khi hàng loạt cảnh báo cho rằng thời tiết tại Tokyo quá nóng bức, có thể gây nguy hiểm cho các tay vợt nếu phải thi đấu vào sáng hoặc trưa như lịch thi đấu ban đầu. 

Tuy nhiên, thời tiết nóng ẩm ở Tokyo đang biến thành trở ngại lớn nhất của các VĐV tennis dự Olympic Tokyo. Dù nhiệt độ (32 độ C) và độ ẩm (90%) ban ngày ở Tokyo rất cao, nhưng ban tổ chức giải vẫn sắp xếp các trận tennis diễn ra lúc 11h sáng (giữa trưa), khiến nhiều tay vợt xuống sức, mệt mỏi.

2/3 các tay vợt tham dự nội dung đơn nam, đơn nữ đến từ châu Âu – nơi có khí hậu ôn đới, nên không thể thích nghi với thời tiết.

Daniil Medvedev mệt mỏi vì nắng nóng 

Ở trận đấu nội dung đơn nữ giữa Paula Badosa và Marketa Vondrousova, Badosa đã phải xin bỏ cuộc khi set 1 còn chưa kết thúc sau khi bị say nắng. Tay vợt người Tây Ban Nha không chịu nổi thời tiết nắng nóng và phải rời sân trên xe lăn.

Theo HLV Javier Marti của Badosa, VĐV người Tây Ban Nha kiệt sức và chóng mặt dưới cái nắng gay gắt ở Tokyo. “Trong 2 điểm cuối cùng, cô ấy (Badosa) cảm thấy không khỏe, giao bóng rất chậm. Sau đó, cô ấy yêu cầu được điều trị vì không còn sức lực. Badosa cảm thấy chóng mặt, không thể tiếp tục trận đấu“, Marti chia sẻ. 

Không chỉ Badosa, các tay vợt nam cũng khó chịu với thời tiết và cách bố trí giờ thi đấu bất hợp lý của ban tổ chức, trong đó có Novak Djokovic và Daniil Medvedev – hai hạt giống hàng đầu của nội dung đơn nam.

Trong trận gặp Fabio Fognini, Medvedev (tay vợt người Nga) phải gián đoạn trận đấu 2 lần để nghỉ ngơi và tiếp nước. Khi bị yêu cầu trở lại sân, Medvedev phẫn nộ nói với trọng tài: “Tôi có thể hoàn thành trận đấu, nhưng nếu tôi chết, ai sẽ chịu trách nhiệm“.

Medvedev vẫn thắng Fognini sau 3 set với tỷ số 6-2, 3-6, 6-2 để góp mặt tại tứ kết. Tuy nhiên, hạt giống số 2 người Nga không quên trải nghiệm “ác mộng” ở trận này.

Ngay từ set đấu đầu tiên, tôi đã cảm thấy bất ổn với nhịp thở của mình. Cơ hoành của tôi dường như nghẹn lại. Thời tiết quá ẩm ướt, có lẽ là ẩm nhất từ trước đến giờ.

Ở set 2, tôi thấy mắt mình như tối lại. Giữa các điểm số, tôi không biết phải làm gì để tình hình ổn hơn. Tôi đang cúi xuống và tôi không thể thở được. Tôi có thể đã ngã xuống sân“, Medvedev nhớ lại. 

Djokovic thắng dễ cả 3 trận đầu tiên, nhưng anh không thoải mái với thời tiết, đồng thời cho rằng các trận đấu nên bắt đầu muộn hơn, khi cái nóng đã dịu bớt để giảm thiểu mối nguy hại đến sức khỏe cho các VĐV.

Theo một nghiên cứu vừa được thực hiện cho thấy các VĐV thi đấu tại Olympic Tokyo có nguy cơ say nắng, mất nước và kiệt sức trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Các chuyên gia cho rằng việc phải vận động mạnh trong nhiệt độ 32 độ C và độ ẩm 90% sẽ khiến nhiệt độ lõi nâng lên tới 39 độ C, gây hại tới các VĐV tennis. 

Trước sức ép của các tay vợt hàng đầu, ITF đã phải nhân nhượng. Từ vòng tứ kết, các trận đấu được lùi xuống 4 tiếng (3h chiều), khi cái nắng bắt đầu dịu bớt. 

ITF thông báo: “Để đảm bảo sức khỏe của các VĐV và sau khi tham khảo ý kiến ​​rộng rãi, ITF đã thông báo thay đổi lịch thi đấu do nhiệt độ và độ ẩm ngày càng tăng ở Tokyo. Quyết định được áp dụng bắt đầu từ trận đấu lúc 3h chiều ngày thứ Năm (29/7)“, . 

Xuân Hiền

Xem thêm Thể thao