Kết nối với chúng tôi

Đời sống

Vụ lừa đảo phụ huynh chuyển tiền vì trẻ chấn thương: Thông tin học sinh bị lọt ra từ nhà trường?

‘Tại sao kẻ lừa đảo biết chính xác họ tên, lớp, trường học của học sinh và số điện thoại cha mẹ để gọi điện lừa đảo?, Vì sao phụ huynh không gọi ngay cho nhà trường khi nhận được cuộc gọi mạo danh giáo viên lừa đảo?”…

Tại cuộc họp báo ngày 9-3, thượng tá Lê Mạnh Hà, phó Phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết các đối tượng biết thông tin cá nhân của phụ huynh và gọi điện lừa đảo có thể do thông tin cá nhân phụ huynh bị bán. 

Riêng thông tin cá nhân của học sinh có thể bị lọt qua nhiều cách khác nhau như: lỗ hổng bảo mật, dữ liệu do các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng thu thập…

Vụ lừa đảo phụ huynh chuyển tiền vì trẻ chấn thương: Thông tin học sinh bị lọt ra từ nhà trường? - Ảnh 1.
Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết đã ghi nhận 4 trường hợp phụ huynh đến tìm con vì nhận được thông tin “con chấn thương sọ não cần cấp cứu” – Ảnh: N.N.

Vô tư công khai thông tin học sinh ngay cổng trường

Bạn đọc Van Le thông tin: “Cứ sau mỗi mùa khai giảng là phụ huynh tới tấp nhận cuộc gọi đích danh họ và tên, lớp và trường con mình để được chào mời đi học này nọ theo đúng độ tuổi”. 

Thậm chí, bạn đọc M.Huy còn cho biết “con mới đi học ngày trước, ngày sau trung tâm dạy thêm, ngoại ngữ… gọi đến nêu đúng thông tin của con và ba mẹ để chào mời quảng cáo”.

“Tại sao kẻ lừa đảo biết chính xác họ tên, lớp, trường học của học sinh và số điện thoại cha mẹ để gọi điện lừa đảo? Cơ quan công an cần vào cuộc điều tra việc thông tin cá nhân học sinh bị rò rỉ từ đâu” – bạn đọc Bà mẹ trẻ nêu câu hỏi.

Có con đang đi học cả ở trường lẫn trung tâm ngoại ngữ, bạn đọc Hoa cho hay: “Khi con đăng ký học ở trung tâm ngoại ngữ, nơi đây không yêu cầu cung cấp thông tin lớp và trường học nơi bé đang học. 

Các cơ sở ăn uống hay khu vui chơi cũng chỉ cần họ tên, năm sinh của bé hoặc số điện thoại của ba mẹ.

Sở GD-ĐT và công an đã thử tra thông tin học sinh trên mạng chưa? Danh sách học sinh tuyển sinh đều vẫn còn trên đó!”.

Bạn đọc Ngọc Mai thông tin thêm: “Ngay trên trang thông tin điện tử của nhiều trường đăng thông tin chi tiết của học sinh, phụ huynh, rồi in dán ngay cổng gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, tên cha tên mẹ, số nhà, số điện thoại… Chính tôi ý kiến với hiệu trưởng về việc này thì hiệu trưởng nói quy định là vậy”.

Cùng nhận định, bạn đọc Hùng cho biết: “Trường con tôi đem dán lý lịch của con bên bảng tin luôn chứ! Tôi nghĩ nguy cơ thông tin lộ ra từ trường học cao lắm”. 

“Cháu nội tôi học ở trường tiểu học T.T.B. (TP Thủ Đức), hiện giờ trên trang thông tin điện tử của trường vẫn còn nguyên danh sách chi tiết lý lịch học sinh” – bạn đọc Quốc kể.

Theo bạn đọc Thiêm, “ai có con đi học đều biết thông tin học sinh bị lộ từ danh sách xếp lớp có niêm yết ở trường vào đầu năm. Các trung tâm dạy kèm, Anh ngữ, kỹ năng cho trẻ em cũng tận dụng nguồn thông tin này để chào mời khóa học”.

Trong khi đó, bạn đọc Hongnt cung cấp thêm: “Lộ thông tin về trường học của con chỉ có sử dụng các app nhà trường bắt buộc dùng để đóng học phí. Chỉ có các app này mới có thông tin phụ huynh và học sinh”.

Lạ một điều, số điện thoại, tên tuổi của học sinh và phụ huynh luôn được công ty bảo hiểm, trung tâm dạy thêm, tiếng Anh… cập nhật kịp thời.

Vì sao phụ huynh không gọi ngay cho nhà trường?

Có cái nhìn rộng hơn, bạn đọc Phương đặt câu hỏi: “Vấn đề thắc mắc lớn nhất ở đây là khi có cuộc gọi lừa đảo tại sao phụ huynh không liên hệ ngay với cô chủ nhiệm? Có chăng thông tin đã bị bán từ nhà trường? Nên thanh tra lại”. 

Bạn đọc Phương cũng nói thẳng, qua chuyện phụ huynh bị lừa chuyển tiền có thể thấy kết nối giữa nhà trường và phụ huynh chưa đồng bộ: Vụ việc gây xôn xao, không ít phụ huynh đã chuyển hàng trăm triệu đồng cho những kẻ lừa đảo. 

Trước thực trạng trên, bạn đọc Chúc tiếp tục thắc mắc: “Sao đến nay thông tin này chưa được phổ biến cho tất cả phụ huynh có con học ở tất cả các trường. Thật ra bản thân tôi đọc báo thì biết thôi chứ hai con tôi đang học ở cấp 1 và cấp 2 đến giờ này vẫn chưa được nhà trường thông tin gì để cảnh giác gì cả”.

Chuyện phụ huynh bị lừa chuyển tiền là một trong nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày một hoành hành trong thời gian gần đây. Nhiều bạn đọc góp ý để người dân dễ dàng báo tin đến cơ quan hữu quan, số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận cần phải dễ nhớ, dễ gọi hơn.

“Tại sao mỗi lần có vụ việc gì nổi lên lại có một số điện thoại khẩn cấp khác nhau, sao không dùng tổng đài khẩn cấp 113?” – bạn đọc Phong đặt vấn đề. “Nhiều số hotline khó nhớ! Sao không tích hợp vào chung một số 113?” – bạn đọc Huy Tran đề xuất thêm.

Bạn đọc Quan Phạm cũng đề nghị “công an cho số điện thoại dễ nhớ hơn, giống như 113, 114 vậy, để lúc cần có thể bấm nhanh được”. Tương tự, bạn đọc Luận có ý kiến: “Sao không là 113 cho đơn giản, chứ lúc đó đang rối ai đâu nhớ được những số hotline mới lập do các đơn vị cung cấp”.

Tổng hợp theo tuoitre.vn

Xem thêm Đời sống