Vụ học viên trường múa không được cấp bằng: Học viện Múa Việt Nam nói gì?
Theo TS Trần Văn Hải – Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) đã không đăng ký đầu vào trung cấp với Bộ GDĐT mà chỉ đăng ký đầu vào là hệ cao đẳng. Vì vậy, 273 học sinh đã và đang học theo hệ liên thông trung cấp lên cao đẳng đã không có bằng tốt nghiệp trung cấp.
Liên quan đến vụ việc khoảng 300 học sinh Học viện Múa Việt Nam không được cấp bằng nghề, không được cấp bằng PTCS, PTTH gây bức xúc, cuối buổi chiều nay 1/4, lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam đã gặp mặt đại diện phụ huynh và báo chí trao đổi về những nội dung này.
Theo VOV,cuộc họp chỉ có lãnh đạo nhà trường, phóng viên báo chí và phụ huynh, không có sự tham gia của các Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nên dù diễn ra căng thẳng tới gần 19h nhưng vẫn chưa có giải pháp để giải quyết yêu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh là cấp bằng THCS, THPT và bằng trung cấp nghề cho các em sau khi kết thúc học tập tại nhà trường.
Diễn ra trong hơn 3 giờ đồng hồ, đáp lại những mong muốn cháy bỏng của phụ huynh và học sinh về việc nhà trường đưa ra giải pháp để cấp bằng THCS, THPT và cấp bằng nghề cho học sinh tốt nghiệp để mở ra con đường tương lai cho con em họ, đáp lại những mong muốn này, lãnh đạo nhà trường mới chỉ dừng lại ở việc thừa nhận trách nhiệm nhưng lại được gói trong những cụm từ rất nhẹ nhàng là “lỗi kỹ thuật” là “quên”.
Thông tin trên báo Tiền Phong, từ năm 2010, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là HVMVN) tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS cho học sinh theo Quyết định số 16 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT theo Thông tư số 16 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Quyết định số 92 của Bộ VHTTDL.
Do đó, HVMVN giảng dạy chương trình đào tạo văn hóa THPT theo nhóm III (nhóm dành cho khối ngành văn hóa nghệ thuật) cho hai đối tượng: học sinh đã có bằng THCS tuyển sinh đầu vào trình độ trung cấp (TC) hệ ngắn hạn và học sinh đã học hết các lớp 6, 7, 8 vào hệ dài hạn. Sau khi hoàn thành chương trình THCS và thi đỗ đầu vào lớp 10 do Học viện tổ chức nếu đạt yêu cầu sẽ học tiếp chương trình THPT.
Theo TS Trần Văn Hải – Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, khẳng định, 2 đối tượng trên sau khi hoàn thành phần kiến thức văn hóa THPT phải dự thi tốt nghiệp 3 môn do Học viện tổ chức (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Nếu học sinh đạt điểm đỗ tốt nghiệp văn hóa thì mới đủ điều kiện dự thi tốt nhiệp chuyên môn và nhận bằng TC.
Theo báoLao động, nhà trường khẳng định đã thực hiện đào tạo theo đúng quy định của Chương trình khung giáo dục Trung học chuyên nghiệp thuộc nhóm ngành Múa. Bên cạnh đó, việc giảng dạy văn hóa phổ thông chỉ tạo điều kiện cho việc đào tạo diễn viên múa trong trường.
“Khi triển khai thực hiện, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) đã không đăng ký đầu vào trung cấp với Bộ GDĐT mà chỉ đăng ký đầu vào là hệ cao đẳng. Vì vậy, 273 học sinh đã và đang học theo hệ liên thông trung cấp lên cao đẳng đã không có bằng tốt nghiệp trung cấp” – TS Hải cho biết.
Để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về việc cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp, TS Hải khẳng định, nhà trường đã gửi tờ trình lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từ tháng 6/2020. Cuối năm 2020, nhà trường tiếp tục báo cáo lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và làm việc với Vụ đào tạo, Thanh tra Bộ, Vụ tổ chức cán bộ về những vấn đề tồn đọng của Học viện Múa Việt Nam.
Ngày 1/4, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đề nghị Bộ GDĐT xem xét, cho phép Học viện Múa Việt Nam:
– Cấp Bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh đã hoàn thành Chương trình đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp và đạt kết quả theo quy định tại kỳ thi chuyển giai đoạn của Học viện.
– Cấp Giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hoá THPT trong Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp, nhóm ngành Múa (Theo Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 1.10.2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin) cho học sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo tại Học viện Múa Việt Nam.