Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Việt Nam khó đi World Cup nếu V.League chưa ‘xoá nghèo’

V.League cần thay đổi để phát triển tương xứng với tầm vóc đội tuyển quốc gia.

Nhìn từ tiền thưởng ở V.League

Cách đây không lâu, giải tứ hùng ở Hải Phòng tổ chức đá vui cho đội chủ nhà, HAGL, Hà Nội FC, Viettel. Đội vô địch chỉ đá 3 trận nhưng nhận 1,5 tỷ đồng. Đây là chi tiết thú vị khi số tiền thưởng cao hơn đội vô địch Cúp quốc gia 2022 (1 tỷ) và đội vô địch hạng Nhất 2022 (1 tỷ), bằng tiền thưởng Á quân V.League 2022 (1,5 tỷ), và kém nửa so với nhà vô địch V.League 2022 (3 tỷ).

Nhà vô địch V.League hiện tại được 3 tỷ, thấp hơn 1 tỷ so với năm 2013. Ảnh: VPF

Nếu nhìn lại số tiền thưởng trong quá khứ thì người hâm mộ sẽ giật mình. Năm 2013, V.League dự kiến 10 tỷ (vô địch), 3 tỷ (Á quân), 1 tỷ (hạng ba) và 500 triệu (phong cách). Nhưng con số chính thức là đội vô địch (4 tỷ), Á quân (2 tỷ), hạng ba (1 tỷ). Mùa bóng 2014 vẫn duy trì mức thưởng này, còn năm 2015 giảm xuống lần lượt là 3 tỷ, 1,5 tỷ và 750 triệu đồng. Hiện VPF vẫn bình ổn mức thưởng 3 tỷ cho đội vô địch V.League 2022.

Như vậy, hai mùa bóng 2013 và 2014 thì V.League có mức thưởng cao nhất là đội vô địch được 4 tỷ. 

Trong giai đoạn bóng đá Việt Nam không có thành tích, thậm chí giảm sút niềm tin lớn thì tiền thưởng nhà vô địch V.League cao hơn hiện tại. Phải chăng là nghịch lý của V.League khi tất cả chuyển động về tài chính, còn giải đấu đứng im trong 8 năm về mức thưởng?

Đến giá cầu thủ

Năm 2018, Lê Công Vinh ra mắt tự truyện Phút 89, có thông tin chú ý về chuyện “bẻ kèo” với bầu Hiển vào năm 2011. Công Vinh tiết lộ được trả mức giá 10 tỷ lót tay/3 năm và lương 80 triệu/tháng. Nhưng Công Vinh đã bỏ bầu Hiển sang chơi cho Hà Nội ACB với mức lót tay 14 tỷ đồng.

11 năm trước, Công Vinh nhận lót tay 14 tỷ và lương 80 triệu. Đây vẫn là mức giá kỷ lục của bóng đá Việt Nam cho đến hiện tại. Cầu thủ được cho là đòi con số cao hơn Công Vinh là Nguyễn Quang Hải với điều kiện mỗi năm nhận lót tay 5 tỷ và lương 400 triệu. Nhưng Hà Nội FC đã chia tay Quang Hải nên mức phí này không thành.

Lê Công Vinh từng nhận mức phí lót tay 14 tỷ.

Không ít ý kiến nói rằng, cầu thủ Việt Nam nhận lương cao so với mặt bằng chung xã hội. Điều đó không sai nhưng đặt trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp thì sai hoàn toàn. Vì thu nhập của cầu thủ phản ánh sự phát triển về giải đấu và cả nền bóng đá. Nên nhớ, bóng đá là ngành công nghiệp siêu nhợi luận trên thế giới, không giống như các ngành nghề khác trong xã hội.

Hãy nhìn vào những sự thay đổi lớn của bóng đá thế giới trong hơn 1 thập kỷ qua. Ronaldo đến Real Madrid vào năm 2009 với giá kỷ lục thế giới: 94 triệu euro. Năm 2022, 100 triệu euro để mua một cầu thủ là con số quen thuộc. Mới đây, chân sút Nunez đã đến Liverpool với tổng mức phí 100 triệu euro. Chelsea chi 97,5 triệu bảng để mua lại Lukaku vào năm ngoái, trước đó anh đến Man United giá 90 triệu bảng. Man City mua Jack Grealish giá 100 triệu bảng…

Tất cả để thấy giá trị cầu thủ đã thay đổi chóng mặt theo từng ngày. Mọi thứ sẽ tiếp tục thay đổi trong tương lai.

Không phải nguyên nhân lớn đến từ các ông chủ siêu giàu mà lý do chính là lợi nhuận trong bóng đá rất lớn. Cuộc chơi của các ông lớn ở châu Âu có luật cân bằng tài chính nên một đội bóng muốn tiêu nhiều tiền thì phải kinh doanh giỏi. Giải Anh là ví dụ. Mùa bóng 2019-2020 bị ảnh tưởng lớn về doanh thu do Covid-19 nhưng giải Ngoại hạng Anh đóng góp 10 tỷ USD vào GDP của nước Anh. Con số này cao hơn GDP của 50 quốc gia trên thế giới. Giải đấu này nộp 4,7 tỷ USD tiền thuế cho Chính phủ Anh sau mùa 2019-2020. Bundesliga có khoảng 6,6 tỷ USD/mỗi năm cho nền kinh tế Đức. Giải La Liga có khoảng 1,3 tỷ USD vào GDP của Tây Ban Nha…

Có thể thấy giá cầu thủ tăng chóng mặt nhưng các giải đấu thế giới, hay phần lớn CLB đều có lợi nhuận cao, thậm chí như Ngoại hạng Anh, Bundesliga, La Liga là siêu lợi nhuận.

Ở V.League, khái niệm đội giàu – đội nghèo chỉ nói theo từng mùa. Không phải đến từ chuyện kinh doanh bóng đá giỏi mà phụ thuộc vào túi tiền doanh nghiệp sẽ chi bao nhiêu. Số phận của SLNA là minh chứng. Họ luôn mất cầu thủ giỏi vì không có đủ tiền gia hạn hợp đồng. Mùa này, SLNA có chủ mới thì giữ được Phan Văn Đức, ký với Quế Ngọc Hải và Trọng Hoàng. CLB Bình Định sống lại khi có doanh nghiệp chống lưng, từ một đội bóng “chết chìm” đã trở thành đại gia của giải đấu. Nhưng trường hợp doanh nghiệp rời đi thì họ có thể chung số phận giống Quảng Ninh FC, Sài Gòn Xuân Thành… Không ai nói trước được số phận một đội bóng ở V.League sẽ ra sao.

Chuyện phần lớn đội bóng chi nhiều hơn thu, còn V.League không tạo ra doanh thu lớn để chia tiền cho các đội bóng, đây là nguyên nhân chính khiến giá cầu thủ Việt Nam đứng yên trong 10 năm dù bóng đá thế giới liên tục thay đổi lớn.

V.League phải thay đổi để giúp ĐTQG nâng tầm

Bức tranh chung của bóng đá Việt Nam rất dễ thấy, V.League đứng im về nhiều thứ nhưng ĐTQG thành công liên tục trong 5 năm qua. Lý do là hệ thống đào tạo trẻ phát triển rất tốt trong nhiều năm qua. Nhưng chừng đó chỉ có thể giúp tuyển Việt Nam thành công ở Đông Nam Á, còn muốn nghĩ xa hơn cần tiếp tục thay đổi về nhiều mặt, trong đó V.League đóng vai trò rất quan trọng.

Mùa bóng 2015, V.League đón nhận sự thay đổi lớn về chuyện cầu thủ trẻ thi đấu. HAGL nhấc cả lứa Công Phượng đá V.League. Làn sóng trẻ cũng xuất hiện ở Hà Nội FC từ năm 2016. Nhờ vậy, đội tuyển quốc gia được hưởng lợi lớn. Nhưng sự thay đổi này chỉ đến từ mục đích sử dụng cầu thủ của một số CLB, không phải do VPF hay VFF có tiêu chí bắt họ phải làm. Ví dụ HAGL đá theo kiểu chấp nhận rớt hạng để dùng cầu thủ trẻ.

Nếu cầu thủ Việt Nam cứ đá ở V.League thì đội tuyển quốc gia khó nâng tầm. 

Tuy nhiên, cầu thủ Việt Nam chỉ đến một giới hạn nhất định, chưa thể bứt lên tầm châu Á. Vì họ đá ở giải đấu của Đông Nam Á thì trình độ phải ở mức này.

Có ba cách để tuyển Việt Nam nâng cấp. Thứ nhất, nhiều cầu thủ Việt Nam xuất ngoại để chơi bóng trên tầm V.League. Thứ hai, V.League cần có cầu thủ ngoại đẳng cấp đến chơi bóng và tạo điều kiện thuận lợi cho cầu thủ Việt Nam được học hỏi để nâng cao trình độ. Thứ ba, đó là làm tốt cả hai điều kể trên.

Nhật Bản, Hàn Quốc chính là hai nền bóng đá làm tốt chuyện xuất ngoại và nâng tầm giải đấu quốc nội. Ví dụ Hàn Quốc đang nổi bật với nhiều cầu thủ thi đấu tại châu Âu nhưng K.League cũng nằm trong Top mạnh nhất châu Á. Mỗi CLB của Hàn Quốc thu về khoảng 20 triệu USD/năm.

Ở cách thứ hai, Saudi Arabia là ví dụ. Họ không có cầu thủ xuất ngoại như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Iran nhưng họ có giải vô địch quốc gia mạnh. Đây là lý do Saudi Arabia thường xuyên dự World Cup. Nhưng chuyện không có cầu thủ xuất ngoại khiến cho Saudi Arabia chưa thể đi xa hơn, thậm chí tụt lại so với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Với bóng đá Việt Nam, các cầu thủ giỏi cần được ra nước ngoài chơi bóng để đạt trình độ châu lục và cầu thủ trẻ có thêm cơ hội tiến bộ ở V.League. Nhưng cầu thủ Việt Nam phải có đẳng cấp để trụ được ở nước ngoài. Điều đó đòi hỏi V.League phải được nâng tầm.

Trường hợp V.League nghèo, các CLB chi nhiều hơn thu, vẫn còn chuyện có đội bỏ giải vì hết tiền, cầu thủ Việt Nam chưa thể xuất ngoại thành công. Bóng đá Việt Nam thật sự rất khó vươn tầm châu Á, kéo theo giấc mơ đi World Cup cũng khó thành hiện thực.

Văn Nhân

Xem thêm Thể thao