Nội dung, phương thức PBGDPL trọng tâm trong năm 2022 bao gồm: Tiếp tục phổ biến đầy đủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình như: Thư viện; Thể dục, thể thao; Du lịch; hoạt động nghệ thuật biểu diễn; hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh; xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo; điều kiện kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch…;
Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền các chính sách mới, quy định của Nhà nước được dư luận xã hội quan tâm, định hướng dư luận xã hội ngay từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản, tạo sự đồng thuận trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật; thông tin rộng rãi, kịp thời các dự thảo chính sách pháp luật có tác động lớn đến xã hội ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản; thực hiện PBGDPL bằng tiếng dân tộc thiểu số;
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác PBGDPL theo các đề án, kế hoạch, chương trình đã ban hành; nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật;
Trong các năm 2017-2021, Bộ VHTTDL đã tổ chức tuyên truyền PBGDPL thường xuyên, liên tục, dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, đã hướng dẫn lồng ghép công tác PBGDPL trong các hoạt động VHTTDL từ Trung ương đến địa phương, qua tuyên truyền cổ động trực quan, xây dựng kịch bản sân khấu, tiểu phẩm, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bản quyền tác giả…
Báo cáo của Bộ VHTTDL cũng nêu rõ, công tác PBGDPL thời gian qua còn có một số tồn tại, khó khăn cần khắc phục. Việc triển khai thực hiện Quyết định 705/QĐ-TTg và Luật PBGDPL ở một số nơi còn mang tính hình thức, chất lượng tuyên truyền pháp luật chưa cao, chậm đổi mới. Công tác đào tạo chuyên môn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hoà giải viên còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL chưa đồng đều, thiếu gắn kết với xây dựng và thực thi pháp luật.
Nhằm đẩy mạnh PBGDPL trong thời gian tới, Bộ VHTTDL nêu rõ định hướng tiếp tục nâng cao nhận thức, xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ quan, đơn vị về PBGDPL; rà soát các quy định pháp luật liên quan đến công tác PBGDPL để ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL.
Bên cạnh đó, Bộ thường xuyên thực hiện công tác trợ giúp pháp lý doanh nghiệp thông qua các hình thức tiếp nhận ý kiến phản hồi, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về chế độ, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý ngành. Thông qua tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp về những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Quảng cáo, Luật Di sản văn hóa với các Luật Xây dựng, đầu tư, đất đai…Bộ đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các Luật để phù hợp hơn với thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Song song với đó là việc triển khai thực hiện có hiệu quả “Ngày Pháp luật Việt Nam” tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo Kế hoạch tổ chức “Ngày Pháp luật Việt Nam” của Bộ. Những kết quả đạt được đã góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.
Mục tiêu trong kế hoạch tuyên truyền phổ biên giáo dục pháp luật của Bộ VHTTDL là nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác PBGDPL; rà soát, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác PBGDPL theo các đề án, kế hoạch, chương trình đã ban hành; phát hiện, kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PBGDPL; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Xác định kết quả công tác PBGDPL là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.