Kết nối với chúng tôi

Vẻ đẹp thể thao

‘Trắng, trẻ, gầy’ – gu thẩm mỹ gây ám ảnh ở Trung Quốc

Các diễn viên Củng Lợi, Lưu Diệc Phi bị chê “già nua, vai thô, bắp tay béo”, không đáp ứng tiêu chuẩn về cái đẹp của một bộ phận khán giả.

Sự kiện Weibo Night – dành cho những người ảnh hưởng trên mạng xã hội – diễn ra ngày 25/3 nhưng đến nay, các chủ đề liên quan chương trình vẫn thu hút nhiều lượt xem, bình luận trên Weibo.

Một trong số chủ đề gây tranh cãi là vóc dáng Lưu Diệc Phi – người giành giải Nữ hoàng Weibo. Nhiều người khen cô đẹp, trang phục lộng lẫy nhưng cũng không ít ý kiến chê bai diễn viên. Những người này viết: “Cô ấy béo quá, cần giảm cân”, “Cô ấy nhận cátxê cao mà không chịu kiểm soát vóc dáng cho mảnh mai. Giữ hình ảnh đẹp cũng là công việc của diễn viên”, “Lưu Diệc Phi bắp tay to, vai thô”…

Lưu Diệc Phi đẹp lộng lẫy trong váy chim công vẫn bị chê bai nhan sắc.

Theo Vogue, không chỉ Diệc Phi, nhiều nghệ sĩ nữ Trung Quốc từng bị chê bai sắc vóc “già nua, béo”. Bởi những năm gần đây, quan niệm “trắng, trẻ, gầy” thịnh hành ở làng giải trí. Hai năm trước, cụm từ khóa “vóc dáng Củng Lợi” từng vào top chủ đề bình luận nhiều trên mạng xã hội khi nhiều người chê cô “xuống sắc, không thon thả”.

Biên tập viên thời trang của tạp chí, Zhang Yijie, viết: “Không ngờ, diễn viên thực lực, được sự tôn trọng bằng tài năng như Củng Lợi cũng không thoát khỏi đàm tiếu về ngoại hình, điều đó thực sự đáng buồn”. Tờ này nhắc lại việc ở tuổi ngũ tuần, Củng Lợi vẫn tỏa sáng trong lĩnh vực điện ảnh. Ở lễ khai mạc Liên hoan phim Cannes năm 2019, ban tổ chức từng bố trí cho riêng Củng Lợi đi trên thảm đỏ trong ba phút, để tất cả ống kính chỉ hướng về cô. Minh tinh là diễn viên người Hoa duy nhất từng nhận được ưu ái này từ Liên hoan phim. Tuy nhiên, ở quê hương của mình, Củng Lợi bị trói buộc trong một quan niệm thẩm mỹ.

Các diễn viên Lưu Thi Thi, Angelababy, Dương Mịch (từ trái sang) ở hậu trường lễ trao giải Weibo Night. Ảnh: Weibo/Zhang Dada
Các diễn viên Lưu Thi Thi, Angelababy, Dương Mịch (từ trái sang) ở hậu trường lễ trao giải Weibo Night. Ảnh: Weibo/Zhang Dada

Trắng, trẻ, gầy – chỉ quan niệm da trắng, ngoại hình trẻ trung dễ thương, dáng mình hạc xương mai mới được gọi là đẹp. Theo Sohu, không ít ngôi sao luôn chỉnh sửa ảnh cho bắp tay nhỏ, chân thon, mặt và eo nhỏ trước khi đăng trên mạng xã hội, để chạy theo xu hướng này. Ở nhiều phim truyền hình, gương mặt của diễn viên chính cũng được êkíp chỉnh sửa cho thon và trắng.

Trang Vogue viết: “Vì sao chúng ta lại bị lấn lướt bởi một quan niệm thẩm mỹ? Khi các nghệ sĩ nữ đang làm hết sức để cuộc sống tốt hơn, khi họ dũng cảm đón nhận mọi thử thách mà cuộc đời mang đến, chúng ta cũng nên vứt bỏ những tiêu chuẩn cứng nhắc, nông nổi về cái đẹp”.

Theo trang Youth, quan niệm “trắng trẻ gầy” không chỉ phổ biến trong giới sao mà còn ở mọi ngành nghề, tầng lớp, khiến nhiều người không tự tin về ngoại hình, luôn lo lắng bản thân chưa đủ mảnh mai. Phương Tiểu Nhu – làm nghề livestream bán hàng – cho biết có năm cô tốn 600 nghìn nhân dân tệ (2 tỷ đồng) để hút mỡ mặt và chân, cấy tóc, làm gầy vai… Cô cho biết chưa bao giờ hài lòng về ngoại hình, ngược lại ngày càng lo lắng về vóc dáng, gương mặt. Trước đây, cô khóc nhiều vì bị chế giễu “mặt như cái bánh, chân to như chân voi”.

Củng Lợi và chồng trong đời thường, bức ảnh khiến cô bị chê bai ngoại hình. Ảnh: Vogue
Củng Lợi và chồng trong đời thường, bức ảnh khiến cô bị chê bai ngoại hình. Ảnh: Vogue

Theo thống kê, chỉ riêng năm 2020, Trung Quốc có thêm 5.150 thẩm mỹ viện, quy mô thị trường y học thẩm mỹ trị giá gần 198 tỷ nhân dân tệ (28,7 tỷ USD). Các cơ sở làm đẹp quảng cáo, tung nhiều chương trình khuyến mãi, khóa học về thẩm mỹ.

Trang Youth cho rằng quá lo lắng về vóc dáng, dung nhan là “căn bệnh” phổ biến đương đại. Ông Hác Hồng Binh – tổng giám đốc một công ty tuyển dụng ở tỉnh Liêu Ninh – nhận định ở một khía cạnh, “lo lắng ngoại hình” phản ánh tính cạnh tranh khốc liệt trong xã hội. Nhiều người chọn phẫu thuật thẩm mỹ trước khi đi phỏng vấn xin việc. Bởi các doanh nghiệp có xu hướng chọn người bắt mắt hơn trong số những người học vấn, lý lịch, năng lực tương đương.

Bác sĩ Thường Dũng nói y học thẩm mỹ vốn ra đời để giúp những người bị dị tật khỏe mạnh, tự tin hơn và không biết từ lúc nào, phương pháp này trở thành “con đường tắt” để những người không khiếm khuyết ngoại hình có được dung mạo mà họ khao khát. Ông nói: “Tại sao chân thẳng như đũa, mặt chữ V, gương mặt nào cũng na ná nhau mới được cho là đẹp? Định nghĩa đẹp rất phong phú. Đẹp còn thể hiện ở cách ăn mặc, hành xử văn minh”.

Đồng quan điểm, trên tờ Nandu, nhà điêu khắc Hứa Hồng Phi cho rằng tiêu chuẩn về cái đẹp cần đa dạng. Từng được mời làm giám khảo một cuộc thi nhan sắc, Hứa Hồng Phi không có ấn tượng gì vì sau khi trang điểm, các thí sinh hầu như giống nhau, ông phải phân biệt họ qua số báo danh. Sau đó, kể cả người thắng cuộc, ông cũng không nhớ được gương mặt thế nào.

Với những người làm nghệ thuật, Hứa Hồng Phi cho rằng cần chú trọng sự khác biệt, độc đáo. Ông nói: “Nhiều nghệ sĩ của chúng ta không nổi tiếng, không bước ra thế giới được, vì chúng ta không sáng tạo được cái gì mới, không cống hiến cho thế giới được sáng tạo nghệ thuật của chính chúng ta”.

Tổng hợp theo vnexpress.net

Xem thêm Vẻ đẹp thể thao