Nữ hoàng điền kinh Hà Lan, Sifan Hassan lập cú đúp HCV lịch sử ở Olympic 2020
Tối 7/8, VĐV của Hà Lan, Sifan Hassan người gốc Ethiopia đã vượt qua nỗi thất vọng đoạt HCĐ nội dung 1.500 m chỉ 1 ngày trước để giành chiến thắng ngoạn mục nội dung 10.000 m, và lập cú đúp HCV Olympic.
Sifan Hassan đến Olympic 2020 với tham vọng đoạt cả 3 HCV cự ly trung bình và đường dài lần đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, sau chiến thắng ở nội dung 5.000 m, nữ VĐV 28 tuổi này để hụt mất chiếc HCV nội dung 1.500 m sở trường (từng chiến thắng ở giải vô địch thế giới tại Doha 2019) về tay VĐV người Kenya, Faith Kipyegon.
Trong khi đó, ở nội dung còn lại 10.000 m thi đấu tối 7/8, Sifan Hassan phải đối đầu với ứng viên nặng ký là VĐV trẻ hơn, Letesenbet Gidey, 23 tuổi của Ethiopia và cũng đang giữ kỷ lục thế giới vừa thiết lập tại Hà Lan vào tháng 6/2021 với thành tích 29 phút 01,03 giây.
Chính Letesenbet Gidey đã có khởi đầu đầy hứa hẹn trong cuộc đua tại Olympic 2020 khi vượt qua các VĐV của Nhật Bản như Ririka Hironaka dẫn trước ở các vòng đầu, để dần nắm ưu thế của cuộc đua.
Mặc dù vậy, trong khoảng 3.000m cuối Sifan Hassan bắt đầu vượt lên và bám rất sát tốp đầu, trước khi tung cú nước rút ngoạn mục ở vòng cuối để về nhất với thành tích 29 phút 55,32 giây qua mặt Letesenbet Gidey (chỉ về thứ 3), và VĐV người Bahrain, Kalkidan Gezahegne (cũng gốc Ethiopia, vì nhì).
Sau khi về đích, Sifan Hassan hoàn toàn bị kiệt sức và phải nhờ chăm sóc y tế vì những nỗ lực quá sức của mình. Thế nhưng, thành quả mang lại thật ngọt ngào khi nữ VĐV người Hà Lan này có cú đúp HCV tại Olympic, để trở thành VĐV đầu tiên đoạt 2 HCV cự ly dài và trung bình tại một kỳ Olympic và giải vô địch thế giới.
Tiên cá Emma McKeon phá kỷ lục Olympic
Emma McKeon chính là nữ hoàng môn bơi lội tại Olympic Tokyo và là người mang về nhiều HCV nhất cho đoàn thể thao Australia.
Emma McKeon vừa về nhất nội dung 50m tự do nữ với thời gian 23,81 giây. Thành tích này giúp kình ngư người Australia phá kỷ lục Olympic do chính mình thiết lập vài ngày trước ở vòng loại. Sarah Sjoestroem (24,07 giây) và Pernille Blume (24,21 giây) lần lượt về thứ 2 và thứ 3.
Đây là tấm HCV thứ 4 của Emma McKeon ở Olympic Tokyo. McKeon về nhất ở các nội dung 100m tự do nữ, 50m tự do nữ, 4x100m tiếp sức tự do và 4x100m tiếp sức hỗn hợp nữ. Tổng cộng, Emma McKeon đã có 7 tấm huy chương tại kỳ Thế vận hội lần này gồm 4 HCV và 3 HCĐ.
Kình ngư Australia phá kỷ lục thế giới
Nữ kình ngư Emma McKeon đã mang về tấm huy chương vàng thứ 9 cho đoàn thể thao Australia tại Olympic Tokyo sau khi chiến thắng trong trận chung kết 100m tự do nữ.
Emma McKeon dẫn đầu từ đầu đến cuối trong cuộc đua trên đường bơi xanh nội dung 100m tự do nữ. Kình ngư người Australia về nhất với thời gian 51,96 giây, hơn người về nhì Siobhan Haughey của Hồng Kông Trung Quốc 0,31 giây.
Thành tích này giúp Emma McKeon phá kỷ lục Olympic mà chính cô vừa thiết lập 2 ngày trước. Cate Campbell của Australia đoạt huy chương đồng với thời gian 52,52 giây.
Chiến thắng giúp McKeon đoạt HCV cá nhân đầu tiên tại Thế vận hội và là người thứ hai trong lịch sử bơi 100m tự do dưới 52 giây. Sau khi McKeon về đích, kình ngư người đồng hương Cate Campbell liên tục nói to về phía McKeon: “Tôi rất tự hào về bạn”.
Caeleb Dressel, đại bàng trên đường đua xanh
Những vinh quang ở giải vô địch thế giới được Caeleb Dressel tiếp nối tại Olympic Tokyo 2020, với phong độ ấn tượng trên đường đua xanh. Vào ngày Caeleb Dressel nhảy xuống hồ bơi tại Giải vô địch bơi lội quốc gia Mỹ 2015, những người tham dự đã nhận thấy điều kỳ lạ về chàng trai đến từ Gainesville.
Dressel thi đấu ấn tượng tại Olympic Tokyo khi giành tới 5 HCV. Anh chiến thắng ở các nội dung 50m tự do nam, 4x100m hỗn hợp tiếp sức nam, 100m tự do nam, 100m bướm nam và 4x100m tự do tiếp sức nam.
Đại diện của đội bơi Mỹ cũng phá 4 kỷ lục Olympic và 2 kỷ lục thế giới tại Thế vận hội. Cụ thể, Dressel về nhất ở các nội dung 50m tự do nam (21 giây 07, phá kỷ lục Olympic), 100m tự do nam (47 giây 02, phá kỷ lục Olympic), 100m bướm nam (49 giây 45, phá kỷ lục thế giới và Olympic).
Ở nội dung đồng đội, Dressel giành HCV nội dung 4x100m tự do tiếp sức nam (3 phút 08 giây 97) và 4x100m hỗn hợp tiếp sức (3 phút 26 giây 78, phá kỷ lục thế giới và Olympic). Như vậy, Dressel giành 5 HCV ở 6 nội dung đăng ký tham dự tại Olympic Tokyo.
Nữ cung thủ xinh đẹp Hàn Quốc giành 3 HCV ở môn bắn cung.
An San đang trở thành hiện tượng ở Olympic 2020 khi thể hiện tài bắn cung vượt trội. Cung thủ 20 tuổi này sở hữu khuôn mặt xinh đẹp và tài bắn bách phát bách trúng. Đến hôm nay, cô đã giành huy chương vàng ở 3 nội dung tham dự, cá nhân nữ, đồng đội nữ và đồng đội hỗn hợp.
An San đang là sinh viên Đại học Gwangju (Hàn Quốc). Ngay tại vòng xếp hạng nội dung cung một dây cá nhân nữ ở Thế vận hội Tokyo 2020 diễn ra sáng 23/7, cô đã phá kỷ lục Olympic với tổng điểm 680 sau 72 lượt bắn.
Kỷ lục cũ mà cung thủ người Ukraine Herasymenko Lina thiết lập đã tồn tại 25 năm, diễn ra tại Olympic Atlanta 1996 với 673 điểm. Tuy nhiên, An San chưa phá được kỷ lục thế giới của đồng hương Kang Chae-young (692 điểm), lập hồi tháng 7/2019.
An San theo học bắn cung từ hồi tiểu học. Năm lớp 3, cô xin vào câu lạc bộ bắn cung ở trường chỉ với mục đích duy nhất là để nhận những gói bim bim. CLB bắn cung ở trường lúc đó toàn con trai, nên tính cách An mạnh mẽ từ nhỏ.
Gia đình là nguồn cổ vũ to lớn với An San khi sớm nhận ra năng khiếu của nữ cung thủ cá tính và tạo điều kiện để cô theo đuổi sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp.
Viktor Axelsen (Đan Mạch, cầu lông)
Viktor Axelsen trở thành tay vợt cầu lông không phải người châu Á đầu tiên vô địch Olympic kể từ năm 1996. Ở chung kết nội dung đơn nam, Axelsen đánh bại Chen Long (Trung Quốc) 21-15, 21-12 để giành huy chương vàng đầy thuyết phục.
Anh đã vượt qua căn bệnh hen suyễn và tổn thương đĩa đệm cột sống để vượt qua giai đoạn khó khăn 2018-2019, trước khi tiến một mạch lên đỉnh cao và phế truất Chen Long khỏi ngai vàng Olympic.
Chiến thắng của Axelsen là lời chứng nhận cho sự vươn mình của cầu lông Đan Mạch trong một thập kỷ qua. Ngoài Axelsen, một tay vợt Đan Mạch khác là Anders Antonsen cũng đứng trong nhóm đầu thế giới.
Cầu lông là môn thể thao thế mạnh của các nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, nhưng tại Olympic Tokyo, cán cân này đã thay đổi.
VĐV Italy giành HCV chạy 100m nam Olympic Tokyo
Xuất sắc cán đích đầu tiên với thời gian 9 giây 80, Lamont Marcell Jacobs trở thành người chạy nhanh nhất hành tinh và giành HCV nội dung chạy 100m nam.
VĐV điền kinh của Vương quốc Anh Zharnel Hughes đã mắc lỗi xuất phát trước hiệu lệnh của trọng tài nên bị truất quyền thi đấu. Cuộc thi chung kết chỉ còn là cuộc cạnh tranh của 7 VĐV còn lại.
Lamont Marcell Jacobs của Italy có bước xuất phát tốt, cùng những bước chạy xé gió để cán đích đầu tiên bất chấp sự bám đuổi của 6 đối thủ còn lại.
Với thời gian 9 giây 80, Jacobs xuất sắc giành HCV danh giá trên đường chạy 100m. HCB ở nội dung này thuộc về VĐV người Mỹ, Fred Kerley sau khi anh đạt thành tích 9 giây 84.
Về đích thứ 3 với thời 9 giây 89 và có được tấm HCĐ là đại diện đến từ Canada, De Grasse Andre.
Việc VĐV của Italy giành HCV chạy 100m tại Olympic Tokyo được xem là một bất ngờ. Bởi chạy cự ly ngắn vốn là thế mạnh của các VĐV người Jamaica, kể từ khi “tia chớp đen” Usain Bolt xuất hiện. Tuy nhiên, tại Thế vận hội lần này, các chân chạy 100m của Jamaica đều không thể vượt qua vòng bán kết.
Với kỳ tích tại Olympic Tokyo, Jacobs trở thành châu Âu đầu tiên giành HCV chạy 100m nam, từ sau khi Linford Christie chiến thắng ở Olympic Barcelona 1992.
VĐV Na Uy phá kỷ lục Thế giới chạy 400m rào nam
Karsten Warholm tiếp tục đi vào lịch sử điền kinh khi giành HCV nội dung chạy 400m vượt rào nam và phá kỷ lục Thế giới của chính mình.
Giành quyền vào chung kết chạy 400m vượt rào nam Olympic Tokyo có 8 VĐV đến từ Mỹ, Quần đảo Virgin, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Brazil, Na Uy và Estonia.
Karsten Warholm chạy ở làn số 6, chân chạy người Na Uy xuất phát không thật sự tốt so với các đối thủ.
Tuy nhiên, VĐV 25 tuổi này bứt tốc mạnh mẽ ở hơn 100m cuối và tạo ra màn cạnh tranh quyết liệt với Rai Benjamin của Mỹ.
Ở 20m cuối, Warholm đã có bước bứt phá ngoạn mục để cán đích đầu tiên với thời gian 45 giây 94 và giành tấm HCV danh giá. Thành tích đoạt HCB của VĐV người Mỹ là 46 giây 17.
Giành HCĐ ở nội dung này tại Olympic Tokyo thuộc về VĐV Brazil Alison dos Santos với thành tích 46 giây 72.
Không chỉ đoạt HCV, Warholm còn xác lập kỷ lục thế giới mới ở nội dung chạy 400m vượt rào nam do chính mình lập nên hôm 1/7, với 0,76 giây nhanh hơn ở chung kết Tokyo 2020 sáng 3/8.
Kỷ lục trước đó do chính Warholm xác lập tại giải điền kinh Bislett Games 2021 – sự kiện thuộc hệ thống giải điền kinh danh tiếng IAAF Diamond League – ở Oslo (Na Uy). Không những vậy, với 46 giây 70 tại đó, VĐV 25 tuổi này phá kỷ lục 400m rào nam tồn tại suốt 29 năm, do cựu VĐV Mỹ Kevin Young lập tại Olympic 1992.
Kỳ tích của Warholm giúp đoàn thể thao Na Uy có được tấm HCV thứ 2 tại Olympic Tokyo 2020, cùng 1 HCB và 1 HCĐ để vươn lên xếp hạng 22.
Bài liên quan:
- #Tokyo 2020: Cận cảnh những dấu ấn khó quên tại Olympic
- #Tokyo 2020: Tường thuật lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020
Xuân Hiền (T/h)