Kết nối với chúng tôi

Phong cách thể thao

Thời hoàng kim của Hãng phim truyện Việt Nam

Trải qua 70 năm, Hãng phim truyện Việt Nam từng là cái nôi, bệ phóng cho nhiều tên tuổi lừng danh điện ảnh nước nhà. Bước vào thời kỳ mới và đặc biệt sau khi trải qua quá trình cổ phần hóa, hãng phim đánh mất ánh hào quang.

Vang bóng một thời

Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL). Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như Chung một dòng sôngVĩ tuyến 17 ngày và đêmNổi gióChị Tư HậuSao tháng Tám, Em bé Hà Nội, Vợ chồng A Phủ, Mùa ổi

Bộ phim Em bé Hà Nội – bộ phim nổi tiếng của NSND, đạo diễn Hải Ninh, một trong những tác phẩm kinh điển của Hãng phim truyện Việt Nam.

Trong suốt 70 năm qua, Hãng sản xuất hơn 400 bộ phim điện ảnh, truyền hình, tài liệu. Từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Chung một dòng sông (1959), tới đầu những năm 1990, Hãng phim truyện Việt Nam vẫn giữ vai trò chủ lực của điện ảnh. Nhiều tác phẩm gặt hái giải Vàng ở các Liên hoan phim Việt Nam, nhiều giải thưởng quốc tế.

NSND Trà Giang nhớ về thời hoàng kim của Hãng phim truyện Việt Nam: Từng có 600 anh chị em văn nghệ sĩ, cán bộ, công nhân làm việc, từng sản xuất hàng chục phim mỗi năm.

Sao tháng Tám do NSND Trần Đắc, đạo diễn Đức Hoàn thực hiện, quy tụ dàn nghệ sĩ: Thanh Tú, Đức Hoàn, Dũng Nhi.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã bắt đầu làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam từ năm 1987. Khi ấy, hãng phim được gọi là Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam. Thời đó, hãng phim là một địa chỉ vàng mà bất cứ ai cũng mơ ước được làm việc.

Với tần suất hơn chục phim truyện và phim tài liệu nghệ thuật mỗi năm, Hãng phim truyện Việt Nam là bệ phóng cho nhiều tên tuổi lừng danh của điện ảnh nước nhà trên mọi lĩnh vực sáng tác phim ảnh. Hãng cũng tuyển nhân sự mới liên tục với sự khắt khe hiếm thấy.


Hà Nội mùa chim làm tổ là bệ phóng cho nhiều tên tuổi lừng danh của điện ảnh.

Nói về những ký ức năm xưa, nhà biên kịch Thanh Nhã nhớ về bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ của cố đạo diễn Đức Hoàn. Bộ phim làm nổi bật lên hình ảnh Hà Nội với những người trí thức trẻ cùng cách kể chuyện dung dị, sự kìm nén đầy nữ tính và diễn xuất của NSND Như Quỳnh.

Thị xã trong tầm tay của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh cũng hấp dẫn tôi vô cùng. Bộ phim kích thích ham muốn sáng tạo trong tôi. Những sáng tác của tôi sau này cũng chịu ảnh hưởng phong cách của hai bộ phim này rất nhiều”, nhà biên kịch Thanh Nhã nói với Tiền Phong.

Thị xã trong tầm tay của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh là một trong hai tác phẩm định hình phong cách sáng tạo của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.

Đạo diễn Đức Việt nói rằng Hãng phim truyện Việt Nam đã sản xuất ra nhiều bộ phim nổi tiếng trong nước và quốc tế như Chung một dòng sông, Chim vành khuyênNgày lễ thánhEm bé Hà NộiBao giờ đến tháng Mười

“Đó không chỉ là những bộ phim hay mà là những tác phẩm điện ảnh kinh điển. Bởi giá trị của nó không chỉ có tiếng vang trong nước mà còn lan tỏa ở quốc tế. Đó là một kho báu của Điện ảnh Cách mạng. Chúng tôi rất tự hào có kho báu này”, đạo diễn Đức Việt nói.

“Cơn bão” cổ phần hóa

Năm 2009, khi thấy những tín hiệu không lành từ cách làm việc của lãnh đạo hãng phim lúc đó, bà đã chọn “bỏ chạy”, tức về hưu sớm 3 năm. Tuy đã rời Hãng, nhưng những biến động của Hãng vẫn khiến bà phải lo lắng.

“Khi cơn bão cổ phần hóa ập vào hãng phim, tôi đã cùng anh em trong hãng cố gắng tìm một đường thoát cho hiện trạng xuống dốc không phanh của một thương hiệu từng như một tượng đài bất khả xâm phạm. Sự tàn phá của quá trình cổ phần hóa đối với Hãng phim truyện Việt Nam giống như cú đánh huỷ diệt vào nền điện ảnh cách mạng. Tôi chỉ biết chết lặng, đau và bất lực”, nhà biên kịch Thanh Nhã kể.

Lối vào trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (4 Thụy Khuê).

Đạo diễn Đức Việt nói rằng vào năm 2017, ông và nhiều đồng nghiệp tin tưởng vào Bộ VHTTDL sẽ làm cho Hãng tiếp tục tồn tại và phát triển. Nhưng khi Hãng được Công ty Vận tải thủy (Vivaso) mua lại với giá 32,5 tỷ khiến ông thực sự choáng váng.

“Không phải chỉ chuyện giá quá rẻ với hàng nghìn mét đất và các cơ sở vật chất, giá trị hàng trăm bộ phim của Hãng rơi vào tay Vivaso – một công ty không liên quan đến điện ảnh. Thảm cảnh của hãng phim mà chúng ta thấy ngày hôm nay là kết quả sai lầm của cổ phần hóa”, đạo diễn Đức Việt nói.

Ông chia sẻ với Tiền Phong rằng để bảo vệ hãng phim, bảo vệ cái nôi của điện ảnh Cách mạng ông và nhiều đồng nghiệp không ngồi im. “Chúng tôi đứng lên đấu tranh quyết liệt và đã được chính phủ công nhận là cổ phần hóa sai và đã bắt Vivaso thoái vốn. Đã hơn 3 năm rồi việc về thoái vốn của Vivaso không thấy đâu? Chúng tôi gửi văn bản kiến nghị đi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng không được”, đạo diễn Đức Việt nói.

Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam xuống cấp, xập xệ, gần như bỏ hoang nhiều năm nay.

Nói về tương lai của Hãng phim truyện Việt Nam, các nghệ sĩ, đạo diễn, người làm phim điện ảnh đều mong ngóng Bộ VHTTDL, Nhà nước sớm vào cuộc, giải quyết dứt điểm.

“Thời đại ngày nay đòi hỏi Hãng phim truyện Việt Nam nếu muốn tồn tại và tỏa sáng cần những bước đi táo bạo, hòa nhập với thị trường mà vẫn giữ được vị thế bằng cách duy trì dòng chủ lưu của nền điện ảnh như trước đây từng làm. Dòng chủ lưu của điện ảnh bất kỳ quốc gia nào cũng cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, còn cuộc “hòa nhập thị trường” thuần tuý không làm được. Tôi tin là chỉ cần Hãng được phục hồi, những tinh hoa mới sẽ xuất hiện và làm nên một thương hiệu mới”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã bày tỏ.

Còn đạo diễn Đức Việt cho rằng để khắc phục hậu quả của cổ phần hóa sai lầm và khôi phục lại Hãng phim truyện Việt Nam rất cần sự hậu thuẫn của Chính phủ và Bộ VHTTDL về pháp lý và vật chất.

Tổng hợp theo tienphong.vn

Xem thêm Phong cách thể thao