Kết nối với chúng tôi

Phong cách thể thao

Theo đuổi văn hóa hầu đồng giữa xã hội đầy định kiến

Tuổi đời còn trẻ nhưng thanh đồng Vương Thiệu Phong đã có hơn 10 năm phụng sự nhà Thánh. Suốt những năm qua, anh luôn luôn tâm huyết với việc gìn giữ, phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tại Nghệ An nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung, trong vòng vài năm trở lại đây, người dân tin tưởng và nhắc nhiều hơn tới thanh đồng Vương Thiệu Phong. Thoạt nhìn, thanh đồng có gương mặt khả ái, cung cách làm việc tận tâm khiến người đối diện vô cùng tin tưởng khi “diện Thánh”. Thanh đồng chia sẻ, trước kia cha mẹ cũng định hướng cho mình theo con đường học hành, thi cử. Tuy nhiên, do số phận sắp đặt, anh cũng vẫn quay về “diện Thánh”, trở thành thầy đồng và luôn tìm cách bảo vệ di sản văn hoá tâm linh. Điều này đúng với hầu hết những người theo đuổi con đường đặc thù này. Bởi nếu đã “được chọn”, việc theo nghề là tất yếu. 

Tại Nghệ An nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung, trong vòng vài năm trở lại đây, người dân tin tưởng và nhắc nhiều hơn tới thanh đồng Vương Thiệu Phong.

Gặp Vương Thiệu Phong trong một buổi chiều xứ Nghệ mưa gió để hiểu hơn về thanh đồng đặc biệt này, khó ai có thể tưởng tượng rằng một người trẻ tuổi như anh lại dành tới gần một thập kỷ ở chốn linh thiêng hương khói. Đối với Vương Thiệu Phong, hầu đồng là cái nghề cái nghiệp, là số phận của bản thân. Kiếp người ai cũng phải trải qua trăm khó ngàn đau. Nhưng đối với những người có “căn số đồng linh”, nỗi khó nhọc lại nặng nề hơn trăm nghìn lần. Tuổi đời còn rất trẻ, Vương Thiệu Phong đã phải trải qua vô số thách thức mà cái nghề này bắt đổi, bắt trả.

Sau gần một thập kỷ theo đuổi tín ngưỡng thờ Mẫu, “thầy đồng” xứ Nghệ đã và đang đối mặt với vô vàn khó khăn, trong đó phải nói tới những điều tiếng, dị nghị, định kiến đã tồn tại từ lâu trong xã hội bởi những nhận thức sai lệch, không đúng đắn về văn hóa hầu đồng. Phải nhấn mạnh rằng, việc người dân tin tưởng, tìm đến một thanh đồng nào đó cho thấy họ có mong muốn được hướng thiện, tin vào Thánh để làm việc tốt ở đời. Không nên và không thể đánh tráo khái niệm “văn hóa tín ngưỡng” và “mê tín dị đoan”. Sẽ là phiến diện nếu nhìn vào những biến tướng để quy chụp văn hóa hầu đồng là hình thức “mê tín”, “kinh doanh tâm linh”. Bởi khi tìm đến cửa Mẫu, con người ta đều mong cầu những điều tốt lành, khao khát được hành thiện. Thanh đồng chân chính là người mang sứ mệnh giáo dưỡng, giúp con người hướng thiện, hoàn lương chứ không phải kẻ trục lợi từ những buổi hầu đồng như một bộ phận công chúng vẫn lầm tưởng.

Thanh đồng chân chính là người mang sứ mệnh giáo dưỡng, giúp con người hướng thiện, hoàn lương chứ không phải kẻ trục lợi từ những buổi hầu đồng như một bộ phận công chúng vẫn lầm tưởng.

Nhà văn Nam Cao từng viết: “Cẩu thả trong nghề nào cũng là bất lương”. “Cẩu thả” trong nghề nghiệp đặc thù phụng sự nhà Thánh lại càng là điều tối kỵ. Thấu hiểu công việc của một người “bắc cầu” thế giới tâm linh, thanh đồng Vương Thiệu Phong luôn chỉn chu từ trang phục đến cung văn, thực hành đảm bảo tôn nghiêm… trong mỗi vấn hầu thể hiện sự thành kính, ca ngợi công ơn của các vị Thánh, Mẫu; tái hiện lại hình ảnh oai hùng của các vị tướng, anh hùng dân tộc đã có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua đó, “cậu đồng” đã đưa mọi người lạc vào thế thức tâm linh thần thánh đầy cuốn hút. Thanh đồng Vương Thiệu Phong tâm niệm rằng đã là người làm con của Mẫu, trước hết phải có chữ Tâm, giữ gìn được đạo đức. 

Là gạch nối từ thế giới thực sang thế giới tâm linh, “cậu đồng” hiểu hơn ai hết sứ mệnh thiêng liêng mà bản thân phải mang, phải gánh trong kiếp này. Hơn 10 năm “hầu Thánh”, thanh đồng Vương Thiệu Phong chia sẻ anh gặp rất nhiều câu chuyện từ những người dân tìm tới anh với mong cầu cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng đôi khi, người dân lại tới cửa Mẫu để thỉnh những điều đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức. Nỗi niềm mà thầy đồng luôn đau đáu chính là làm sao để người dân có nhận thức đúng về văn hóa hầu đồng, có khả năng tự giác ngộ. Bởi nếu  không hiểu chính xác, những người thỉnh nhờ rất dễ có những mong cầu không đúng đắn, dẫn đến hành vi không tốt cho cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, việc giác ngộ lại đòi hỏi rất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, làm việc với bản thân của mỗi người. Hay nói cách khác, con đường trở về với cội nguồn tâm linh luôn nghìn trùng trắc trở.

Người giác ngộ, thì sẽ biết ăn hiền ở lành làm gốc, nên cầu ở mình hơn cầu ở người, họ đi lễ chỉ vì tỏ lòng kính trọng, biết ơn với các bậc bề trên, các bậc tiền nhân. Có người thì vì tin, nhưng chưa giác ngộ thì cầu rất nhiều thứ, nhiều việc. Có vị Đại Đức từng nói: Nếu đặt cái máy ghi âm trước ban thờ, ghi lại mọi điều cầu nguyện khấn vái của thập phương, thì ngay cả đến Thủ Tướng chính phủ cũng không thể giải quyết nổi. Ai làm nghề gì ai làm việc gì, ai có sự gì  thì đều đến nơi linh thiêng cầu thuận lợi cho mình việc ấy sự ấy. Tất nhiên những việc pháp luật cho phép thì họ nhờ tới thầy, những việc pháp luật ngăn cấm thì dĩ nhiên là họ không dám nhờ thầy, sợ lạy ông tôi ở bụi này”, Vương Thiệu Phong nhấn mạnh thêm về những trường hợp mình gặp phải trong quá trình làm nghề suốt 10 năm qua. 

Nỗi niềm mà thầy đồng luôn đau đáu chính là làm sao để người dân có nhận thức đúng về văn hóa hầu đồng, có khả năng tự giác ngộ.

Văn hóa hầu đồng không chỉ cần được hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu sâu mà còn cần được lan tỏa. Việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành bước đầu tiên đưa “Tín ngưỡng thờ Mẫu” đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Càng ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia các vấn hầu chính là tín hiệu đáng mừng. Bởi công tác bảo tồn luôn luôn là vấn đề lớn với các di sản văn hóa tâm linh. Sự kế thừa, truyền bá rộng rãi chính là hình thức duy nhất giúp văn hóa hầu đồng tiếp tục tồn tại và phát triển. Theo chân thanh đồng Vương Thiệu Phong tới đền Thiên Ân (Nghệ An) để hầu đồng mới thấy rõ được hành trình trở về với cội nguồn tâm linh của người trẻ. Thanh đồng cho biết, gần 10 năm anh hầu đồng ở đây, thấy không ít những trường hợp người trẻ hay đau ốm, nên đi hầu đồng để mong các “ngài” phù hộ cho. “Cậu” bảo, các bạn trẻ 9X bây giờ hay theo bà, theo mẹ đi hầu đồng. Một phần là do tín ngưỡng của gia đình, một phần là do cái “tâm” thôi thúc. Tuổi tác không phải trở ngại cản bước con người ta đến với những đức tin cao cả. Dù ở độ tuổi nào, con người cũng muốn hướng thiện, muốn tìm đến những sự tốt lành ở đời. 

Nếu không tận mắt chứng kiến một buổi hầu đồng mở phủ thì không nhiều người có thể tưởng tượng hay tin được rằng: Giới trẻ cũng tham gia chuẩn bị mã, sắm lễ, trang bị quần áo, có phường hát văn cùng người lớn – việc mà từ trước đến nay trong tâm tưởng của nhiều người chỉ dành cho những người cao tuổi. Với đức tin là làm lễ hầu đồng để cầu mong những điều tốt đẹp, nhiều bạn trẻ đã cùng gia đình mình ngồi hầu đồng với sự thật tâm và thành kính nhất.

Với đức tin là làm lễ hầu đồng để cầu mong những điều tốt đẹp, nhiều bạn trẻ đã cùng gia đình mình ngồi hầu đồng với sự thật tâm và thành kính nhất.

Có thể nói, trong các nghi lễ tôn giáo hiện nay, một nét mới lạ là việc người trẻ hầu đồng, tham gia hát chầu văn không hiếm. Như Vương Thiệu Phong chia sẻ, anh tham gia công việc này một phần là do số phận “định đặt”, phần khác chủ yếu xuất phát từ cái tâm muốn được thanh thản và làm việc có ích. Thêm vào đó, không chỉ anh hay nhiều người trẻ khác cũng tin rằng, thường xuyên tham gia các buổi hầu đồng và lên chùa sẽ có thể vượt qua mọi cám dỗ của cuộc sống, hướng tâm về ba giá trị cốt lõi Chân – Thiện – Mỹ.

Theo lịch sử phát triển của nhân loại, cách thức truyền tải nhanh nhất vẫn là truyền miệng bởi loài người đã, đang và sẽ sống trong một xã hội cộng sinh. Việc người trẻ truyền tai nhau về văn hóa hầu đồng là cách đơn giản, nhanh chóng và dễ dàng nhất để văn hóa tín ngưỡng này trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. 

Thùy Linh

Xem thêm Phong cách thể thao