Tết Đoan Ngọ: Ngày Tết diệt sâu bọ của người Việt Nam
Vào ngày 5/5 âm lịch, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ dâng lên tổ tiên, thần linh mong một mùa vụ bội thu.
Tết Đoan Ngọ hay còn có tên gọi khác là tết Đoan dương, tết diệt sâu bọ,… được tổ chức vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm. Tết Đoan Ngọ 2023 rơi vào ngày thứ Năm, ngày 22/6 dương lịch.
Theo truyền thống, người dân thường làm mâm cúng Tết Đoan Ngọ dâng lên tổ tiên để thể hiện lòng thành, cầu mong một vụ mùa bội thu, có nhiều sức khỏe và gặp may mắn.
Thủ tục cúng Tết Đoan Ngọ thường gồm trái cây đúng mùa như vải, mận, rượu nếp, bánh tro. Người xưa quan niệm rằng dùng loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng để “giết sâu bọ”. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h trưa tới 13h chiều. Do vậy thời gian cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn nhất là từ 11h – 13h.
Ngoài ra, theo phong tục của từng vùng miền, mâm cúng còn có thêm các lễ vật khác, đặc trưng. Nhưng nhìn chung, cả miền Bắc – Trung – Nam đều có món rượu nếp dâng lên mâm cúng.
Theo TS Nguyễn Trọng Hưng – trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, sâu bọ theo quan niệm của người xưa chính là hệ vi khuẩn trong cơ thể. Con người có hệ vi khuẩn gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn chung sống với nhau. Khi sức đề kháng suy yếu hoặc có các vấn đề về sức khỏe thì hại khuẩn sẽ tăng lên khiến cho hệ miễn dịch suy giảm, rối loạn tiêu hóa.
Có quan niệm cho rằng ăn rượu nếp khi bụng đói sẽ làm cho sâu, bọ trong bụng dễ say lử rồi chết. Còn theo TS Hưng, những nghiên cứu mới đây cũng cho thấy rượu nếp giúp phòng ngừa tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp.
Tết Đoan Ngọ thường đến sau vụ mùa. Vì thế mà mâm lễ cúng Tết diệt sâu bọ tương đối phong phú với nhiều loại nông sản. Tùy theo phong tục, tập quán của từng vùng miền mà đồ cúng lễ có những món khác nhau, tuy nhiên về cơ bản bao gồm:
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ người miền Bắc gồm: Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả như mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối… Bánh tro (Bánh tro làm từ gạo nếp đã được ngâm trong nước tro, gói trong lá chuối. Đây là loại bánh dễ ăn, dễ tiêu, ngon hơn khi ăn cùng với đường hoặc mật), bánh ú, xôi, chè.
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ người miền Trung gồm: Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả như vải, mận…, bánh tro, bánh ú, chè kê là món ăn đặc biệt quen thuộc với những ai gốc Huế.
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ người miền Nam gồm: Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả như vải, mận, chôm chôm,…Bánh ú bá trạng: Bánh bá trạng tương tự bánh tro nhưng to hơn một chút, bánh làm từ gạo nếp và được nhồi nhiều loại nhân sau đó gói trong lá rồi nấu chín bằng cách luộc hoặc hấp.