Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Tập trung giải quyết tốt công tác dinh dưỡng và chăm sóc phục hồi cho các VĐV đỉnh cao

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương tại buổi làm việc với Cục TDTT bàn về công tác huấn luyện tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia (TTHLTTQG).

Tại buổi làm việc ông Nguyễn Anh Minh – Phó Giám đốc TTHLTTQG Hà Nội cho biết: Hiện Trung tâm có 2 địa điểm tập luyện, huấn luyện chính là khu A và khu B. Số lượng đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ tập huấn đông nhất (59 đội tuyển, trong đó có cả tuyển trẻ và tuyển quốc gia) so với 3 TTHLTTQG còn lại. Với điều kiện cơ sở vật chất hiện có, cụ thể là trang thiết bị tập luyện, chỗ ăn ở cho VĐV tại Trung tâm mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của các đội tuyển. Chính vì vậy, để tránh tình trạng quá tải, một số môn và đội tuyển trẻ phải gửi về các đơn vị, địa phương lân cận có cơ sở vật chất tốt phục vụ tập luyện như: Hải Phòng, Hòa Bình, Trung tâm HL&TĐTDTT Hà Nội…

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì buổi làm việc 

Từ nhiều năm qua Trung tâm HLTTQG Hà Nội đang làm rất tốt công tác quản lý VĐV, HLV với một tinh thần nghiêm túc, chu đáo từ công tác huấn luyện đến các điều kiện ăn ở khác. Tuy nhiên, do phải giãn quân ra tập luyện ở nhiều địa điểm khác nhau dẫn đến những khó khăn nhất định trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng chăm sóc và tập luyện của VĐV ở một số môn thể thao.

Trường hợp, để xảy ra về chế độ ăn uống không đảm bảo với đội tuyển Bóng bàn trẻ Việt Nam là ngoài mong muốn. Trước vấn đề này, TTHLTTQG Hà Nội đã nhanh chóng đưa toàn đội về tập luyện tại Trung tâm, đồng thời cử cán bộ chuyên trách hỗ trợ kiểm tra, giám sát quá trình tập luyện và chế độ chăm sóc đội tuyển và hiện đội tuyển Bóng bàn trẻ Việt Nam đã ổn định ăn ở, điều kiện tập luyện tốt.   

Đề xuất về kế hoạch trong thời gian tới của Trung tâm, ông Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh: tiếp tục mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ Cục TDTT, Bộ VHTTDL về công tác quản lý cũng như kịp thời cập nhật, thực hiện đúng các quy định chi trả tiền lương, tiền công cho VĐV, HLV tại Trung tâm theo đúng quy định của Bộ Tài chính .

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt chỉ đạo các đơn vị, phối hợp thực hiện nhiệm vụ 

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Minh đề xuất, trước nhu cầu tập luyện, phục hồi chấn thương, phục hồi thể lực sau mỗi buổi tập của VĐV ngày càng nhiều cũng như để đảm tốt các yếu tố về sức khỏe cho VĐV có được thể lực tốt nhất, Trung tâm mong muốn được Bộ VHTTDL, Cục TDTT đồng thuận, hỗ trợ cho Trung tâm cải tạo, đầu tư thêm trang thiết bị, xây dựng thêm phòng tập thể lực và phòng phục hồi (tắm nóng phục hồi, xoa bóp, trị liệu …) cho VĐV. Ngoài ra, tăng cường hơn nữa chế độ dinh dưỡng không chỉ thông qua bữa ăn thô (ăn cơm hàng ngày) mà có thêm các loại thuốc bổ trợ dinh dưỡng phù hợp đối với từng môn thể thao.

Trong khi đó, cùng bàn về công tác huấn luyện, ông Phạm Thanh Tú – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm HLTTQG TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: Tại trung tâm đang có tổng cộng 32 đội tuyển tập huấn (10 đội tuyển trẻ, 20 đội tuyển quốc gia và 2 đội tuyển khuyết tật – trong đó có 10 đội tuyển gửi tập luyện bên ngoài gồm 3 đội tuyển quốc gia và 7 đội trẻ) tập huấn tại 2 địa điểm là tại Trung tâm và Mũi Né. Tính đến thời điểm này, công tác phố kết hợp trong huấn luyện và quản lý VĐV, HLV đều tốt.

Ông Nguyễn Anh Minh – Phó Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội báo cáo 

Nhằm đảm bảo việc tập huấn mang lại hiệu quả cao hơn, phía Trung tâm đề xuất nên rút ngắn thời gian tập huấn của một số môn để nhường lại ưu tiên cho các đội tuyển trẻ, quốc gia của một số môn trọng điểm.

Về điều này, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chỉ đạo Cục TDTT, cụ thể là Phòng Thể thao thành tích cao 1 và thể thao thành tích cao 2 khẩn trương phối hợp rà soát lại toàn bộ hệ thống các môn thể thao từ cấp độ trẻ đến đội tuyển quốc gia về chất lượng đào tạo, năng lực trình độ của từng VĐV. Nếu trong quá trình kiểm tra, thấy VĐV ở bất kỳ tuyến nào không có dấu hiệu phát triển được thành tích thì đưa về địa phương, đơn vị trực tiếp quản lý để họ có định hướng phát triển phù hợp cho VĐV. Từ đó, góp phần đầu tư dồn lực vào tập trung ưu tiên cho các môn trọng điểm, VĐV có thành tích tốt đang chuẩn bị cho các nhiệm vụ quốc tế quan trọng.

Đối với Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng (có 9 đội tuyển quốc gia tập luyện – 6 đội cố định và 3 đội ngắn hạn) có nhiều điểm thuận lợi khi hầu hết các đội đều tập luyện tại Trung tâm. Riêng môn đua thuyền thì có gửi ra ngoài tập nhưng ăn ở và chăm sóc sức khỏe VĐV đều quay trở về Trung tâm. Chính vì vậy, công tác quản lý, huấn luyện VĐV được đảm bảo, thực hiện nghiêm túc theo quy định.

Ông Nguyễn Ngọc Long – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm HLTTQG Cần Thơ báo cáo

Trung tâm khá chủ động, linh hoạt trong việc xử lý các tình huống liên quan đến thiếu trang thiết bị tập luyện. Khi nhận được đề xuất từ BHL, tổ bộ môn gửi lên Trung tâm giải quyết nhanh chóng, dứt điểm. Do Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng tọa lạc ngay cạnh Trường Đại học TDTT Đà Nẵng nên khá thuận lợi trong việc phối hợp tạo điều kiện để VĐV được thụ hưởng những điều kiện tập luyện tốt nhất, đảm bảo nâng cao thành tích cho VĐV.  

Vấn đề liên quan đến xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện được Trung tâm HLTTQG Cần Thơ đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Ngọc Long – Phó Giám đốc phụ trách TTHLTTQG Cần Thơ cho rằng đây là mong muốn chung của các Trung tâm HLTTQG. Hiện Trung tâm HLTTQG Cần Thơ đang có hai bể bơi, phần bệ mục – điểm xuất phát đã cũ, xuống cấp từ khá lâu không còn phù hợp cho tập luyện, điều này gián tiếp ảnh hưởng tới thành tích của VĐV trong thi đấu, tập luyện. Các VĐV Bơi của tuyển quốc gia chủ yếu tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Cần Thơ – đây cũng là môn thể thao trọng điểm của thể thao Việt Nam chính vì vậy Trung tâm rất mong nhận được sự đầu tư, ủng hộ từ Cục TDTT, Bộ VHTTDL.

Toàn cảnh buổi làm việc 

Đồng thuận về vấn đề này, bà Lê Thanh Huyền- Phụ trách môn Bơi, Cục TDTT lý giải: bục xuất phát ở bể bơi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tính thành tích cho VĐV. Thực tế đã chứng minh, từ nhiều sân chơi quốc tế diễn ra gần đây, nhiều VĐV Bơi Việt Nam đã bị mắc lỗi, hạn chế rất nhiều ở điểm xuất phát – điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tính điểm của VĐV ở từng cự ly bơi khác nhau. Do đó, bộ môn hoàn toàn nhất trí và rất ủng hộ ý kiến đề xuất từ phía Trung tâm HLTTQG Cần Thơ đối với việc đầu tư thêm cơ sở vật chất cho Trung tâm, đặc biệt là hai hồ bơi đang phục vụ chính cho VĐV đội tuyển quốc gia.

Nắm bắt được tình hình thực tiễn, cũng như kế hoạch huấn luyện tại các TTHLTTQG trên cả nước, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chia sẻ và nhất trí với các đề xuất từ phía các Trung tâm. Về phía Bộ VHTTDL ủng hộ chủ trương tu bổ, sửa chữa, bổ sung thiết bị cho các Trung tâm HLTTQG có được điều kiện tốt phục vụ tập luyện của VĐV cấp đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ. Tuy nhiên, để việc này sớm đi vào triển khai và thực hiện được, Thứ trưởng yêu cầu Cục TDTT phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Vụ, phòng chức năng rà soát chặt chẽ, xây dựng phương án và đưa vào kế hoạch công tác năm 2024 để sớm điều chỉnh, giải quyết kịp thời. Tất cả hướng đến mục tiêu vì sự phát triển của Thể thao Việt Nam, những việc còn tồn đọng và chưa làm tốt trong thời gian qua cần sớm rút kinh nghiệm, thẳng thắn nhìn vào những điểm còn hạn chế, yếu kém để tìm cách tháo gỡ, giải quyết dứt điểm.

Tiếp thu trước những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt khẳng định: Với những kế hoạch, chương trình đã được xây dựng từ trước, cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ trong buổi làm việc hôm nay, Cục TDTT sẽ chỉ đạo các phòng chức năng và phối hợp cùng các Trung tâm rà soát chặt chẽ hơn nữa, đánh giá lại toàn bộ công tác huấn luyện, tuyển chọn, chăm sóc VĐV đỉnh cao và tuyến trẻ, năng khiếu để từ đó đưa ra kế hoạch phát triển phù hợp nhất trong công tác năm 2024.

Bài N.H, Ảnh: V. Duy

Xem thêm Thể thao