“Cỗ xe tam mã” đã nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm của mình
Phát biểu trước phiên chấn vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Bộ VHTTDL ý thức đầy đủ rằng, đây là cơ hội để kiểm điểm, đánh giá lại ngành mình trước Quốc hội và cử tri cả nước. Đồng thời, thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế khó khăn, báo cáo với Quốc hội để có sự chia sẻ, có nhiều giải pháp giúp ngành phát triển hơn.
Theo Bộ trưởng, bước vào thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ, Bộ cũng như nhiều Bộ, ngành, địa phương khác, bên cạnh thuận lợi còn nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành Trung ương, của cử tri cả nước, Bộ VHTTDL đã nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm của mình trên phương diện quản lý nhà nước ở cả 3 lĩnh vực.
“Nói một cách hình ảnh, VHTTDL như “cỗ xe tam mã”, trong đó văn hóa với vai trò giữ dây cương, du lịch mang đậm dấu ấn sản phẩm văn hóa, thể thao thì sức khỏe con người là chủ thể để xây dựng kiến tạo bảo vệ Tổ quốc”, Bộ trưởng nói và cho biết thời gian qua, Bộ đã quyết tâm chỉ đạo toàn diện cả 3 lĩnh vực này với phương châm thực hiện xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ là: “Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến”.
Bộ trưởng khẳng định, việc tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 để triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đề ra về văn hóa đã mang lại động lực mới cho toàn ngành, chính vì vậy trên lĩnh vực Văn hóa đã có sự chuyển biến về nhận thức, hành động. “Cán bộ văn hóa đã tích cực, chủ động tham mưu để các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chỉ đạo nhiều giải pháp để phát triển ngành Văn hóa. Đến thời điểm này, đã có 63 tỉnh, thành đã có chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, nhiều địa phương không chỉ chuyển biến bằng cách ban hành Nghị quyết mà đã dành các nguồn lực để đầu tư cho văn hóa với tổng mức đầu tư vượt 2% ngân sách. Nhiều địa phương khó khăn cũng đã tăng mức đầu tư ngân sách lên 17% cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, môi trường văn hóa được tập trung, chú trọng xây dựng. Từ đó có thể nói những hướng đi đúng, cách chọn việc phù hợp đã nhận được hưởng ứng cao.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, văn hóa là lĩnh vực rộng, cần phải được tác động từ nhiều ngành nhiều cấp. Hiện nay còn có những biểu hiện xuống cấp, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp. Có những việc không mới, được đặt ra từ trước, nhưng để tổ chức thực hiện đòi hỏi những giải pháp đồng bộ.
Du lịch đã có bước phục hồi, phát triển sau đại dịch, lượng khách nội địa tăng, khách quốc tế bắt đầu tìm đến nhiều địa phương. Chúng ta đã hoàn thành cơ bản chỉ tiêu số lượt du lịch nội địa, đang phấn đấu tổng lượng khách du lịch quốc tế. Nhưng nét mới hơn là cách tính toán đã chú ý nhiều đến chi tiêu của du khách chứ không thuần túy tính lượt khách, qua đó đã có sự tính toán cụ thể hơn về hiệu quả của ngành kinh tế mũi nhọn này.
Bộ trưởng nhấn mạnh, có giá trị không đo đếm được qua hoạt động du lịch khi những sự kiện văn hóa đồng thời được tổ chức, tạo ra điểm đến về du lịch hấp dẫn như: Lễ hội tiếng hát Làng Sen, Liên hoan đờn ca tài tử, Liên hoan tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông, Liên hoan tiếng hát công nhân…”Ở đó du khách đã được đến tham quan, thưởng ngoạn, mà trong chiều sâu đã tăng thêm tình yêu quê hương đất nước, như lời bài hát Lời bác dặn trước lúc đi xa của nhạc sỹ Trần Hoàn: “Muốn yêu tổ quốc mình hãy yêu thắm thiết những khúc hát dân ca”. Như vậy, có thể nói đã mang lại hiệu ứng tích cực gắn văn hóa với du lịch, du lịch bắt đầu từ những sản phẩm văn hóa”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh những kết quả có tính chất khái quát, Bộ trưởng cho biết, ngành VHTTDL đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Nhóm du lịch đang trăn trở để tăng được lượt khách quốc tế, đảm bảo tính bền vững khách nội địa, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách, du lịch dựa trên những sản phẩm nào. Đây là bài toán của toàn ngành thời gian qua và Bộ cũng đã tăng cường công tác tham mưu để lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực này.
Lĩnh vực thể thao thành tích cao và quần chúng được tiến hành một cách song song và bài bản. Thành công của SEA Games 31 trên nhiều phương diện đã mang lại hiệu ứng tốt để góp phần việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trên tinh thần sẻ chia, xây dựng, qua đó để ngành VHTTDL hoàn thành trách nhiệm của mình trong thời gian tới.
Tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng môi trường văn hóa
Nhóm vấn đề trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bao gồm: Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch; công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hộ; việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch…
Trả lời phần tranh luận của đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) về việc không làm trẻ hóa, biến dạng di tích sau khi trùng tu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo qui định của Luật Di sản và các qui định pháp luật khác, trách nhiệm trong việc trùng tu di tích thuộc về các địa phương; Bộ VHTTDL chỉ có vai trò trong việc thẩm định, giám sát và xác định việc có xâm hại hay không xâm hại các vùng của di tích; các nội dung khác trách nhiệm chính là địa phương. “Về các sai trái trước đây, Bộ đã phát hiện để chấn chỉnh uốn nắn, sửa chữa. Nếu sai phạm lớn, Bộ sẽ đề nghị xử lý và phải có cam kết sẽ tu bổ trả về nguyên trạng. Nếu địa phương nào làm sai sẽ xử lý theo Luật Di sản và quy định hiện hành khác”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) về vấn đề đáng quan tâm nhất là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là vấn đề liên quan đến nhiều cấp, ngành, trong đó Bộ VHTTDL thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Thời gian qua Bộ đã chuyển tư duy từ làm văn hoá sang quản lý nhà nước bằng văn hoá, Bộ cũng đã xác định chủ đề Năm công tác 2022 là “Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở và công tác cán bộ”; xác định thôn văn hoá, khóm, ấp văn hoá là nơi nuôi dưỡng, hình thành nếp sống văn hoá… Từ đó sẽ góp phần làm giảm các hiện tượng xuống cấp về đạo đức xã hội, lệch chuẩn văn hoá…
“Bộ chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội ban hành các luật về vấn đề này; tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định, quyết định. Bên cạnh đó, giải pháp căn cơ là Bộ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành khác bằng các chương trình liên kết để chủ động thực hiện. Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã ký kết với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng văn hóa giao thông; ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng văn hóa học đường; với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân. “Chúng tôi muốn tạo ra sức mạnh từ sự tham gia, vào cuộc của các ngành, các cấp cùng Bộ VHTTTDL trong việc xây dựng môi trường văn hóa”, Bộ trưởng nói.
Trả lời câu hỏi liên quan đến lĩnh vực gia đình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL có Vụ Gia đình thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về gia đình. Tuy nhiên gia đình là lĩnh vực giao thoa, chịu sự tác động của nhiều cơ quan và bị chi phối bởi nhiều bộ luật khác nhau chứ không chỉ có Luật Phòng ,chống bạo lực gia đình. Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL cũng đã triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc trong tình hình mới theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn giữa các đơn vị. “Làm sao giữ được truyền thống, nói gọn là giữ được nếp nhà để trong gia đình, ông bà nêu gương, con cháu hiếu thảo, biết ơn người sinh thành, sống có trách nhiệm, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp tích cực phục hồi phát triển du lịch
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) và cũng là câu hỏi của nhiều đại biểu về giải pháp phục hồi du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành Du lịch là ngành chịu tác động nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19. Tổ chức Du lịch thế giới đã thống kê du lịch quốc tế thiệt hại khoảng 24.000 USD trong khi đó du lịch Việt Nam, dù chưa có con số thống kê chi tiết nhưng sự thiệt hại là rất lớn, các hoạt động hầu như đóng băng. Chỉ từ khi Chính phủ cho phép du lịch mở cửa trở lại vào ngày 15.3 thì du lịch mới đang phục hồi trở lại trong đó lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 6 tháng đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cả năm 2022 trong khi lượng khách quốc tế năm nay đã đạt gần 1 triệu lượt, tăng 10 lần so với năm 2021, cho thấy thị trường đã ấm lên.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, trong lúc lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều, Việt Nam đã đẩy mạnh du lịch nội địa bằng các chính sách kích cầu, lấy du lịch nội địa làm bệ đỡ cho sự phục hồi trở lại của ngành du lịch. Nhiều địa phương đã phục hồi tốt như Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hoá. Bộ trưởng cũng đánh giá, dù lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều nhưng đã hơn một số nước trong khu vực như Philippines, Campuchia, Indonesia và kém Thái Lan, Malaysia…
Cũng theo Bộ trưởng, sau đại dịch, các doanh nghiệp lữ hành cần thời gian để kết nối lại thị trường; các địa phương cũng cần làm mới sản phẩm du lịch để phù hợp với thị hiếu mới của du khách sau dịch; việc đào tạo nguồn nhân lực; sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú cũng cần thời gian để thực hiện.
Về các giải pháp để phục hồi du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế, Bộ trưởng cho biết, sau đại dịch do nhân lực ngành du lịch đang dịch chuyển nên Bộ VHTTDL đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch không khói; chú ý nhiều hơn đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nhất là sản phẩm du lịch văn hoá. “Nếu so sánh lợi thế thì Việt Nam có nhiều lợi thế về văn hoá nên khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ phục vụ nhu cầu ăn nghỉ mà còn muốn tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam. Do đó chúng ta cần đưa ra các sản phẩm phù hợp để thu hút du khách”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới Bộ sẽ chủ trì phối hợp cùng các địa phương sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triểu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; hoàn thành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Bộ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, biện pháp hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp phục hồi, phát triển du lịch (Hoãn nợ, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi; đầu tư sửa chữa, duy tu các khu di tích, quần thể du lịch, dịch vụ du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh); phát huy vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch, phát triển sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá.
“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và người dân. Trong trách nhiệm của mình, Bộ VHTTDL đang phối hợp, liên kết với các bộ, ngành, địa phương trong việc phục hồi, phát triển du lịch. Chúng tôi hi vọng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng lên”, Bộ trưởng nói và cho biết, việc du khách quốc tế có quay trở lại Việt Nam nhiều hay không còn phụ thuộc vào chính sách mở cửa sau dịch của các quốc gia, việc mở cửa trở lại các đường bay quốc tế…
Trả lời câu hỏi của đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) về các giải pháp phát huy giá trị văn hoá lịch sử, nét đặc sắc về văn hoá của mỗi vùng, miền trong việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 nêu 9 nhóm giải pháp. Bộ đang hướng đến hai việc là phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đa dạng, phù hợp thị hiếu mới của du khách, nhất là du lịch trải nghiệm. Phương châm là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mới; kết nối các thị trường du lịch đưa khách đến. Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng được xác định là trung tâm điều phối khách đến các vùng miền…
Cùng tham gia giải trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
“Bộ trưởng Bộ VHTTDL nắm chắc vấn đề và đề ra được nhiều giải pháp khắc phục trong thời gian tới”
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm của Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: đã có 19 đại biểu phát biểu và 7 lượt đại biểu tranh luận,hiện còn 30 đại biểu đăng ký phát biểu. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu chưa phát biểu gửi câu hỏi chất vấn tới bộ phận thư ký, Bộ trưởng Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan trả lời đầy đủ bằng văn bản. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, có thể đánh giá rằng, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng trách nhiệm cao, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cơ bản đi vào các nội dung chất vấn đã đề ra. “Bộ trưởng Bộ VHTTDL nắm chắc tình hình, thực trạng, nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế đã trả lời những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý và đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ VHTTDL triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, như sửa đổi Luật Di sản văn hóa; nghiên cứu xây dựng Luật về nghệ thuật biểu diễn; xây dựng văn bản quy phạm điều chỉnh lĩnh vực văn hóa; nghiên cứu xây dựng Đề án hoặc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần sớm ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, nghiên cứu, đề xuất các công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật xứng tầm, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước 2045. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa và công nghiệp văn hóa. Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Tăng cường hợp tác giao lưu về văn hóa, xúc tiến quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Đối với việc bảo tồn và phát huy di sản, đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện tốt công tác kiểm kê, xếp hạng, ghi danh quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, di tích. Triển khai các biện pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời quan tâm bố trí đầy đủ, kịp thời ngân sách và có chính sách xã hội hóa hợp lý để thu hút đầu tư cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó phân bổ đủ kinh phí thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát phối hợp với các địa phương trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử và văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ VHTTDL tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng nếp sống văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống, nhất là cho thế hệ trẻ, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử. Xây dựng, hoàn thiện các bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, tổ chức, cộng đồng, địa bàn dân cư và cả trên không gian mạng. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực, hiệu lực đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở thực hiện tốt chính sách, chế độ phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ về phát triển du lịch, như Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn cả về môi trường du lịch, hạ tầng du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch. Tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên ngành để phát triển du lịch; khẩn trương ban hành quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tổ chức triển khai thực hiện cơ chế chính sách về phục hồi, phát triển du lịch theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình này. Rà soát, đánh giá việc triển khai Luật Du lịch năm 2017 và pháp luật có liên quan, chú trọng cụ thể hóa các quy định về tăng cường hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch. Sớm cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, quản lý chặt chẽ, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của quỹ. Có chính sách ưu tiên phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện tốt chính sách, nhiệm vụ phát triển sản phẩm du lịch mới, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số liên kết, hợp tác trong và ngoài nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh. Khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa để phát triển du lịch theo hướng bền vững.