Sau nhiều lần bị hoãn và thay đổi lịch, Olympic 2021 có thể không diễn ra tại Tokyo
Cuối tháng 3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch ICO Thomas Bach đã đồng thuận lùi Olympic 2020 sang năm 2021. Ngày khai mạc của sự kiện này được ấn định vào 23/7/2021. Khi đó, tuyên bố của IOC và BTC Olympic 2020 cho biết: “Chủ tịch IOC và Thủ tướng Nhật Bản đã kết luận rằng Thế vận hội được dời sang năm sau nhưng không muộn hơn mùa hè năm 2021 để bảo vệ sức khỏe của các vận động viên, thành viên tham gia Thế vận hội”.
Tuy nhiên, mới đây ông Yoshiro Mori – Chủ tịch Ủy ban Olympic Tokyo 2020 trong một cuộc phỏng vấn đã cho biết nếu sang năm 2021 mà đại dịch Covid-19 vẫn không được kiểm soát thì Thế vận hội sẽ bị hủy. Cụ thể hơn, trả lời câu hỏi “Liệu thế vận hội có thể bị trì hoãn đến năm 2022 hay không nếu đại dịch chưa được kiểm soát vào năm tới”, ông Yoshiro Mori cho biết: “Không. Trong trường hợp đó, nó sẽ bị hủy bỏ”.
Ông Mori cho biết thêm trước đây Thế vận hội từng bị hủy bỏ bởi chiến tranh và giờ đây thế giới đang trong cuộc chiến chống lại một “kẻ thù vô hình” – đó chính là đại dịch Covid-19. Vị chủ tịch Ủy ban Olympic Tokyo 2020 nêu rõ: “Nếu virus SARS-CoV-2 được ngăn chặn thành công thì chúng ta sẽ tổ chức Thế vận hội trong hòa bình vào mùa hè năm sau. Nhân loại đang đặt cược vào cuộc chiến này”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất trên BBC, Keith Mills – Phó chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympics London 2012 nhận định, ông không tin vào khả năng có thể tổ chức sự kiện này và nếu ông là người phụ trách vấn đề này thì ông sẽ chuẩn bị cho khả năng hủy Olympic tại Nhật Bản. Ông Mills nói: “Xét tới tình hình đại dịch Covid-19 ở khắp thế giới, ở Nam Mỹ, Bắc Mỹ, châu Phi và châu Âu, tôi phải nói rằng nó Olympics ở Nhật Bản nhiều khả năng không thể diễn ra. Nếu tôi ngồi vào vị trí của ban tổ chức Olympic Tokyo, tôi sẽ lập kế hoạch hủy bỏ sự kiện và chắc chắn họ cũng có kế hoạch hủy bỏ. Ban tổ chức có thể chờ đến phút cuối, mong tình trạng cải thiện hoặc hy vọng vaccine Covid-19 phổ biến hơn. Họ có khoảng 1 tháng nữa trước khi đưa ra quyết định”.
Theo ông Mills, vấn đề không chỉ nằm ở số ca nhiễm Covid-19 ở Tokyo mà còn ở các nước tham dự Olympic. Ông cho rằng thách thức hiện nay là đảm bảo đủ số lượng vận động viên có thể đến Nhật Bản và tham gia vào các cuộc thi đấu.
Thực chất, ông Keith Mills không phải chuyên gia đầu tiên nghi ngờ vào khả năng tổ chức Olympic Tokyo 2021. Ngay sau khi có quyết định hoãn Thế vận hội hồi tháng 3/2020, giới chuyên môn đã có nhiều nhận định trái chiều. Điển hình như người đứng đầu Hiệp hội Y khoa Nhật Bản (JMA), ông Yoshitake Yokokura cũng đứng về “phe bi quan”. Ông Yokokura thừa nhận, dịch bệnh Covid-19 là vấn đề toàn cầu, trừ khi có một loại vaccine hiệu quả được phổ biến.
Giáo sư Kentaro Iwata của Đại học Kobe cũng đồng tình quan điểm này, nhưng đưa ra thêm biện pháp kêu gọi Nhật Bản chấp nhận tổ chức không khán giả hay tham gia hạn chế. Suốt gần một năm cân nhắc suy tính, Chính phủ Nhật Bản vẫn nghiêng về phương án tổ chức sự kiện, bất chấp nghi ngại từ người dân. Tờ Yomiuri đưa tin, nhà nước đang tính tới khả năng tiêm chủng cho hơn 125 triệu dân vào thời điểm Thế vận hội Tokyo dự kiến bắt đầu. Tuy nhiên, kế hoạch phải triển khai theo đợt, tùy thuộc vào tình trạng sẵn có của lượng vaccine. Trên hết, những quy tắc chung mới là điều được Chính phủ nghiên cứu kỹ.
Nhà bình luận chính trị Jeff Kingston, giáo sư tại Đại học Temple của Nhật Bản, nhận định tổ chức Olympic Tokyo lúc này là “điên rồ”. Viết trên tờ Washington Post (Mỹ), giáo sư Kingston lo ngại Olympic Tokyo có thể trở thành môi trường “siêu lây lan” cho dịch Covid-19.
Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) Sebastian Coe chia sẻ: “Tôi không nghĩ Thế vận hội sẽ bị hủy bỏ. Đó là một thách thức lớn nhưng Nhật Bản đang thể hiện sự kiên cường. Tôi biết ơn rằng, Nhật Bản đang cố gắng giải quyết vấn đề. Đối với tôi và các vận động viên, đó sẽ là một trải nghiệm khác biệt. Tôi nghĩ Thế vận hội sẽ diễn ra nhưng sẽ rất khác thông thường”.
Cũng trong buổi phỏng vấn trên, ông Mori cũng cho rằng các nhà tổ chức nên xem xét việc sắp xếp làm chung lễ khai mạc cũng như bế mạc cho Olympic và Paralympic (đại hội thể thao thế giới dành cho người khuyết tật) để tiết kiệm chi phí. Theo đề xuất này, cả 2 sự kiện trên sẽ có lễ khai mạc cùng vào ngày 23/7/2021 (thời điểm Olympic 2020 dự kiến được bắt đầu) và lễ bế mạc vào tháng 9/2021 (thời điểm Paralympc 2021 dự kiến kết thúc).
Nhật Bản hiện tại đang có 13.614 người nhiễm Covid-19, 1.899 người khỏi bệnh và 386 người tử vong. Vào đầu tháng 4, nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, trong đó có khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh là Tokyo. Sau đó, tình trạng khẩn cấp được mở rộng ra toàn quốc và sẽ có hiệu lực ít nhất đến ngày 6/5/2021.
Thế vận hội mùa hè Tokyo là lần đầu tiên trong lịch sử bị hoãn lại trong thời bình. Sự kiện này được cho là sẽ diễn ra vào mùa hè năm 2020, nhưng do sự lây lan của đại dịch Covid-19, IOC đã thông báo hoãn Thế vận hội và Paralympic tại Nhật Bản từ năm 2020 sang năm 2021.