Xin ông cho biết đôi nét về công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 của Việt Nam cho đến thời điểm này?
Với tư cách là nước chủ nhà, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành TDTT đã luôn bám sát chủ trương của các cấp có thẩm quyền và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11. Ngay từ giữa năm 2020, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát hệ thống cơ sở vật chất ở tất cả các địa điểm thi đấu cũng như làm việc với các Ban tổ chức địa phương để từ đó bàn thảo, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất đón các đoàn sang tham dự SEA Games 31.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 cũng được ngành TDTT đặc biệt chú trọng, các VĐV của chúng ta đã và đang nỗ lực tập luyện tại các Trung tâm HLTTQG trên toàn quốc. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên không chỉ có các VĐV của chúng ta mà các VĐV của các nước trong khu vực Đông Nam Á hầu như không thể tham gia các chuyến tập huấn ngắn hạn và dài hạn cũng như đi thi đấu cọ xát tại các giải quốc tế. Điều nay ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chuyên môn của các VĐV tham dự Đại hội.
Mặc dù công tác chuẩn bị SEA Games 31 luôn được các bộ, ban, ngành, các địa phương nỗ lực triển khai nhưng trong bối cảnh dịch bệnh công tác chuẩn bị phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam đang phải dồn sức chống dịch. Vì vậy, để đảm bảo những điều kiện tốt nhất cũng như đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các thành viên của các đoàn tham dự SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11, ngành TDTT đang theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh cũng như tham khảo ý kiến của các quốc gia trong khu vực để tham mưu, đề xuất phương án tổ chức phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.
Vậy theo ông, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn nào nếu tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay?
Theo ước tính của Ban tổ chức, SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 dự kiến sẽ đón khoảng gần 25.000 người là các VĐV, HLV, quan chức, trọng tài, phóng viên và các du khách cũng như cổ động viên các nước. Số lượng người khá lớn tham gia vào cùng thời điểm đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh không chỉ đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì việc đảm bảo an toàn cho các thành viên tham dự sẽ là thách thức lớn cho Ban tổ chức nước chủ nhà. Bởi sẽ có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết như: tìm địa điểm phù hợp để có thể cách ly một số lượng người đông như vậy ở đâu sao cho phải đảm bảo được điều kiện về hạ tầng cơ sở, điều kiện sức khỏe để các VĐV ở các nước trong khu vực vào Việt Nam vừa cách ly vừa có thể tập luyện.
Bên cạnh đó, địa điểm tổ chức SEA Games 31 lại diễn ra ở 12 tỉnh, thành phố, đồng thời chúng ta cũng không có làng vận động viên nên thành viên các nước tham dự Đại hội sẽ lưu trú trên 40 khách sạn và di chuyển liên tục đến các địa điểm thi đấu. Điều nay sẽ gây áp lực lớn cho nước chủ nhà trong công tác phòng, chống dịch tại các khách sạn cũng như trên các phương tiện giao thông.
Tổ chức vào thời điểm dịch bệnh cũng sẽ phát sinh rất nhiều chi phí cho việc cách ly, xét nghiệm, phòng, chống dịch, điều trị khi các trường hợp nhiễm bệnh (bố trí cơ sở cách ly, bệnh viện, điều chỉnh địa điểm tổ chức thi đấu…) trong khi đó những nguồn lực này chưa được dự toán trong đề án tổ chức SEA Games.
Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo an toàn sức khỏe tuyệt đối cho các thành viên các đoàn tham dự, chính vì vậy chúng tôi đang cân nhắc bàn thảo rất nhiều phương án để chọn ra phương án tối ưu nhất.
Trong bối cảnh khó khăn như trên, cho đến thời điểm này ngành TDTT đã lựa chọn phương án nào, thưa ông?
Trong những ngày qua, ngành TDTT đã triển khai nhiều buổi họp với các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực TDTT cũng như tham khảo ý kiến của các nước trong khu vực Đông Nam Á về vấn đề này. Cùng với đó, ngành TDTT cũng đã gửi xin ý kiến của các Bộ, ngành, các địa phương đăng cai tổ chức về các phương án tổ chức SEA Games trong tình hình hiện nay.
Mặt khác, chúng tôi cũng đã gửi văn bản tới Uỷ ban Olympic các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để trưng cầu ý kiến về các phương án tổ chức SEA Games, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Và ngày 9/6, Văn phòng điều phối Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á và BCH Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đã có cuộc họp để bàn về các phương án tổ chức SEA Games. Tại cuộc họp này, các đại biểu đại diện cho 11 Ủy ban Olympic quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã thông báo tình hình dịch bệnh Covid-19 ở mỗi nước,trao đổi, thảo luận và đề xuất giải pháp về việc lùi thời gian tổ chức SEA Games 31 do dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp
Về việc lùi thời gian tổ chức SEA Games 31, nhiều đại biểu cho rằng cần có thời gian để đưa ra quyết định vì hầu hết Chính phủ các nước đã phê duyệt kinh phí để tuyển chọn, tập huấn và đào tạo VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020 và SEA Games 31. Nếu thay đổi thời gian, các nước cần báo cáo Chính phủ xem xét lại việc điều chỉnh và cấp kinh phí để tham dự SEA Games 31 và nhiều đại hội thể thao quốc tế lớn trong năm 2022. Nhiều ý kiến cũng quan ngại về diễn biến của dịch Covid-19 tại khu vực và thông cảm với điều kiện dịch bệnh tại Việt Nam đang phức tạp. Nếu tổ chức SEA Games 31 trong năm 2021 là khó khả thi để đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam và các đoàn thể thao tham dự Đại hội. Đây là vấn đề cần có thời gian để báo cáo lãnh đạo các cấp ở mỗi nước và Chính phủ về việc điều chỉnh kinh phí tập huấn tham gia Đại hội cũng như kinh phí chuẩn bị tổ chức Đại hội của chủ nhà Việt Nam. Việc lùi thời gian sang năm 2022 cũng cần được tính toán phù hợp, tốt nhất là trong sáu tháng đầu năm 2022 để Campuchia có thời gian tổ chức SEA Games 32 từ ngày 5-17/ 5/2023.
Căn cứ vào ý kiến từ các Bộ, ngành cũng như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời nghiên cứu tình hình diễn biến dịch bệnh, ngành TDTT sẽ sớm báo cáo Chính phủ xem xét về phương án tổ chức SEA Games phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Theo Vân Anh