Trong suốt quá trình luyện tập, trước, trong và sau khi chơi thể thao, chúng ta cần chú ý bổ sung nước đầy đủ cho cho cơ thể.
Đồ uống thể thao được pha chế đặc biệt để giúp vận động viên (VĐV) bù nước trong hoặc sau khi tập luyện, thi đấu. Chúng thường chứa giàu carbohydrate – nguồn bổ sung năng lượng hiệu quả với VĐV. Bên cạnh đó, đồ uống thể thao còn chứa các chất điện giải, khoáng chất, những thứ mất đi khi VĐV đổ mồ hôi. Việc bù đắp chất điện giải giúp cơ thể giảm mệt mỏi, điều hòa nhịp tim.
Về cơ bản, có 3 loại đồ uống thể thao gồm: Isotonic, Hypertonic và Hypotonic được phân loại dựa trên nồng độ muối và đường.
Khi tập luyện thể dục thể thao, nhiệt độ cơ thể tăng cao và mồ hôi chảy ra giúp cân bằng thân nhiệt. Hiện tượng toát mồ hôi không chỉ khiến cơ thể mất nước mà còn gây thất thoát lượng đang kể các chất điện giải như natri, canxi, kali, magie… Để bù lại lượng mồ hôi đã mất, nhiều người chỉ dùng loại nước lọc thông thường.
Theo các chuyên gia về y học thể thao, khi tập luyện thể dục thể thao, nước lọc là lựa chọn tốt để bù nước cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều nước lọc, cơ thể dễ xảy ra tình trạng mất cân bằng điện giải, hay còn được gọi là nhiễm độc nước. Vì thế, để giảm nguy cơ này, chúng ta nên sử dụng hợp lý giữa nước lọc và các loại đồ uống thể thao hoặc nước có bổ sung các chất điện giải.
PGS-TS Võ Tường Kha – Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, nước uống thể thao là đồ uống chứa carbohydrate – bổ sung năng lượng và các chất điện giải, vitamin, khoáng chất – giúp cơ thể giảm mệt mỏi, điều hòa nhịp tim, dành cho vận động viên thi đấu thể thao hoặc người luyện tập thể thao với cường độ vừa và mạnh.
PGS-TS Võ Tường Kha hướng dẫn, trong suốt quá trình luyện tập, trước, trong và sau khi chơi thể thao, chúng ta cần chú ý bổ sung nước đầy đủ cho cho cơ thể. Nguyên tắc là cần bù nước mọi lúc, mọi nơi. Trước khi chơi thể thao thì nên uống một cốc nước để dự phòng mất nước; trong khi tập luyện thì cứ 15 phút uống 1 lần với lượng nước từ 100 -200ml.
PGS-TS Võ Tường Kha giải thích thêm người béo phì, người muốn giảm cân vẫn có thể sử dụng nước thể thao trong quá trình tập luyện. “Kiểm soát vấn đề béo phì là do chế độ ăn uống và luyện tập. Nếu như sau khi tập luyện mà bổ sung đầy đủ năng lượng bằng chế độ dinh dưỡng rồi nhưng vẫn tiếp tục dùng các nước thể thao có bổ sung năng lượng thì có thể dẫn đến dư thừa lượng calo nạp vào cơ thể và dẫn đến tăng cân. Tuy nhiên, nếu chỉ bổ sung bằng các nước chứa các chất điện giải, vitamin và muối khoáng thì không lo nguy cơ béo phì”
Đặc biệt, trong quá trình tập luyện, dù rất khát nước song chúng ta cũng không nên uống quá nhiều một lúc. Khi đưa một lượng nước lớn vào có thể sẽ khiến dạ dày bị tăng thể tích, gây ra cản trở hô hấp, giảm thông khí phổi và giảm cung cấp oxi cho các cơ quan, tổ chức của cơ thể, dẫn đến giảm thành tích hoặc khả năng vận động.