Nhận cuộc gọi từ iPhone, gửi hình bằng AirDrop là một số lợi ích khi sử dụng chung iPhone với máy tính Mac.
Cùng nằm trong hệ sinh thái của Apple, iPhone và các máy tính Mac (iMac, MacBook, Mac Pro, Mac mini) được trang bị nhiều tính năng kết nối, đồng bộ dữ liệu hữu ích mà không phải hãng nào cũng có.
Nếu đang sử dụng iPhone, đây là lý do người dùng nên chọn mua máy tính chạy macOS thay vì hệ điều hành khác.
Người dùng Mac có thể nhận cuộc gọi, tin nhắn từ iPhone. Ảnh: Pocket-lint.
Đồng bộ cuộc gọi, tin nhắn từ iPhone
Từ năm 2014, Apple đã bổ sung cho Mac tính năng đồng bộ tin nhắn, cuộc gọi từ iPhone. Khi đăng nhập chung tài khoản iCloud, tin nhắn và nhật ký cuộc gọi trên iPhone sẽ xuất hiện trong ứng dụng Messages và FaceTime trên máy Mac.
Không chỉ hiện nội dung, cuộc gọi và tin nhắn trên iPhone có thể được nhận và gửi ngay trên máy Mac mà không cần nhấc điện thoại lên. Nếu nhận được số điện thoại trên máy tính, người dùng có thể nhấn gọi ngay thay vì phải nhập lại số trên iPhone.
Apple cho phép tùy chỉnh việc hiển thị thông báo cuộc gọi và tin nhắn, thậm chí tắt tính năng đồng bộ trên máy Mac nếu không cần thiết.
AirDrop cho phép chuyển file giữa các thiết bị Apple, bao gồm máy tính Mac. Ảnh: iMore.
Chuyển dữ liệu bằng AirDrop và iCloud
Một trong những tính năng phổ biến trên iPhone là AirDrop, cho phép chuyển file đến những iPhone khác. Tuy nhiên, AirDrop cũng được hỗ trợ trên macOS. Với tính năng này, người dùng có thể gửi dữ liệu từ iPhone sang máy tính Mac và ngược lại, không cần dây cáp hoặc ứng dụng hỗ trợ.
Ngoài ra, dữ liệu lưu trên iCloud cũng sẽ được đồng bộ đến tất cả thiết bị Apple, gồm máy tính Mac. Nếu bật sao lưu iCloud trên iPhone, hình ảnh và dữ liệu trên điện thoại có thể được truy cập trên máy Mac.
Ngoài AirDrop và iCloud, Apple còn trang bị tính năng tên Handoff để đồng bộ ứng dụng giữa iPhone và Mac nếu được hỗ trợ. Ví dụ nếu đang lướt web bằng Safari trên iPhone, người dùng có thể nhấn vào biểu tượng Safari trên macOS để tiếp tục truy cập trang web ấy.
Website truy cập trên iPhone có thể được mở trên máy Mac bằng một nút bấm. Ảnh: iMore.
Một tính năng khác là Continuity Camera cho phép người dùng chụp ảnh từ iPhone rồi chèn nhanh vào các ứng dụng trên Mac như Mail, Messages, Notes… Còn với Universal Clipboard, nội dung văn bản có thể được sao chép giữa các thiết bị.
Trên iPad, Apple còn hỗ trợ tính năng Sidecar để biến thiết bị thành màn hình ngoài cho máy Mac, mở rộng không gian làm việc.
Đồng bộ thông tin ghi chú, thanh toán
Do được tích hợp với Apple ID, dữ liệu lưu trên tài khoản cũng sẽ được đồng bộ giữa iPhone và máy Mac một cách tự động. Email, ghi chú, thông tin thanh toán và mật khẩu đều được lưu và có thể xem giữa nhiều thiết bị, giúp người dùng tiết kiệm thời gian.
Nội dung mua từ kho của Apple như sách, nhạc, phim từ iPhone cũng sẽ hiện trên máy Mac để thưởng thức. Nếu sử dụng máy Mac với chip xử lý M1, người dùng còn có thể cài ứng dụng đã mua từ iPhone rồi sử dụng trên máy mà không phải mua lại từ đầu.
Tất nhiên, có một số ứng dụng cho phép đồng bộ dữ liệu, thậm chí smartphone Android có thể đồng bộ với máy tính Windows. Dù vậy, hệ sinh thái của Apple vẫn được xem là mượt mà, hoạt động hiệu quả sau nhiều năm phát triển và nâng cấp.