Người thầy giỏi theo tôi phải là người hiểu biết sâu sắc và rộng rãi, biết cách truyền thụ làm cho học sinh ghi nhớ mãi mãi những điều học được và hơn ai hết phải là những tượng đài trong lòng từng học sinh về đạo đức và lòng yêu nghề, mến trẻ. Thầy cô giáo là một trong những nhân tố quyết định nhất để đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục nước nhà.
Thế hệ những bạn bè thân thiết của tôi từ thuở thiếu thời rất may mắn vì được học toàn các thầy giỏi. Đó là các bạn Hồ Ngọc Đại, Ma Văn Kháng, Hoàng Tiến, Hàn Liên Hải, Cù Thu Hoạch, Vương Thị Hanh… Hồi đó chúng tôi được học tại Khu học xá ở Nam Ninh , Trung Quốc. Bác Hồ vì nhìn xa, trông rộng đã chuẩn bị đào tạo các thế hệ cán bộ (chủ yếu là giáo viên) sau ngày chiến thắng thực dân Pháp . Bác đã nhờ Đảng và Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ chúng ta về điều kiện vật chất để đào tạo hàng vạn thanh thiếu niên tại các Khu học xá ở Nam Ninh, Quế Lâm, Lư Sơn. Nhiều nhà lãnh đạo sau này như Vũ Mão, Nguyễn Đình Tứ, Đặng Hữu, Vũ Khoan, Đỗ Quốc Sam, Lê Quang Long, Phạm Quốc Anh, Vũ Quốc Hùng, trung tướng Phạm Văn Dần… đều đã được đào tạo tại những nơi này. Điều làm tôi ghi nhớ mãi mãi là chúng tôi may mắn được học các thầy hết sức mẫu mực và tài giỏi. Đó là các thầy Hoàng Tụy (toán), Hoàng Như Mai (văn), Lê Bá Thảo (địa), Trần Văn Khang (sử), Dương Trọng Bái (lý), Trần Văn Giáp (Hán văn), Nguyễn Hữu Hiếu và Phạm Tuyên (nhạc), Nguyễn Khang (họa)…Các thầy không chỉ là những tấm gương sáng về đạo đức, về lòng yêu nghề mà còn là những thầy giáo rất giỏi. Chúng tôi thấy các thầy giỏi ở chỗ biết 10 dạy 1, đưa tất cả chúng tôi vào trạng thái yêu thích khoa học, văn hóa và có ước muốn học tập suốt đời. Sau này mỗi đứa theo một ngành nghề khác nhau, nhưng những kiến thức cơ bản mà các thầy trao cho hình như vẫn còn mãi.
Mỗi năm đến ngày Nhà giáo Việt Nam tôi lại bâng khuâng nhớ đến từng thầy cô giáo của mình. Điều buồn nhất đối với tôi là đến hôm nay không còn thầy cô giáo nào (từ Tiểu học đến Đại học) còn sống. Các thầy cô đều đã về miền cực lạc.
Nhớ đến các thầy cô của mình tôi ước ao sao thế hệ hàng triệu học sinh hiện nay được học các thầy cô giỏi giang và đức độ như ấn tượng của chúng tôi về các thầy cô của mình.
Người thầy giỏi theo tôi phải là người hiểu biết sâu sắc và rộng rãi, biết cách truyền thụ làm cho học sinh ghi nhớ mãi mãi những điều học được và hơn ai hết phải là những tượng đài trong lòng từng học sinh về đạo đức và lòng yêu nghề, mến trẻ. Thầy cô giáo là một trong những nhân tố quyết định nhất để đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục nước nhà.
Tôi hết sức cảm động khi thấy các học sinh giành giải cao thi Olympic quốc tế được nhận huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và các bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Các em thật tài giỏi và sau các em là hình ảnh những thầy cô giáo vừa giỏi giang vừa yêu nghề. Tôi thấy trên tivi hình ảnh cô giáo bồi dưỡng cho em gái được nhận huân chương về thành tích môn Sinh học. Tôi thấy cô trò cùng nghiên cứu thêm từ cuốn Sinh họcdầy cộp của Campbell (bản tiếng Việt). Hèn gì mà em ấy giỏi thế. Nhưng đây là cuốn sách dành cho sinh viên, dầy đến 1325 trang, khổ lớn và giá đến 1,75 triệu đồng. Tôi nghĩ đâu phải em nào cũng mua nổi cuốn này và chắc gì đã hiểu được cuốn sách quá sâu về kiến thức này.
Tôi nghĩ, tại sao các nhà khoa học không viết các cuốn sách chuyên sâu về từng môn nhưng hoàn toàn phù hợp với các chương trình và sách giáo khoa hiện hành? Tôi tin rằng các thầy cô giáo và các em học sinh các trường chuyên, nhất là các em dự kiến tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực sẽ rất hoan nghênh các cuốn sách như vậy. Nhưng để viết sao cho phù hợp với trình độ trung học khi tôi chỉ chuyên dạy ở bậc Đại học. Tôi có sáng kiến hợp tác với hai giáo viên ở trường phổ thông liên cấp Olympia (nơi tôi đang là Chủ tịch Hội đồng khoa học). Đó là cặp vợ chồng Nguyễn Quang Huy, Lê Thanh Hà, cả hai bạn trẻ này đều có bằng Thạc sĩ và đã giảng dạy lâu năm môn Sinh học. Cuốn sách Sinh học (Khoa học về sự sống)đã được NXB Dân trí và Công ty Hanoibooks phát hành. Sách dày 268 trang, in màu, và đang đến tay các thầy cô giáo dạy môn Sinh học ở bậc phổ thông (cả THCS ,THPT) và các học sinh chuyên ban Sinh học ở các trường chuyên. Rất tiếc là lần đầu chỉ in có 1000 cuốn, chắc là sắp phải in nối bản thêm nhiều nữa.
Điều mơ ước lớn nhất của tôi hiện nay là mong sao các nhà khoa học sẽ cho in các cuốn sách tương tự về các môn khoa học khác. Nhà xuất bản Dân trí và Công ty Hanoibooks sẵn sàng tiếp tay cho các nhà khoa học để phát hành rộng rãi các cuốn sách rất thiết thực cho việc bồi đưỡng giáo viên và các học sinh chuyên ban này. Tôi có không ít bạn bè là những chuyên gia giỏi. Tôi hỏi các bạn ấy vì sao không cố gắng viết những quyển sách như tôi để giúp ích thiết thực cho giáo viên và các học sinh chuyên ban? Bạn thì bảo: Bộ Giáo dục và đào tạo hè nào chả có các lớp bồi dưỡng giáo viên. Tôi trả lời là, một tuần lễ giảng giải dăm ba điều liệu có ích lợi gì không? Bạn thì bảo, bỏ công ra viết liệu có ai in không? Tôi trả lời là NXB Dân trí cho biết sẵn sàng tiếp tay cho chúng ta. Công ty Hanoibooks gần đây đã tiếp xúc với nhiều Sở GD&ĐT các tỉnh. Họ đều hoan nghênh và sẽ hứa giới thiệu đến các trường phổ thông. Tôi đã biếu nhiều bạn tôi cuốn Khoa học về sự sốngvà mong sao các giáo viên sẽ sớm được cầm trên tay các cuốn khác như Khoa học về Hóa học, Khoa học về Vật lý, Khoa học về Địa lý…Ước ao điều mong muốn này của tôi sẽ sớm có câu trả lời của các nhà khoa học, nhất là các chuyên gia đầu ngành. Tôi đã chuyển nhiều cuốn đến Hội đồng quốc gia giáo dục và mong sẽ nhận được sự chỉ đạo của Hội đồng đối với sáng kiến này của tôi. Gửi tặng qua Bưu điện thì hơi khó, nhưng thầy cô giáo nào dạy Sinh học mà ghé thăm tôi, tôi sẵn sàng ký tặng sách.