Kết nối với chúng tôi

Phong cách thể thao

Mô hình nhóm nhạc đang ‘chết yểu’ tại Việt Nam?

Sự thành công của các nhóm nhạc Kpop đã khiến cho nhiều “nhà đầu tư” âm nhạc Vpop bắt buộc phải lăm le dòm ngó và ấp ủ những dự án cho một thế hệ girlgroup/boygroup mang thương hiệu Việt.

Từ lâu, Kpop đã được xem như là một “thánh địa” màu mỡ của làng nhạc Châu Á. Tại đây, dù hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào thì những người nghệ sĩ vẫn có những chỗ đứng vững chắc và không hề có sự thiên vị giữa ca sĩ solo hay nhóm nhạc. Tuy nhiên, nhìn vào mặt bằng chung của âm nhạc Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy các nhóm nhạc chiếm số lượng khá nhiều đặc biệt là những cái tên đình đám hiện nay như: BTS, BlackPink, Twice, Mamamoo,… đã tạo được nhiều tiếng vang tại quê nhà cũng như các quốc gia khác.

Sự thành công của các nhóm nhạc Kpop đã khiến cho nhiều “nhà đầu tư” âm nhạc Vpop bắt buộc phải lăm le dòm ngó và ấp ủ những dự án cho một thế hệ girlgroup/boygroup mang thương hiệu Việt. Tuy nhiên, trên thực tế thì lại không hề dễ dàng như vậy, nhiều nhóm nhạc tại Việt Nam cũng đã được ra đời với những lời giới thiệu có cánh và những chiến dịch quảng bá vô cùng hoành tráng với quy mô lớn. 

Nhưng sau tất cả, ở thời điểm hiện tại khi nhìn một cách trực diện vào thị trường nhạc Việt, mô hình nhóm nhạc hầu như rất khó để “sống” và tồn tại lâu dài, dù xét về mặt tài năng hay hình thức thì họ vẫn không hề kém cạnh những nghệ sĩ nước ngoài.

Nhóm nhạc tại Việt Nam nhiều nhưng khó sống

Quay ngược về thời điểm hơn chục năm trước, chính xác là giai đoạn hoàng kim của làng nhạc Việt. Bên cạnh những cái tên đình đám như Mỹ Tâm, Đan Trường, Phương Thanh, Cẩm Ly,… chúng ta sẽ không quá khó khăn để nhận thấy sự tồn tại song song của các nhóm nhạc. Điều đáng nói, các nhóm nhạc này có những hoạt động thật sự thành công và vẽ ra muôn vàn lựa chọn cho người nghe như: Quả Dưa Hấu, 3 Con Mèo, 5 Dòng Kẻ, Mây Trắng, Mắt Ngọc, H.A.T, 1088,… Tuy nhiên, với sức ảnh hưởng khủng khiếp của làn sóng Hallyu, thị trường nhạc Việt bắt đầu thoái trào và chứng kiến sự lụng bại của một đế chế âm nhạc từng là thanh xuân của hàng triệu khán giả.

Mãi đến 2009 – 2010, người ta mới bắt đầu có niềm tin khi trên thị trường xuất hiện những cái tên như VMusic hay 365da Band. Màn ra mắt của 2 nhóm nhạc này thật sự đã tạo nên những cơn “địa chấn” lúc bấy giờ với hàng loạt ca khúc hit được người người nhà nhà săn đón.

Nhưng người ta có câu “sớm nở chóng tàn”, VMusic và 365da Band dù có bước đầu quá thành công nhưng lại nhanh chóng chấm dứt chuỗi ngày thăng hoa không lâu sau đó. Nếu như VMusic tuyên bố sự tan rã là muốn các thành viên tự phát triển con đường sự nghiệp riêng thì 365da Band lại dính vào khá nhiều lùm xùm liên quan đến thành viên trong nhóm và công ty chủ quản, dẫn đến hoạt động chung bị ảnh hưởng, đẩy nhóm đến con đường “tan đàn xẻ nghé”.

Dần dần sau này, số lượng các nhóm nhạc bắt đầu mọc lên như nấm nhưng xét về mặt chất lượng thì không ai dám đảm bảo. Nổi bật phải kể đến những dự án boygroup/girlgroup từ công ty Đông Nhi – Ông Cao Thắng là Uni5 và Lip B. 2 nhóm nhạc này được công ty chủ quản cho rằng đều là những nghệ sĩ trẻ “toàn diện” khi đã trải qua thời gian thực tập với rất nhiều bài học chuyên môn để có thể trở thành những ngôi sao thực thụ, tiên phong cho xu hướng girlgroup/boygroup thế hệ mới tại Vpop.

Tuy nhiên, trái với những lời tung hô có cánh ban đầu thì Uni5 và Lip B tới thời điểm hiện tại vẫn chưa thật sự tạo được dấu ấn trong lòng công chúng. Bởi khi nhắc đến 2 nhóm nhạc này, người ta sẽ nghĩ nhiều hơn đến danh xưng “gà cưng” Đông Nhi thay vì những ca khúc, những MV ca nhạc từng ra mắt trước đó. Thậm chí, không nói quá khi cho rằng Lip B và Uni5 dù vẫn còn hoạt động, nhưng người ngoài nhìn vào chắc chắn sẽ nhận ra được sự cầm chừng yếu ớt bên bờ vực tan rã của 2 nhóm nhạc này.

Một dự án nhóm nữ cũng từng tạo kỳ vọng không kém chính là LIME. Trực thuộc công ty V&K Entertainment, ra mắt tại Việt Nam với đội hình gồm 4 thành viên Liz, Ivone, May, Emma vào ngày 26/5/2015. Ngay từ khi debut, LIME đã thu hút được rất nhiều sự chú ý từ khán giả bởi mô tuýp chuẩn Hàn Quốc, bởi tại thời điểm lúc bấy giờ Vpop đang thật sự “khát” những nhóm nhạc nữ.

Sản phẩm đầu tiên của nhóm là MV Take It Slow (Đừng Vội) sau khi ra mắt đã nhận được những phản hồi khá tích cực từ khán giả Việt Nam. Sau sản phẩm đó, người ta càng thêm tin tưởng rằng LIME sẽ làm nên chuyện trong thời gian sắp tới. Sau khi tạo được hiệu ứng khá tốt tại quê nhà, LIME đã mang quyết tâm tấn công thị trường Hàn Quốc bằng việc tung ra single Toc Toc Toc trên trang nghe nhạc trực tuyến Melon ngày 27/7/2015 và cũng có một số hoạt động “đánh tiếng” nơi xứ người. Tuy nhiên sản phẩm này lại không được chú ý tại Hàn Quốc và không tạo nên được những thành tích nổi bật nào. Trong khi đó để duy trì sự quan tâm tại thị trường Việt Nam nhóm đã tung ra phiên bản tiếng Việt cho Toc Toc Toc nhưng lại một lần nữa, ca khúc dường như mất hút trên các trang tin âm nhạc bởi sự đầu tư chưa tới và không hợp thị hiếu người Việt.

Ngày 11/5/2019, LIME đã chính thức tuyên bố tan rã sau 4 năm hoạt động cùng nhau. Nhiều người hâm mộ của nhóm đã bày tỏ sự tiếc nuối cho những cô gái bởi sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng, LIME vẫn không thể trụ được tại Vpop. Chiến lược hoạt động không có định hướng lâu dài, sự tham lam thái quá của công ty quản lý và quan trọng là không nắm rõ được thị hiếu âm nhạc của khán giả Việt đã đẩy LIME vào “bước đường cùng” để khi nhìn lại ai cũng thấy tiếc nuối cho một nhóm nhạc tiềm năng.

Bên cạnh những nhóm nhạc kể trên, còn rất nhiều dự án khác có thể nhắc đến như: Monstar, SGO48, S-Girl, Zero9,… Nhưng hầu như vẫn chưa có bất kỳ nhóm nhạc nào thật sự đạt tới 2 chữ thành công. Mặc dù khá buồn, nhưng khi nhìn vào thực tại Vpop, người ta chỉ tập trung vào những tên tuổi đình đám như Mỹ Tâm, Sơn Tùng, Jack,… còn nhóm nhạc thì… “ba chấm”.

Thiếu hy vọng nhưng vẫn nắm bắt tham vọng xa vời

Trên một góc độ nào đó, sự nghiêm khắc và những ràng buộc ngặt nghèo ở mỗi nền âm nhạc sẽ rất khác nhau, chúng ta sẽ không đem Vpop để so sánh với Kpop bởi vì văn hóa cũng như thị hiếu của khán giả tại hai đất nước là hoàn toàn trái ngược. Vậy do các nhóm nhạc này thiếu may mắn hay ra đời lạc lõng giữa thị hiếu của người Việt?

Điểm chung của các nhóm nhạc Vpop hiện nay như: Uni5, Lip B, Monstar, Zero9,… là đều được xây dựng theo mô hình “chuẩn Kpop”. Nhưng đây liệu có phải là một nước đi thông minh khi khán giả hoàn toàn có thể ấn thẳng vào MV của cá nhóm nhạc Kpop để xem thay vì thắc mắc trong đầu “Sao nhóm nhạc Việt cứ phải “Hàn hóa” làm gì?”.

Và không thể không kể về những Da LAB, Cá Hồi Hoang, Chillies,… đây là loạt nhóm nhạc được rất nhiều bạn trẻ Việt Nam yêu mến. Đáng nói, họ không chạy theo cái khuôn mẫu nghệ sĩ idol mặt đẹp hay vóc dáng chuẩn chỉnh, họ cũng không cần những chiến dịch quảng bá rầm rộ nhưng ra sản phẩm nào lại ăn chắc sản phẩm đó. Thế nên mới dám đặt ra câu hỏi tại sao các nhóm nhạc VPop không phát triển một cách tự nhiên và thuần Việt nhất có thể thay vì cứ mãi lấy hình mẫu idol Kpop làm tiên chỉ?

Thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam đã không còn bị ảnh hưởng quá nặng nề từ Kpop hay US-UK. Và khán giả cũng đang dần tìm về những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam trong các dự án âm nhạc đình đám có thể nhắc đến như: album Hoàng – Hoàng Thùy Linh, loạt MV phục dựng những tác phẩm văn học nổi tiếng từ Đức Phúc, Hòa Minzy, Jun Phạm,… Những dự án này không chỉ đình đám về mặt viral, mà còn là minh chứng cho cái gout của khán giả Việt Nam ngày nay đã không còn bị ám ảnh quá nhiều từ nền âm nhạc nước ngoài.

Tạm kết

Dẫu các nhóm nhạc đang “cầm chừng” nuôi thân tại Vpop, nhưng với những nỗ lực và hoạt động nghiêm túc, họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và cái nhìn công tâm về năng lực và tâm huyết. Hy vọng trong tương lai, khán giả Việt sẽ mở lòng hơn với những nhóm nhạc “cộp mác” Việt Nam để tạo nên một Vpop muôn màu muôn vẻ và không nhàm chán.

Xem thêm Phong cách thể thao