Họp triển khai Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”
Sáng 9/11, tại Trụ sở Tổng cục TDTT, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Danh Hoàng Việt đã chủ trì phiên họp với các đơn vị liên quan nhằm triển khai Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”.
Cùng dự buổi làm việc có phụ trách 16 bộ môn được đầu tư trọng điểm gồm: đấu kiếm, wushu, bắn súng, pencak silat, bắn cung, taekwondo, bóng đá, cử tạ, jujitsu, vật, điền kinh, thể dục dụng cụ, quyền Anh, bơi, xe đạp, đua thuyền.
Thời điểm này, các bộ môn đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, tuy nhiên để Đề án sớm được triển khai theo tiến độ yêu cầu, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Danh Hoàng Việt đề nghị các đồng chí phụ trách 16 bộ môn được đầu tư trọng điểm nỗ lực hết sức; có thể trao đổi với các chuyên gia có kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chương trình, tham khảo thêm tài liệu nước ngoài nhằm đảm bảo chất lượng nội dung.
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Danh Hoàng Việt đề xuất thành lập nhóm làm việc có sự tham gia và hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Viện Khoa học TDTT. Trước mắt, đơn vị chủ trì là Vụ Thể thao thành tích Cao 1, 2 khẩn trương hoàn thiện dự trù kinh phí, từ đó tổ chức thảo luận và thống nhất với các đồng chí phụ trách 16 bộ môn. Viện trưởng Viện Khoa học TDTT Trần Hiếu đề xuất lãnh đạo Tổng cục TDTT chỉ đạo sâu sát các đơn vị, trong đó có 16 bộ môn và các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học TDTT trong quá trình tiến hành nội dung giám định, phục vụ cho Đề án.
Về phía Viện Khoa học TDTT, cơ bản hoàn thành các nội dung công việc được giao gồm: xây dựng kinh phí, hình thái chức năng, tiêu chuẩn. Viện trưởng Trần Hiếu đề xuất xây dựng khung chương trình chung, làm căn cứ để các bộ môn triển khai công việc được giao.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Danh Hoàng Việt thống nhất quan điểm xây dựng chương trình của 16 bộ môn theo một khung chung. Đề nghị Vụ Thể thao thành tích Cao 1, 2 phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học TDTT trong quá trình xây dựng tiêu chí, tiểu chuẩn và xây dựng chương trình đào tạo các môn thể thao theo nhiệm vụ được giao.
Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” được xây dựng nhằm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng VĐV tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao, thế mạnh của Việt Nam đạt trình độ và dành được thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, thế giới và Olympic; các HLV tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược huấn luyện VĐV thi đấu đạt thành tích huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế.
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao có trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu của quy trình tuyển chọn, đào tạo VĐV, HLV tài năng để phấn đấu đưa Việt Nam đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục.
Phấn đấu đến năm 2035, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện VĐV tài năng, đào tạo, bồi dưỡng HLV tài năng của các môn thể thao, cụ thể:
– Tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 VĐV đội tuyển quốc gia; trong đó khoảng 400 VĐV đạt thành tích quốc tế;
– Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 HLV tài năng, trong đó 60 HLV cao cấp.
Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao:
– Tuyển chọn và đào tạo khoảng: 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ;
– Bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho khoảng 680 người.
Đề án được triển khai theo hai giai đoạn: giai đoạn 2019-2025 và giai đoạn 2026-2035.