Buổi họp diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tham dự buổi họp có các thành viên trong Ban soạn thảo Đề án, trong đó đồng chí Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt – Trưởng ban; đồng chí Lê Thị Hoàng Yến – Phó tổng cục trưởng, Phó trưởng ban thường trực; đồng chí Ngô Thịnh Hường – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin TDTT, Phó trưởng ban và các đồng chí ủy viên là lãnh đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc Tổng cục TDTT. 3 điểm cầu trực tuyến tham dự cuộc họp là lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ.
Tại buổi họp, phía đơn vị tư vấn giải pháp đã trình bày báo cáo Dự thảo Đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo mục tiêu đề án đặt ra, việc chuyển đổi số không chỉ góp phần xây dựng nền thể thao Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các VĐV, mà còn là quá trình chuyển đổi và ứng dụng công nghệ vào quá trình chuyển đổi về “môi trường tương tác” từ truyền thống lên môi trường số. Điều này dẫn đến sự dịch chuyển các hoạt động nghiệp vụ và thương mại diễn ra sôi động và đa dạng hơn. Đây chính là các yếu tố giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng về quy mô, doanh thu và lợi nhuận của ngành thể thao, tạo đà cho những đóng góp thiết thực vào tổng thể phát triển nền kinh tế quốc gia. Nói cách khác, chuyển đổi số trong thể thao tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế thể thao, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đó, đề án cũng đặt ra 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Hoàn thiện, nâng cao chất lượng Hạ tầng số; Xây dựng, phát triển nền tảng số; Phát triển dữ liệu số; Phát triển các ứng dụng, dịch vụ số; Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; Hoàn thiện bộ máy tổ chức đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số; Tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số.
Ngoài ra, đề án cũng xây dựng thành 2 lộ trình thực hiện, gồm: Giai đoạn 1 (2023 -2025): Ưu tiên tập trung hiện đại hóa hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tại Tổng cục Thể dục thể thao. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin và chuyển đổi số, kiến thức về thể thao hiện đại cho cán bộ, viên chức và người lao động. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin: hệ thống tường lửa bảo mật dữ liệu, đường truyền, hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu Tổng cục Thể dục thể thao. Nâng cấp hệ thống hạ tầng thông tin đáp ứng triển khai ứng dụng chuẩn giao thức IPv6, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin theo cấp độ (Theo quy định của nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ). Thực hiện chuyển đổi số và số hóa dữ liệu, xây dựng kho tri thức số cho Tổng cục Thể dục thể thao; đầu tư trang thiết bị, xây dựng tài nguyên thông tin số tại Tổng cục Thể dục thể thao. Xây dựng, phát triển nền tảng dữ liệu dùng chung trên cơ sở các dữ liệu được số hóa của Tổng cục Thể dục thể thao và dữ liệu chia sẻ từ các hệ thống khác. Nâng cấp, thay thế các hệ điều hành, hệ quản trị cơ sở dữ liệu ứng dụng mô hình đám mây (cloud), đảm bảo việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích, tổng hợp dữ liệu lớn (Bigdata). Tạo lập lập môi trường làm việc số, hỗ trợ chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái kinh tế số, xã hội số trong lĩnh vực thể dục thể thao. Tập trung đào tạo kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức tại các Vụ, đơn vị trực thuộc.
Giai đoạn 2 (2026 – 2030): Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và số hóa dữ liệu, hoàn thiện kho tri thức số cho Tổng cục Thể dục thể thao; đầu tư trang thiết bị, phục vụ việc khai thác các tài nguyên số tại Tổng cục Thể dục thể thao. Ứng dụng công nghệ mới: trí tuệ nhân tạo (AI), CSDL lớn (Big Data), Internet of Things (IoT), AR/VR, … trong việc khai thác, phân tích, giám sát, dự báo, hỗ trợ các cấp quản lý ra quyết định, cải thiện hiệu suất, thành tích VĐV đồng thời cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng (OTT) cũng như hỗ trợ cảnh báo gian lận, tiêu cực, … góp phần bảo vệ sự trong sạch của thể thao. Tạo lập môi trường làm việc số, hỗ trợ chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái kinh tế số, xã hội số trong lĩnh vực thể dục thể thao.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu dự họp đã tập trung đặt ra các vấn đề về chuyển đổi số cần bám sát tinh thần chỉ đạo và các tiêu chí của Chính phủ đề ra về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cùng với đó là chương trình, kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tạo sự thống nhất từ trên xuống dưới.
Đa số các ý kiến cho rằng, đề án cần xem xét, rút gọn lại mục tiêu tổng quát cho sát với nhiệm vụ giải pháp và mục tiêu cụ thể; cần nhìn nhận lại cho sát hơn với tình hình thực tế; cần xác định rõ đối tượng nào là “xương sống” để thực hiện chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay; các lộ trình giai đoạn thực hiện của đề án cũng cần đặt lại phù hợp hơn để theo kịp với tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ của các Bộ, ban, ngành và thế giới.
Kết luận tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng – Đặng Hà Việt, Trưởng ban soạn thảo Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT đánh giá cao sự chuẩn bị, cố gắng của Trung tâm Thông tin và phía đơn vị tư vấn trong việc cho ra mắt Dự thảo đề án; đồng thời nhấn mạnh đây là đề án mang nội hàm rộng với nhiều nội dung mới và rất khó.
Đồng chí thống nhất với một số vấn đề cơ bản trong dự thảo đề án, đồng thời góp ý về tính cấp thiết phải chuyển đổi số trong công tác chuyên môn, đào tạo nhằm nâng cao thành tích thể thao trong giai đoạn tới cũng như xây dựng lộ trình tuyển chọn VĐV kế cận phải đảm bảo tính thống nhất từ trung ương đến địa phương, tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu, không theo một tiêu chí chung nào.
Đồng chí Tổng cục trưởng giao Trung tâm Thông tin TDTT tiếp thu các ý kiến tại buổi họp và tiếp tục phối hợp với các Vụ, đơn vị liên quan để khảo sát, lấy ý kiến đóng góp cho đề án; Phối hợp cùng đơn vị tư vấn giải pháp hoàn chỉnh lại Dự thảo đề án; báo cáo trực tiếp lãnh đạo Tổng cục và các thành viên trong Ban soạn thảo xem xét trong thời gian sớm nhất. Thời hạn hoàn thành Dự thảo đề án trình lãnh đạo Bộ VHTTDL là trong quý I/2023.
Về phần đối tượng, mục tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện, cần bám vào tình thần chỉ đạo về Chuyển đổi số của Chính phủ và Bộ VHTTDL. Các số liệu về mục tiêu, phải có bản giải trình chi tiết, đủ cơ sở lập luận bảo vệ quan điểm cho từng mục tiêu. Đồng chí lưu ý, đơn vị soạn thảo khi xây dựng lại dự thảo đề án cần bổ sung bối cảnh thực hiện Chuyển đổi số trong tình hình kinh tế xã hội hiện nay tại Việt Nam và thế giới, cần chú ý các khái niệm về lý luận trong đề án phải gắn liền với thực tiễn của đất nước và đặc thù riêng của ngành TDTT./.
Thùy Anh
Theo tdtt.gov.vn