Họa sỹ Nguyễn Doãn Sơn quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, tốt nghiệp Thạc sĩ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khoa Hoành tráng. Hiện Họa sỹ đang là giảng viên tại ngôi trường mà mình đã từng là sinh viên những năm tháng tuổi trẻ.
Là người say nghệ thuật và dành nhiều thời gian cho sáng tác, họa sĩ Doãn Sơn từng đoạt giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 1997. Tiếp đó là Giải đồng hạng Philip Morrist 2000 (không xếp giải Nhất và các thứ hạng). Giải C Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 2004 (không có giải Nhất); Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” dành cho bức tranh “Hà Nội chiến lũy và hoa” năm 2010…
Họa sĩ Doãn Sơn cũng là một trong số những tác giả đầu tiên tham gia thực hiện thiết kế các bức tranh gốm sứ ven sông Hồng – Hà Nội ở chủ đề “Tứ trấn Thăng Long” đồng thời là tác giả thiết kế bức tranh gốm sứ hoành tráng về chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa…
TÁC GIẢ – TÁC PHẨM
Từ những gam màu ấm áp
Trước khi say sưa với đề tài về lịch sử và có những bức tranh để lại dấu ấn lớn, họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn đã dành một khoảng thời gian khá dài để phác họa và vẽ những bức tranh về đời sống dung dị của người lao động. Cũng bởi trái tim ấm áp, sự đồng cảm, trân trọng với cuộc sống mưu sinh của mọi lớp người trong xã hội đã khiến những bức tranh của họa sĩ Doãn Sơn, qua đôi tay tài hoa luôn chạm đến trái tim người thưởng thức.
Có thể kể đến bức tranh đầu tiên họa sĩ Doãn Sơn được giải thưởng cao ở khu vực châu Á năm 2000 là bức tranh “Đêm trên bãi rác thành phố”. Theo như anh chia sẻ – số tiền giải thưởng của bức tranh năm đó – anh đã dành mua được một mảnh đất nhỏ vùng ven đô, xây một ngôi nhà nhỏ để mình có thể yên tâm vẽ tiếp.
Luôn say sưa khám phá và có những góc nhìn rất đẹp, rất lãng mạn về sức sống mãnh liệt của những người yêu lao động, Năm 2007, Triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Doãn Sơn với tên “Bài ca lao động” đã được giới Mỹ thuật cùng công chúng đón nhận bằng việc ghi dấu sức lao động say mê và bền bỉ của một nghệ sĩ chân chính.
Ngắm những bức tranh của họa sĩ Doãn Sơn, khi thì vẽ cô bé kéo trâu ra đồng; vẽ cậu bé bám áo mẹ đi chợ Tết, những chiếc nón lá chấp chới phiên chợ quê… Điều thú vị là, từ những đề tài rất thực, cách thể hiện cũng rất thực nhưng toàn cảnh bức tranh vẫn hư hư, thực thực, đầy sáng tạo. Và điều quan trọng nhất đọng lại trong trái tim người xem là những gam màu ấm áp cứ lan tỏa trong lòng.
Đến câu chuyện người kể chuyện lịch sử bằng tranh
Nhắc tới tranh của họa sĩ Doãn Sơn, sẽ là một góc khuyết lớn nếu không nói về bức tranh sơn dầu “khổng lồ”: “Hà Nội Chiến lũy và Hoa” (khổ 2,15 x 9,3m). Sau khi triển lãm phác thảo vào tháng 6/2008 đã được sự hưởng ứng nhiệt liệt của người Hà Nội, được vinh dự được trao tặng thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội”. Vào năm 2010, khi bức tranh đã hoàn thành, nhân dịp hướng đến Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bức tranh Hà Nội Chiến lũy và Hoa đã vinh dự được triển lãm, trưng bày tại Văn miếu Quốc tử giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong những thời khắc đáng nhớ của Thủ đô.
Bức tranh đã tái hiện được những hình ảnh không thể nào quên của những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội mùa đông năm 1946, qua những khung cảnh: giao thông hào, trận chiến giáp lá cà trong phố, với hình ảnh những chiến sĩ tự vệ, em bé giao liên, cô gái tiếp tế mang hoa vào chiến lũy, những giây phút cảm động giữa 2 trận đánh… Cảm động, lãng mạn, bi tráng, hào hùng, những cảm xúc ấn tượng ấy gần như chiếm trọn trái tim người đối diện khi đứng trước “Hà Nội Chiến lũy và Hoa”.
Để thực hiện bức tranh này, Họa sĩ Doãn Sơn không chỉ dùng tới toan, màu mà còn phải dùng cả giàn giáo cao ngất nghểu. Không gian sáng tạo bức tranh là nhà gửi xe của một công ty. Lúc ấy, ngoài ba mươi, Sơn đã khiến không ít bạn bè, đồng nghiệp nể, vì ngoài đam mê sáng tạo, cần có cả tố chất cần mẫn của “ông đồ Nghệ” mới có thể thực hiện được.
Họa sĩ Nguyễn Doãn sơn chia sẻ:
Lịch sử là những bài học quá khứ, ám ảnh và day dứt. Soi chiếu lại, cho ta cảm giác tự hào, trách nhiệm với hiện tại và tương lai. Khi tìm hiểu và muốn “kể lại một câu chuyện lịch sử bằng tranh”, tôi vừa vẽ và vừa suy ngẫm. Mỗi cá nhân có cách nhìn về lịch sử còn sót lại qua những câu chuyện, hiện vật mà mình có cơ duyên gặp gỡ hoặc tiếp xúc trong những hoàn cảnh đặc biệt riêng. Khi tôi kết nối chúng lại, ngồi trước bảng màu, khung toan, đến một thời khắc nào đó, ý nghĩa tự câu chuyên bật lên. Tranh lịch sử là một khoảnh khắc tưởng như đông cứng ở một thời khắc nào đó nhưng nó hàm chứa những dữ liệu cực kỳ sống động. Tranh lịch sử hư cấu về bố cục nhưng hiện thực ở những hoàn cảnh, chứng vật đi kèm. Mỗi bức tranh về một hiện thực lịch sử sẽ được nhìn thấy trong một góc độ nào đó – chính xác đó là cách thức để quá khứ tiếp tục sống mãi.
Tranh lụa – sự trở về với thiên nhiên an tĩnh
Gần đây họa sĩ Doãn Sơn đã dành một khoảng thời gian khá dài để quay về chất liệu tranh lụa. Bởi theo anh, Lụa không có sức mạnh ồn áo như Sơn Dầu, sang trọng lộng lẫy của Sơn mài nhưng ở lụa là ảo giác, hư ảo, lớp lang của màu nét phảng phất mang tính truyền thống, vừa rất gần với đời sống tự nhiên. Ở tranh lụa, vật chất, hình khối được trút đi sức nặng. Nó chỉ còn là hơi thở. Do đó đề tài trong tác phẩm có tính hướng nội, chiêm nghiệm các giá trị văn hoá truyền thống.
Anh bộc bạch: “Trong nhịp sống đương đại chuyển động như dòng thác – tôi chọn tranh lụa để quay về với những giá trị tự nhiên và nhân bản. Ở tranh lụa, tôi tìm thấy cách thể hiện tối ưu cho những mảng nét tối giản, không bị lệ thuộc hình khối thật. Nó mở ra một không gian nghệ thuật mang đến sự gần gũi, thư thái và tĩnh lặng.
Ở bề sâu của ý tưởng: – thông qua cách biểu cảm về hình thể con người, hình thể tự nhiên, những trăn trở trước sự xâm lấn của các sản phẩm công nghệ trong cuộc sống hiện đại … điều mà tôi hướng đến, đó là vượt qua những cảm thức bên ngoài – Tranh lụa sẽ dẫn người thưởng thức đến với cảm xúc lắng dịu, tĩnh tại trong chính tâm hồn mình”.
Hành trình của một nghệ sĩ có những cách lựa chọn và những khúc chuyển khác nhau. Với họa sĩ Doãn Sơn, ở hướng đi nào cùng đều xuất phát từ niềm say mê nghệ thuật và tình yêu cuộc sống, yêu cái đẹp mãnh liệt. Chúc những tác phẩm của anh tiếp tục được đón nhận, được yêu mến và có vị trí thật đẹp trong lòng người yêu hội họa.
Một số bức tranh của họa sĩ Doãn Sơn
Tranh trong bài:
1. Một số bức tranh về đề tài lao động của họa sĩ Doãn Sơn
2. Một số bức tranh về đề tài lịch sử: Các trích đoạn bức tranh Hà Nội – Chiến lũy và Hoa.
3. Những bức tranh lụa mang đến sự an tĩnh trong tâm hồn.