Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Hiệu ứng từ World Cup

Bóng đá nữ Việt Nam trong lần đầu tiên tham dự tại World Cup đã đem đến nhiều cảm xúc và tạo nên cơn sốt với người hâm mộ. Đằng sau sự thành công của các cầu thủ nữ cũng nhiều nỗi niềm mấy ai biết. Để có thêm nhiều lần góp mặt ở sân chơi tầm cỡ thế giới, bóng đá nữ Việt Nam cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội và đặc biệt là những người làm bóng đá.

Bóng đá nữ dù có mặt ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, nhưng mãi tới năm 1997, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia mới được thành lập với nòng cốt là các cầu thủ nữ của hai đội bóng Quận 1, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ông Mai Đức Chung khi ấy làm ở bộ môn bóng đá của Tổng cục TDTT được chỉ định làm huấn luyện viên trưởng. Ông Chung có tiếng là người hiền lành và rất phù hợp với việc huấn luyện các cầu thủ nữ. Thấm thoát cũng đã mấy chục năm, từ lứa cầu thủ đầu tiên với Lưu Ngọc Mai, Kim Hồng, Mỹ Oanh, Hiền Lương, Minh Nguyệt, Thúy Nga… Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu ra nước ngoài thi đấu tại Merdeka Cup tại Malaysia năm 1997 và giành chức vô địch.

Kết quả này đã mở ra chương mới, là tiền đề cho bóng đá nữ Việt Nam khai phóng tiềm năng phát triển và được nhiều người biết tới. SEA Games 1997, đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tham dự và giành HCĐ, sau khi đánh bại Indonesia 2-0 ở trận tranh hạng 3. Giải vô địch bóng đá nữ quốc gia lần đầu được tổ chức vào năm 1998 với sự  góp mặt của 14 đội bóng thi đấu vòng loại để chọn ra 7 đội tham dự vòng chung kết tổ chức tại Hà Nội và Hà Tây (cũ).

Bóng đá nữ Việt Nam gặt hái được nhiều thành tích, khẳng định vị thế số 1 ở khu vực Đông Nam Á và đặc biệt lần đầu tiên tham dự tại VCK bóng đá nữ thế giới-FIFA Women’s World Cup 2023. Năm 2022, tiền đạo Huỳnh Như là cầu thủ nữ đầu tiên xuất ngoại, sang thi đấu tại Bồ Đào Nha, hai cầu thủ của CLB TP Hồ Chí Minh là Nguyễn Thị Mỹ Anh, Lê Hoài Lương được chuyển nhượng đến Thái Nguyên với bản hợp đồng chuyên nghiệp. Lịch sử bóng đá nữ Việt Nam đã sang trang mới, sau những thăng trầm, sóng gió nhưng để giữ được vững vị thế, vẫn cần có thêm sự cộng hưởng và cả cách làm bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Có lẽ chưa bao giờ, những người yêu bóng đá, đặc biệt bóng đá nữ Việt Nam lại có được nhiều cảm xúc đến vậy khi chứng kiến đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên tham dự tại Vòng chung kết World Cup nữ 2023. Dù để thua với tỷ số 0-3 trước đương kim vô địch Mỹ, nhưng các nữ tuyển thủ Bóng đá nữ Việt Nam đã mang đến cho người hâm mộ những cảm xúc đặc biệt. Sau mỗi trận đấu không đơn thuần chỉ là chuyện thắng, thua mà đọng lại ở đó là tinh thần bất khuất, là nghị lực phi thường và sự kiên cường của các cô gái Việt Nam.

Khác với bóng đá nam, các cầu thủ nữ luôn chịu những thiệt thòi và đòi hỏi sự hy sinh nhiều hơn để có thể theo đuổi sự nghiệp. Các CLB nữ cũng không có nhiều cổ động viên như các đội nam, thu nhập của cầu thủ nữ còn khá thấp so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội.  

Với đội tuyển nữ Việt Nam, tham dự ở World Cup và được thi đấu với những đội bóng hàng đầu thế giới như Mỹ, Hà Lan đã là cột mốc lịch sử. Với xuất phát điểm của bóng đá nữ Việt Nam, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, tưởng chừng như đã có lúc phải bỏ cuộc như tại VCK bóng đá nữ châu Á- Asian Cup 2022, đội tuyển nữ Việt Nam bay sang Ấn Độ chỉ với vỏn vẹn 10 cầu thủ khỏe mạnh, phần lớn cầu thủ và thành viên Ban huấn luyện bị cách ly ở Tây Ban Nha do nhiễm Covid 19.

Nguy cơ phải dừng cuộc chơi càng đè nặng khi tiếp tục xuất hiện thêm các ca bệnh khiến buổi tập của đội tuyển nữ Việt Nam có khi chỉ còn lại 3 cầu thủ là Huỳnh Như, Tuyết Dung và Thùy Trang cùng HLV thể lực người Pháp, Cedric Roger. Từng trải như HLV Mai Đức Chung  cũng phải thảng thốt: “Tôi cũng không thể giải thích nổi, chúng ta đã chiến thắng thế nào. Gần như cả đội nhiễm bệnh ngay sát ngày sang Ấn Độ, vô cùng tuyệt vọng. Đội tuyển nữ Việt Nam tưởng chừng đã phải bỏ cuộc vì không đủ cầu thủ đăng ký thi đấu theo quy định, nhưng giống như có một phép màu, các cầu thủ nữ kịp bình phục và có xét nghiệm âm tính một cách nhanh chóng và thần kỳ.”

Bóng đá nữ Việt Nam có được vị thế và kỳ tích như hiện tại, phải ghi nhận tâm huyết và đóng góp của những người mở đường như; ông Trần Thanh Ngữ, ông Hoàng Vĩnh Giang và các HLV: Steve Darby (2001), Giả Quảng Thác (2006), Ngô Lê Bằng (2007), Trần Vân Phát (2007- 2010) và đặc biệt nhất phải kể tới HLV Mai Đức Chung, người đã từng gắn bó với đội tuyển và các cầu thủ nữ từ những ngày đầu gây dựng, đầy khó khăn, sóng gió nhưng nhờ có niềm đam mê và sự tận tụy đã chinh phục được những đỉnh cao, biến giấc mơ góp mặt tại World Cup trở thành hiện thực. 

Tham dự tại sân chơi World Cup! Thực ra thua nhiều hay ít cũng không quan trọng bằng cách đón nhận những cơ hội để xóa nhòa những khoảng cách và để có thêm nhiều lần, được thường xuyên góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Bóng đá nữ giờ đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi những người làm bóng đá phải thường xuyên cập nhật, nắm bắt xu thế và cách làm chuyên nghiệp, bài bản và thực chất hơn.

Không đơn thuần chỉ là chuyện tài chính hay các khoản tiền thưởng mà đội tuyển nữ Việt Nam và Liên đoàn Bóng đá nhận được sau khi giành quyền tham dự World Cup mà còn cần hơn là sự quan tâm của toàn xã hội và cơ hội để có thể vươn mình ra biển lớn, để sau những Huỳnh Như, Kim Thanh, Thùy Trang, Hải Yến, Bích Thùy, Tuyết Dung. ..  sẽ có thêm những bước chân tiếp nối của những cầu thủ trẻ mà gần nhất là lứa U17, U19, U23 hướng tới mục tiêu World Cup.

Bóng đá nữ Việt Nam có thể học được nhiều điều từ World Cup và biết sẽ phải làm gì để nắm bắt cơ hội và phát triển bền vững. Với các đội bóng lần đầu tham dự Vòng chung kết FIFA Women’s World Cup 2023, đấy không chỉ là sự khởi đầu mà còn là khẩu hiệu Beyond Greatness, vượt lên mọi giới hạn để khẳng định khát vọng lớn lao và bền bỉ.

Bài, ảnh: Việt Hưng

Xem thêm Thể thao