Từ khóa: sách lí luận chính trị, nhà xuất bản, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
- Đặt vấn đề
Sách lí luận chính trị từ lâu đã được ví như một “binh chủng” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Sách lí luận chính trị là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn trung thành với lợi ích của dân tộc. Dòng sách này chứa đựng những nội dung chính thống về chính trị được nghiên cứu một cách sâu rộng, toàn diện nhằm đem đến cho nhân dân những thông tin đã được tìm hiểu và đề ra những nhận định từ các chuyên gia trong lĩnh vực chính trị – xã hội. Sách lí luận chính trị mang đến cho bạn đọc thế giới quan, phương pháp luận, hệ tư tưởng cùng quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước liên quan tới các vấn đề nảy sinh trong xã hội. Sách lí luận chính trị chỉ được xuất bản tại các nhà xuất bản có đội ngũ cán bộ, biên tập viên có đạo đức, có trình độ chuyên môn vững và và uy tín cao.
Xuất bản sách lí luận chính trị có vai trò vô cùng quan trọng để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; truyền bá, phổ cập thông tin chính thống về các vấn đề kinh tế – chính trị – xã hội mang tầm vĩ mô của đất nước; góp phần định hướng văn hóa, thẩm mĩ cho bạn đọc; cung cấp thông tin phản ánh thực tiễn đời sống xác hội; góp phần nâng cao nhận thức dân trí, đáp ứng nhu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; quảng bá hình ảnh, uy tín của đất nước và con người Việt Nam với thế giới.
Trước bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, việc nâng cao vai trò của sách lí luận chính trị trở thành vũ khí sắc bén trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng càng có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết.
2. Tác động của tình hình mới đến hoạt động xuất bản sách lí luận chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các quốc gia với chế độ chính trị – xã hội khác nhau, trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Đất nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng tạo cơ hội cho các nhà xuất bản tiếp thu tri thức lý luận, chính trị cũng như kinh nghiệm trong công tác xuất bản, phát hành sách.
Thời gian gần đây, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35 – NQ/TW ngày 22/10/2018 tập trung về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, công tác này nay được triển khai ngày một bài bản, thống nhất, toàn diện. Hoạt động xuất bản sách lí luận chính trị phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới đang từng bước tiếp cận đến đông đảo nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ – họ chính là công cụ quan trọng góp phần vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Theo đó, những tác động của tình hình mới đến hoạt động xuất bản sách lí luận chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được thể hiện qua những mặt sau:
Về thuận lợi: một là, hội nhập quốc tế gắn với quá trình toàn cầu hóa đã tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm tiền đề cho hoạt động xuất bản, phát hành sách lí luận chính trị có nội dung mang tính thời sự và giá trị về lí luận và thực tiễn cao; hai là, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò và đẩy mạnh công tác xuất bản, phát hành sách lí luận chính trị trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào; ba là, các đơn vị xuất bản tích cực, thường xuyên trao đổi và phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung và riêng trên mặt trận đấu tranh tư tưởng.
Về khó khăn: một là, sự hấp dẫn, tính thuyết phục trong nội dung sách lí luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một số bộ phận cán bộ, đảng viên; hai là, thách thức trong thời kì hội nhập quốc tế với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về thông tin, tri thức (xuất hiện nhiều kênh thông tin chính thống và không chính thống ở trong nội bộ Đảng và ngoài xã hội); ba là, tại các đơn vị xuất bản sách lí luận chính trị còn lạc hậu nhiều mặt so với yêu cầu phát triển của hoạt động xuất bản hiện đại, tính cạnh tranh thị trường xuất bản phẩm ngày càng gia tăng giữa sách giấy – sách điện tử, đề tài, đơn vị phát hành.
Thực tế thế giới và trong nước đang đặt ra cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng những yêu cầu hết sức mới mẻ, chưa từng có tiền lệ. Như vậy, việc làm tốt công tác xuất bản sách lí luận chính trị và nêu cao vai trò giá trị của dòng sách này là một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện thắng lợi những mục tiêu về phát triển kinh tế – chính trị – xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước.
3. Thực trạng xuất bản sách lí luận chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay
Với những đóng góp to lớn của sách lí luận chính trị, Đảng ta luôn coi việc nâng cao vai trò và chất lượng dòng sách là nhiệm vụ quan trọng. Đã có nhiều Chỉ thị của Đảng về công tác xuất bản được ban hành như: Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 31/3/1992 của Ban Bí thư (khóa VII) về “Tăng cường sự lãnh đạo quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản”; Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 27/1/2003 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới”; Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”; Chỉ thị 44 CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về việc “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị”.
Quán triệt thực hiện các Chỉ thị trên, hoạt động xuất bản sách lí luận chính trị phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới đã đạt được nhiều thành tựu tích cực như sau:
Thứ nhất, công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về xuất bản sách lí luận chính trị được tăng cường và cải tiến cơ chế chính sách về xuất bản, phát hành, tạo hành làng pháp lý cho hoạt động này đi vào nề nếp.
Thứ hai, công tác tổ chức đề tài, biên tập sách lí luận chính trị tại các đơn vị xuất bản được coi trọng và bám sát định hướng chính trị, đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó có 02 nhà xuất bản chuyên ngành xuất bản sách lý luận, chính trị gồm: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (đơn vị nòng cốt trong việc xuất bản, phát hành dòng sách lí luận chính trị) và Nhà xuất bản Lý luận chính trị (xuất bản tài liệu giáo trình phục vụ trực tiếp công tác giảng dạy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Ngoài ra, còn có một số đơn vị tham gia tổ chức và xuất bản khác như: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Giáo dục Việt Nam, Thanh niên, Thông tin và Truyền thông cùng một số đơn vị tổng hợp, chuyên ngành khác theo nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cũng tham gia xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị.
Thứ ba, công tác xuất bản, phát hành sách lí luận chính trị trong công tác bỏa vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng nội dung, hình thức, cơ cấu, thể loại sách, góp phần giữ vững định hướng tư tưởng chính trị. Một số đơn vị xuất bản tiếp cận đến hình thức xuất bản điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc tiếp cận, tra cứu, khảo cứu, như: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông,…
Công tác xuất bản, phát hành sách lí luận chính trị đã góp phần vào cung cấp thông tin tri thức, luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối đổi mới, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước; đóng góp có hiệu quả vào việc giữ định hướng chính trị, tư tưởng trong xã hội; nâng cao trình độ lý luận và ý thức tự giác chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên; hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tạo cơ hội thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.
Song, công tác xuất bản sách lí luận chính trị vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế sau đây:
Thứ nhất, công tác ra soát, quy hoạch còn chậm, tiềm lực của các nhà xuất bản còn hạn chế cả về cơ sở vật chất, công nghệ ứng dụng và vốn đầu tư.
Thư hai, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập, xuất bản, phát hành sách lí luận chính trị còn hạn chế; số lượng tác giả viết, biên soạn trình độ cao về dòng sách bảo vệ nền tư tưởng của Đảng không nhiều.
Thứ ba, nội dung sách lí luận chính trị còn thiếu tính thực tiễn, tính chiến đấu; chưa có nhiều đầu sách hay đạt cả về giá trị về lí luận và thực tiễn; hình thức thể hiện còn nhàm chán; phương thức xuất bản có nhiều bất cập, xuất bản điện tử chưa được ứng dụng đúng mức; khâu phát hành chậm đổi mới.
Thứ tư, sự cạnh tranh của công nghệ thông tin – điện tử và sự giảm sút văn hóa đọc đang tác động tiêu cực đến ngành xuất bản, nhất là xuất bản sách lí luận chính trị.
Thứ năm, sách lí luận chính trị còn hạn chế trong việc tiếp cận để phổ cập thông tin đến nhóm đối tượng thanh thiếu niên – đây vốn được coi là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày nay.
4. Giải pháp nâng cao vai trò sách lí luận chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Những bất cập và hạn chế kể trên được lí giải do hoạt động xuất bản, phát hành sách lí luận chính trị chưa thực sự được đầu tư xứng đáng. Một số tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chủ quản của các nhà xuất bản chưa nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của mảng sách này công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Về cơ chế, chính sách cho hoạt động, truyền bá sách lí luận chính trị còn tồn tại nhiều bật cập từ khâu tổ chức đề tài, biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành thiếu đồng bộ, còn chậm trong việc thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng.
Mô hình tổ chức, hoạt động và quy mô của các nhà xuất bản và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, biên tập viên về lí luận, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lí chưa thực sự phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của mỗi đơn vị.
Ngoài ra, sự xuất hiện của trào lưu tiếp cận thông tin mới từ mạng xã hội, báo chí, phát thanh đã tạo ra thị trường cạnh tranh nội dung khốc liệt. Xuất hiện các thông tin không chính thống, nội dung phản động, chống phá, quan điểm sai lệch với tư tưởng của Đảng nghiễm nhiên được các thế lực thù địch, chống phá thực hiện.
Giữa bối cảnh mạng xã hội phát triển như vũ bão, việc củng cố vị thể, nâng cao vai trò, chất lượng sách lí luận chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới là vấn đề cấp thiết nên được tiến hành bằng các giải pháp như sau:
*Nhóm giải pháp về công tác quản lí, nguồn nhân lực xuất bản sách lí luận chính trị:
Thứ nhất, các đơn vị xuất bản cần thống nhất nguyên tắc xuất bản. Nguyên tắc này cần đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lí của Nhà nước, trong khuôn khổ pháp luật, luôn tiên phong trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cấp ủy đảng, các ngành, cơ quan liên quan, cơ quan chủ quản chủ đạo nhà xuất bản hoạt động trên cơ sở định hướng chương trình hoạt động, đề án xuất bản sách hăng năm gắn với chiến lược cụ thể. Việc vận dụng tốt giải pháp sẽ bảo đảm các nhà xuất bản hoạt động đúng mục tiêu, chức trách và không bị chồng chéo, đồng thời cam kết về số lượng đầu sách phát hành đáp ứng đúng nhu cầu của Đảng, của thị trường.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia xuất bản chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Các nhà xuất bản cần xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ quản lí xuất bản, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, có nhiệt huyết và dũng khí đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng kĩ năng nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tác cho đội ngũ công tác viên, chuyên gia, nhà khoa học; tiếp tục đổi mới nội dung, quy cách hoạt động, tăng cười phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các nhà xuất bản để có hiệu quả trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Cần kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa công tác giáo dục cán bộ, biên tập viên với công tác kiểm tra, giám sát đảng viên trong cơ quan xuất bản. Thường xuyên giám sát, kiểm tra phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ, trách nhiệm chính trị – xã hội.
Thứ ba, mỗi đơn vị xuất bản cần đánh giá xác thực về tính hiệu quả của hoạt động xuất bản sách lí luận chính trị.
Nội dung này sẽ giúp các đơn vị, các lãnh đạo quản lí, Đảng và Nhà nước dễ dàng xây dựng mục tiêu, triển khai kế hoạch và đánh giá hiệu quả, tính phù hợp của hoạt động xuất bản sách trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ đây, nhà xuất bản có thể hoàn thiện, đồng bộ và nâng cao chất lượng cho mỗi ấn phẩm của mình.
Ba tiêu chí đánh giá hiệu quả có thể xem xét như: hiệu quả về chính trị và tư tưởng (tức kết quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, chủ trương, tư tưởng, đường lối của Đảng và Nhà nước tới độc giả); hiệu quả về kinh tế (hiệu số hoặc tỉ số so sánh giữa tổng giá trị kinh tế thu được ở đầu ra do kết quả của công tác xuất bản sách lí luận chính trị ở mỗi đơn vị); hiệu quả xã hội (thể hiện qua mức độ đóng góp của sách lí luận chính trị vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội như: tác động cao dân trí, tác động xóa đói giảm nghèo, tác động khắc phục bất bình đẳng xã hội; tác động đến nhận thức nền tảng tư tưởng của Đảng,…).
*Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng sách lí luận chính trị:
Thứ tư, áp dụng nghiêm túc tiêu chí đánh giá chất lượng, yêu cầu đối với sách lí luận chính trị trước khi phát hành theo Chỉ thị số 20 – CT/TW của Ban Bí thư có “tính chiến đấu, chất lượng chính trị” và “tính khoa học, tính thực tiễn, tính thuyết phục và hấp dẫn”.
Theo đó, chất lượng của sách lí luận chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh. Cần có sự đổi mới nội dung, phương thức xuất bản, tận dụng ưu thế của khoa học và công nghệ trong quá trình xuất bản nhằm tăng cường tính chiến đấu, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, về nội dung cần phản ánh kết quả nghiên cứu những vấn đề mới về lí luận chính, nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhận thức về hệ thống giá trị đạo đức chuẩn mực của xã hội, phát huy vai trò của con người trong phát triển và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến. Về phát hành sách, có thể tiếp cận với các tiêu chí: thể loại sách (sách giấy, sách điện tử, đĩa CD, DVD, video, audio), số lượng bản in phát hành của mỗi đầu sách,…
* Nhóm giải pháp tuyên truyền, phổ cập sách lí luận chính trị:
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, biên tập viên nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, có tinh thần trách nhiệm, nhạy bén và chủ động trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Sách lí luận chính trị trong thời gian vừa quá đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về các giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, định hướng hệ giá trị và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách thiết thực; các tác phẩm có nội dung ngăn chặn xu hướng pha tạp văn hóa, coi giá trị tiền bạc hơn giá trị nhân văn, phê phán lối sống buông thả,… Từ đó, nâng cao khả năng phản bác các tư tưởng lệch lạc, sai trái.
Thực tế, xuất bản và truyền thông chính thống không thể thắng được mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Nhưng sẽ có lợi thế vượt trội hơn mạng xã hội bằng nội dung chuẩn mực, cơ chế kiểm soát chặt chẽ bằng những tác phẩm lí luận chính trị sắc sảo, đáng tin cậy trong bối cảnh công chúng ngày càng thông thái về nhận thức có bình tĩnh hơn khi tiếp nhận và đánh giá thông tin.
Thứ bảy, ứng dụng tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách lí luận chính trị trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội với đội ngũ tuyên truyền viên các cấp. Triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về sách lí luận chính trị thống nhất cả nước, cung cấp dịch vụ khai thác nội dung thông tin sách lí luận chính trị trên mạng internet.
Hoạt động trên đã có một số nhà xuất bản thực hiện, tuy nhiên kết quả ghi nhận không đáng kể. Để thực hiện hiệu quả, cần huy động và tăng cường đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên có trình độ chuyên môn cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu cách vận hành của các phương tiện truyền thông đại chúng và có khả năng sáng tạo, vận dụng công nghệ cao.
Thứ tám, sách lí luận chính trị nên tiếp cận để phổ cập thông tin rộng rãi đến đối tượng thanh thiếu niên, nhằm xây dựng một hệ tư tưởng lành mạnh.
Thế hệ trẻ là một lực lượng nòng cốt quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng chống các thế lực thù địch. Hiện nay, công tác xuất bản dòng sách này chưa tiếp cận và tác động được mạnh mẽ đến các em thanh thiếu niên, nhi đồng. Trong tình hình mới, nội dung sách lí luận chính trị nên hướng đến nhóm đối tượng trên để có thể giúp các em có nhân thức đúng đắn về tinh thần yêu nước, yêu những giá trị xung quanh, từ đó xây dựng một hệ tư tưởng lành mạnh. Điều này sẽ giúp các em hiểu và phòng tránh với các qua điểm sai trái trên các luồng thông tin không chính thống hay các trang mạng xã hội hiện nay.
Để những nhóm giải pháp nâng cao vai trò sách lí luận chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới được thực hiện kịp thời, có hiệu quả, mỗi đơn vị, cá nhân tham gia xuất bản cần nghiên cứu kĩ lưỡng về tác động và thực trạng của hoạt động xuất bản sách lí luận chính trị ngày này. Từ đó, việc áp dụng các giải pháp nâng cao vai trò của dòng sách sẽ rõ ràng, phù hợp hơn nhằm đáp ứng đúng định hướng, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị trong điều kiện hiện nay./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 31/3/1992 của Ban Bí thư (khóa VII) về tăng cường sự lãnh đạo quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản.
- Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 27/1/2003 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới.
- Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
- Chỉ thị 44 CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Nghị quyết số 35 – NQ/TW ngày 22/10/2018 tập trung về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Tác giả: Tuệ An – Trần Thọ Xương