Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Đừng để thương hiệu bóng đá đầy sức mạnh của HAGL bị lãng phí

Đó chắc chắn là bài toán cần phải tính toán của bầu Đức, thay vì mỗi năm chi nhiều tiền để nuôi bóng đá.

Thương hiệu HAGL đầy sức mạnh

Cái tên HAGL thực sự đầy sức mạnh nếu xét về tính thương hiệu lẫn giá trị kinh tế – văn hóa – xã hội với Gia Lai. Vì nói đến tỉnh Gia Lai là nhắc đến CLB HAGL và tạo ra sự phát triển về kinh tế cho địa phương này.

Nếu lấy cột mốc từ năm đầu tiên lên chơi V.League của HAGL thì đội bóng phố Núi có tròn 20 năm thi đấu sân chơi cao nhất. HAGL vô địch ngay trong năm đầu tiên (mùa bóng 2003), còn thương hiệu đội bóng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có từ năm 2001. 

HAGL tạo ra thương hiệu xuyên suốt trong 20 năm qua. Ảnh từ liệu từ phòng truyền thống HAGL

Sau 20 năm, HAGL vẫn đang thi đấu V.League và trở thành thương hiệu bóng đá số 1 Việt Nam. Năm đội bóng khác đang còn tồn tại ở sân chơi chuyên nghiệp cùng CLB HAGL là Đà Nẵng, SLNA, Nam Định, Bình Định và Long An (tính từ mùa bóng 2003). 

Sự khác biệt của HAGL so với 5 đội bóng khác là thương hiệu và tính bền vững trong quá trình phát triển cùng bóng đá Việt Nam. Lý do cả 5 đội Đà Nẵng, SLNA, Nam Định, Bình Định và Long An đều thường xuyên “thay tên đổi họ”, trong đó có một số đội rơi vào cảnh “chết đi sống lại”.

Ngoài ra, HAGL là đội bóng duy nhất ở Việt Nam không thay đổi logo theo kiểu tùy hứng và tùy tiện. HAGL còn có biệt danh là “đội bóng phố núi”. Đây là hai điểm quan trọng của HAGL trong quá trình xây dựng thương hiệu.

Ở Hàm Rồng, nơi đóng quân của HAGL (Học viện bóng đá HAGL) có phòng truyền thống lưu trữ toàn bộ hình ảnh, tên tuổi các cầu thủ thi đấu cho HAGL. Một số người gọi là “bảo tàng thơ ngây” của bầu Đức, tức là nơi làm minh chứng cho tình yêu của bầu Đức và bóng đá. Vì mọi bước chân của đội bóng phố núi đều ghi lại hành trình bầu Đức đến với bóng đá.

Học viện HAGL là niềm tự hào của bầu Đức. Ảnh từ liệu từ phòng truyền thống HAGL

Đúng hơn, lịch sử, các cột mốc, cầu thủ, danh hiệu, áo đấu ghi tên nhà tài trợ, hình ảnh, đồ vật, tên người đến thăm Học viện (ghi trong sổ) đều được lưu lại một cách tỉ mỉ, trân trọng ở phòng truyền thống của CLB HAGL. Nơi đó giống như một “bảo tàng” và có ý nghĩa rất lớn với HAGL và người hâm mộ yêu đội bóng.

Đó là nơi không chỉ biểu hiện sự trân trọng dành cho quá khứ và bước đi lịch sử, phòng truyền thống còn là một bước tiến dài về tương lai. Bởi nó giúp cho những CĐV mới sẽ hiểu biết rõ hơn về CLB mà họ yêu – nó góp phần tạo ra tính truyền thống và bản sắc riêng cho đội bóng. Tức góp phần lớn xây dựng thương hiệu cho CLB HAGL.

Về văn hóa và kinh tế, Học viện bóng đá HAGL là một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách đến thăm quan. Những trận đấu hấp dẫn của HAGL có đông đảo người hâm mộ cả nước đến xem. Những danh thủ như Kiatisuk giúp Gia Lai được biết rộng rãi ở Đông Nam Á và châu Á. Bóng đá thực sự đã tạo ra giá trị lớn cho tỉnh Gia Lai và giúp nhiều ngành nghề khác phát triển.

Nhưng HAGL phải thay đổi và kiếm tiền

Nếu làm bóng đá chỉ nghĩ đến thành tích hay cống hiến cho ĐTQG là chưa đúng. Làm bóng đá chuyên nghiệp thì mục tiêu quan trọng nhất là kiếm được tiền. Đó là xu thế chung của bóng đá thế giới, khi môn thể thao vua tạo ra siêu lợi nhuận cho những nước như Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha…

Một ví dụ dễ thấy rằng, đông đảo tỷ phú của thế giới đã đầu tư cho bóng đá. Những ông chủ siêu giàu của Mỹ cũng tìm cách sở hữu các CLB Anh, bởi lợi ích về kinh tế quá lớn và nơi làm thương hiệu tốt nhất. Điển hình mùa bóng 2019-2020 bị ảnh tưởng lớn về doanh thu do Covid-19 nhưng giải Ngoại hạng Anh đóng góp 10 tỷ USD vào GDP của nước Anh. Con số này cao hơn GDP của 50 quốc gia trên thế giới. Giải đấu này nộp 4,7 tỷ USD tiền thuế cho Chính phủ Anh sau mùa 2019-2020.

Tất cả những doanh nghiệp đến với CLB HAGL đều được lưu giữ ở phòng truyền thống. 

HAGL sẽ kiếm được tiền nếu kiểm soát được giá trị thương hiệu và thay đổi theo hướng kinh doanh bóng đá. Nếu kiếm được nhiều tiền thì HAGL không chỉ góp phần giúp bóng đá Việt Nam phát triển mà còn tạo ra giá trị lớn cho tỉnh Gia Lai. Đây mới là ý nghĩa lớn nhất của bóng đá, khi có thể tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế – văn hóa – xã hội.

Ngoài ra, HAGL kiếm được tiền từ bóng đá thì đầu tư mạnh cho Học viện, đội một phát triển toàn diện. Điều đó là rất tốt cho ĐTQG lẫn nền bóng đá Việt Nam, khi cần một CLB tiên phong làm bóng đá theo đúng hình mẫu “bóng đá nuôi sống bóng đá” và sinh lời.

Nghịch lý của HAGL là có thương hiệu đầy sức mạnh, có đông đảo người hâm mộ yêu mến trên cả nước nhưng chưa tạo ra được bản sắc riêng theo đúng nghĩa CĐV bóng đá phố Núi. Ví dụ HAGL chưa có được hình ảnh CĐV mặc áo HAGL ngồi kín khán đài với một sắc màu đặc trưng của đội bóng phố núi. Lý do là CLB HAGL đang để tài sản về CĐV bị “phân tán”, thậm chí bị khai thác làm thương hiệu để đánh bóng tên tuổi và kiếm tiền. 

HAGL đá ở TPHCM đầy ắp khán giả nhưng và chưa kiểm soát được cộng đồng của đội bóng phố núi. Ảnh: Anh Hữu

Hãy đặt vào trường hợp thế này: CLB HAGL đang bán áo cho người hâm mộ nhưng phải thông qua một vài kênh khác không thuộc đội bóng. Họ muốn làm các chương trình cộng đồng nhưng nhiều người hâm mộ phố núi tương tác qua các kênh khác… Đó là nghịch lý lớn và HAGL phải thay đổi, khi người khác hái ra tiền từ chính thương hiệu của chính đội bóng phố Núi.

Nên nhớ, người hâm mộ yêu đội bóng phố núi là “tài sản” của HAGL, là thành quả của một quá trình miệt mài làm thương hiệu hơn 2 thập kỷ và tâm huyết làm bóng đá của bầu Đức. CLB HAGL phải “cầm chắc”, trân trọng và có kế hoạch bài bản để nhân rộng lên từng ngày. 

Tựu trung, đội bóng phố Núi cần dịch chuyển về nhiều thứ, bởi thương hiệu HAGL đầy sức mạnh thì đừng để lãng phí.

Văn Nhân

Xem thêm Thể thao