Kết nối với chúng tôi

Giáo dục Thể chất

Điều ước của nhà giáo giữa đại ngàn Trường Sơn

Bản Đoòng heo hút lọt trong thung lũng, chỉ cách cửa hang Én (hệ thống Sơn Đoòng) một quãng lội suối, nơi có 25 đứa trẻ đang khát khao con chữ.

Sân điểm trường bản Đoòng hiện vẫn hằn dấu vết thịnh nộ của thuỷ thần, sau ba tháng xảy ra trận lụt lịch sử miền Trung. Gian lớp chính xiêu vẹo vì bị nước lũ kéo, cuốn trôi vách gỗ, sách vở và đồ dùng học tập.

Bản Đoòng cách trung tâm xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) gần 50 km, cách đường Hồ Chí Minh nhánh Tây 3 tiếng đi bộ vượt suối, băng rừng Trường Sơn. Bản nằm trong lõi Vườn quốc gia – Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng, nơi đang được duy trì nghiêm ngặt về bảo tồn tự nhiên nên không có đường sá, tất cả chỉ là dốc núi và men theo đá dưới khe.

Cả bản có nhõn 12 hộ gia đình đồng bào Bru – Vân Kiều. Họ sống nhờ bắt cá suối, hái lượm và làm rẫy nhỏ. 25 học sinh trong bản được chia thành 3 cấp học: mầm non, tiểu học (khuyết lớp 4) và THCS (khuyết lớp 7). Trong đó, cấp tiểu học là lớp ghép 1-2 và 3-5.

Phụ nữ bản Đoòng băng rừng gùi hàng cứu trợ sau trận lũ tháng 10/2020. Ảnh: Việt Anh.
Phụ nữ bản Đoòng băng rừng gùi hàng cứu trợ sau trận lũ tháng 10/2020. Ảnh: Việt Anh.

Đêm giữa tháng 10/2020, nước lũ dâng cao bất thình lình, vây nhốt cả bản. Nước từ hang sâu đổ ra, từ trên đại ngàn ập xuống, lớp học và nhà cửa tan tành.

Nhiều nhà bị sức nước bật tung cọc gỗ, trôi mất dạng. 12 con bò trong bản chết sạch vì chúng cứ ngơ ngơ đứng im, không biết chạy như bọn chó, gà. Giữa bản có hộ may hơn vì thuỷ thần chừa lại cho cột bếp, trên còn toòng teng cái giá inox đựng bát. Cứ hai ngày mỗi lần, đàn chó trơ xương mới được cho ăn vì gạo còn phải để cứu chủ.

Thương dân bản bị chia cắt, thương gia đình học trò, 4 thầy giáo Hoàng Văn Sáu, 53 tuổi; Trương Nhâm Thân, 29 tuổi; Trương Thanh Hiền, 32 tuổi và Cao Xuân Đồng, 32 tuổi ra đường Hồ Chí Minh đứng vẫy các đoàn xe cứu trợ. Xe nào “thấy tin được” thì họ dỡ xuống cho ít đồ tiếp tế. Về sau, các thầy chủ động kết nối hiệu quả hơn với các đoàn thông qua mạng xã hội. Nhiều đoàn từ thiện đã thả hàng cứu trợ ven đường Hồ Chí Minh Tây, được các thầy chia đều 12 suất, tập kết sát vệ đường đợi dân bản trèo lên gùi về.

“Có cậu nhóc 11 tuổi thay bố mẹ vượt rừng ra gùi được 30 cân hàng. Nhìn học trò nhỏ thó thương lắm”, thầy Hiền nói, giọng xúc động.

Sau lũ, nhà trường có lệnh gọi 4 thầy ra để bảo đảm an toàn. Hơn 10 ngày bản làng không còn cảnh người thầy lọ mọ mỗi chiều tan lớp đến từng nhà nhắc các em học bài, mai đến lớp cùng thầy và các bạn. Khi nghe tiếng các thầy trở lại, lũ trò nhỏ tíu tít như chim rừng: “Sao thầy về nhà lâu thế. Hay thầy không thích dạy ở bản?”. Đứa thì báo: “Mấy nhà trong bản trôi hết rồi, lớp cũng hỏng làm sao mình học”.

Để không làm gián đoạn việc giảng dạy, các thầy mượn tạm hai sân dưới nhà sàn của dân để kê bàn ghế cho học sinh ngồi.

Thầy Cao Xuân Đồng dọn đống đổ nát trong lớp học sau trận lũ tháng 10/2020. Ảnh: Việt Anh.
Thầy Cao Xuân Đồng dọn đống đổ nát trong lớp học sau trận lũ tháng 10/2020. Ảnh: Việt Anh.

11 năm trước, thầy Hoàng Văn Sáu xung phong lội bộ vào bản nhận nhiệm vụ gieo con chữ. Nơi đây không lớp, không bàn, không ghế, không cả nhà vệ sinh. “Tôi có lúc dao động, chỉ muốn xin về lại cơ quan đóng trên xã (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Tân Trạch). Nhưng nhìn ánh mắt khao khát chữ của bà con dân bản, tôi xốc lại quyết tâm”, thầy Sáu nói, giọng bồi hồi.

Từ năm 2015 đến 2019, Ban giám hiệu lần lượt cử thêm nhiều giáo viên về cắm bản cùng thầy Sáu. Nhưng trụ lại đến nay chỉ có 4 người. Cứ đầu giờ chiều chủ nhật, chú cháu anh em lại hẹn nhau xuyên rừng xuống bản, chiều thứ sáu quay lên.

“Gia đình chúng tôi đều ở quanh thị trấn Phong Nha, cách điểm bắt đầu lối mòn vào bản ngót 30 km đi bằng xe máy. Xe cứ khoá ở bìa rừng, cuối tuần quay ra vẫn còn nguyên”, thầy giáo Trương Nhâm Thân cho biết.

Mùa mưa đến, lối vào bản bùn lút bàn chân, vắt khát máu lúc lỉu đu đưa. Các thầy nhẩm đếm số dép rọ nhựa bị đứt quai ước phải hàng trăm đôi. Từng có mấy năm trong quân đội trước khi làm nhà giáo, thầy Cao Xuân Đồng cứ ngỡ võng, balô cùng dép rọ sẽ là kỷ vật đời lính. Nhưng giờ chúng lại thành bạn đồng hành của thầy trên hành trình 6 năm gieo chữ nơi bản nhỏ thung sâu.

Các thầy ở đây không dám ốm, bởi mỗi lần như thế, dân bản phải nửa ngày ngược dốc khiêng vác bệnh nhân mới đưa lên được mặt đường Hồ Chí Minh.

Vài năm trước, nhờ tấm lòng của nhiều nhà hảo tâm mà cơ sở vật chất điểm trường được hình thành. Một nhà gỗ rộng chừng 10 m2 ngăn vách thành 2 phòng. Mỗi đầu là một cấp học khác nhau. Cạnh lớp học là một gian gỗ nhỏ 7 m2 cũng được chia làm hai nửa. Một bên các thầy dùng làm nơi đun nấu bằng củi. Bên còn lại có cái giường sắt 2 tầng và một chiếc kệ nhỏ. Không còn bất kỳ đồ nội thất nào khác. Chuột rừng chui khe cửa vào rồi lại chạy ra, vì trong hay ngoài thì vẫn là giá rét căm căm.

Cứ mỗi tuần, luân phiên các thầy sẽ bỏ tiền túi “cõng” một can xăng đầy 5 lít. Nhiên liệu được dùng rất tiết kiệm để chạy máy phát điện hai tiếng buổi tối, lấy ánh sáng cho ăn cơm, sạc đèn, chấm bài và chuẩn bị giáo án. Mùa hè, khí hậu Trường Sơn oi bức, thầy và trò không dám dùng quạt dù nhễ nhại mồ hôi.

Mới đây, nhà hảo tâm tặng điểm trường hai tủ sắt đựng tài liệu và mấy bộ bàn ghế học sinh. Bốn thầy cùng bà con xoay vần hơn 5 tiếng mới khiêng được xuống bản. Đây là lần đầu mọi người được tận tay sờ tủ, chạm ghế dưới xuôi, kể từ khi thầy Sáu về cắm trường. Sau khi mỗi nhà nhận được nhiều mì tôm cứu trợ, đám trẻ bản Đoòng mới biết… ăn sáng.

Học sinh lớp ghép bản Đoòng ôn bài bên ánh đèn sạc. Ảnh: Việt Anh.
Học sinh lớp ghép bản Đoòng ôn bài bên ánh đèn sạc. Ảnh: Việt Anh.

Những ngày đầu năm mới, điều ước lớn nhất của 4 nhà giáo giữa rừng sâu hun hút là nhận được sự chung tay ủng hộ để dựng lại điểm trường ở một vị trí mới, trên cao hơn và cách không xa nơi cũ. Các thầy nói rằng, họ ở bản không có niềm vui nào bằng thấy các học trò khôn lớn trưởng thành. Biết con chữ lễ nghĩa, tương lai những đứa trẻ sẽ đỡ vất vả hơn. “Với chúng tôi, học trò Bru – Vân Kiều không được lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng các em được chọn ước mơ để thực hiện. Và chúng tôi sẽ là người truyền cảm hứng, chắp cánh cho ước mơ các em bay cao hơn bầu trời cuối bản”, thầy Sáu chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết công tác “trồng người” tại bản Đoòng còn gặp nhiều khó khăn. Dù huyện đã ưu tiên đầu tư cho giáo dục, song địa bàn rộng và ngân sách hạn hẹp, bản Đoòng lại cách quá xa trung tâm xã nên chính quyền các cấp khó triển khai xây dựng điểm trường. Bản cũng nằm trong lõi Vườn Quốc gia – Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng, nơi đang được duy trì nghiêm ngặt về bảo tồn tự nhiên, hạn chế xây dựng, nên ngay cả nhà của đồng bào cũng chủ yếu là vách tạp đơn sơ, trên lợp lá cây rừng. Nhà nào khá hơn chút thì làm được nhà sàn bằng gỗ.

Trong đợt thi sáng tạo khoa học dành cho lứa tuổi THCS cấp huyện, bản Đoòng có 2 học sinh đoạt giải nhì. Hiện, thầy Cao Xuân Đồng và Trương Thanh Hiền ôn luyện 2 em lớp 6 tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện.

Lứa học sinh đầu tiên của bản hiện có 2 em theo học lớp 10 và 11 tại Trường PTDT nội trú tỉnh Quảng Bình.

Xem thêm Giáo dục Thể chất