Thứ hai, 14/7/2025

Đấu Tranh Với Những Luận Điệu Xuyên Tạc Về Phòng, Chống Tham Nhũng, Tiêu Cực, Lãng Phí Ở Việt Nam Hiện Nay

Thứ tư, 16/04/2025 - 15:43
 Thể loại: Tạp chí

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là “mặt trận” nóng bỏng, quyết liệt, trực diện với những người rơi vào chủ nghĩa cá nhân, bất chấp đạo lý, nhân phẩm, lương tâm, danh dự đi ngược lại lợi ích của nhân dân, dân tộc, của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề này để chống phá quyết liệt đối với Đảng, Nhà  nước ta; yêu cầu đặt ra đối với mỗi cán bộ, đảng viên và người dân là, cần đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng tiến công, nhận diện chính xác, vạch trần bộ mặt xấu xa của chúng, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở nước ta.

Đấu Tranh Với Những Luận Điệu Xuyên Tạc Về Phòng, Chống Tham Nhũng, Tiêu Cực, Lãng Phí Ở Việt Nam Hiện Nay

Từ khóa: Nhận diện; đấu tranh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là vấn đề lớn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được nhận diện là một “quốc nạn” là “giặc nội xâm”, đây là nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ.Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”[1]; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam có đầy đủ tư cách, uy tín, bản lĩnh và trí tuệ lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thành công

Trải qua 39 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử; “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[2]. Đây là cơ sở khách quan để khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đổi mới, trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được Đảng ta nhấn mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội… người phạm tội đó dù ở cương vị nào cũng phải đem ra xét xử theo đúng pháp luật để đề cao phép nước. Năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải thức trắng đêm để xem xét và đi đến quyết định bác bỏ đơn xin ân xá án tử hình của Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục quân nhu, vì đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Quân đội và kỷ luật của Đảng. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và đã giành được những kết quả quan trọng. Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Kết luận hội nghị Trung ương 4 (khóa IX), Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực). Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/0/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về “Những điều đảng viên không được làm”.

Quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị, Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban đến nay, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã có bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nổi bật là: Công tác điều tra, truy tố, xét xử được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng “đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí từng bước hình thành cơ chế răn đe để “không dám tham nhũng”. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được khẳng định và phát huy. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực. Đã chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được tăng cường, đạt kết quả tích cực; hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Qua đó, khẳng định chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn ở Việt Nam; đồng thời góp phần củng cố nhận thức lý luận về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng để huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia; khi đó, các thế lực thù địch sẽ không thể xuyên tạc, phá hoại cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhìn nhận, đánh giá chính mình một cách khách quan; đồng thời, Đảng cũng dựa chắc vào nhân dân, được nhân dân giám sát, chỉ ra những hạn chế, yếu kém để sửa chữa, khắc phục. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm qua đã chứng minh, Đảng luôn trừng trị và loại ra khỏi hàng ngũ của mình những phần tử thoái hóa, biến chất, chuyên đục khoét tiền của, công sức của nhân dân. Trong thực tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: Chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, kỷ luật cán bộ sai phạm là điều không ai mong muốn, nhưng vì sự nghiệp chung và vì ý nguyện của nhân dân chúng ta phải làm, kiên quyết làm. Từ đầu nhiệm kỳ XII đến nửa cuối năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên (trong đó có hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý), trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Từ năm 2020 đến nay, cơ quan tố tụng các cấp đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 1.304 vụ án tham nhũng, tiêu cực, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.304 vụ án tham nhũng, tiêu cực với gần 3.523 bị cáo. Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 4 vụ án/24 bị can, khởi tố thêm 78 bị can trong 11 vụ án, kết thúc điều tra 3 vụ án/88 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 8 vụ án/153 bị can, xét xử sơ thẩm 6 vụ án/51 bị cáo. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo dõi hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xét xử sơ thẩm 86 vụ án với 814 bị cáo, hoàn thành xét xử 23 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban chỉ đạo, xử lý hình sự 31 cán bộ diện Trung ương quản lý. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. Những kết quả nêu trên đã chứng minh và cho chúng ta niềm tin vững chắc để khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam có đầy đủ tư cách, uy tín, bản lĩnh và trí tuệ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành công mà không một thế lực thù địch, phản động nào có thể ngăn cản được.

2. Nhận diện và đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta

Hiện nay, vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là “mặt trận” nóng bỏng, phức tạp, gay gắt, quyết liệt, đối đầu trực diện với những phần tử cơ hội, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, bị lợi ích cá nhân chi phối, thoái hóa, biến chất, bất chấp nhân phẩm, lương tâm, danh dự, phản bội lợi ích của nhân dân, dân tộc, của Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện rõ ràng, dứt khoát quyết tâm, quyết liệt đấu tranh nhằm loại bỏ loại tệ nạn nguy hiểm này. Tuy vậy, các thế lực thù địch, phản động luôn bất chấp thủ đoạn, trơ trẽn xuyên tạc, bịa đặt, chống phá. Chúng không từ bất kỳ thủ đoạn nào dù là đê tiện, bỉ ổi nhất để phá hoại quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng, Nhà nước, phá vỡ niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta; chúng tìm mọi cách hòng hạ thấp uy tín, danh dự, phủ nhận vai trò cầm quyền, cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cách thức bọn chúng thường dùng là, triệt để lợi dụng những kẽ hở trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở nước ta, các thế lực thù địch công khai công kích, xúi giục, lôi kéo, hỗ trợ những phần tử bất mãn, thoái hóa, biến chất, quá khích cấu kết với bọn phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước, thúc đẩy “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, tổ chức các hoạt động tụ tập đông người để gây rối, biểu tình, tạo áp lực lên chính quyền, gây mất ổn định chính trị, tạo dựng ngọn cờ, tiến tới bạo loạn, lật đổ chính quyền nhân dân. Không thể thờ ơ với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, nguy hiểm của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần phải hết sức tỉnh táo, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng tiến công, nhận diện chính xác, vạch trần bộ mặt xấu xa, bỉ ổi của bọn chúng, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở nước ta.

Đó là những luận điệu của các hãng truyền thông nước ngoài có chương trình phát sóng bằng tiếng Việt như: BBC, VOA, RFA, RFI...; các trang web của tổ chức phản động Việt Tân, Hội anh em dân chủ, Chân trời mới; các Blogger cá nhân tùy tiện đăng tải, phát sóng nhiều bài viết, Video clip với những nội dung xuyên tạc hết sức trắng trợn, bọn chúng thường xuyên tạc rằng: “Chống tham nhũng biến thành thanh trừng chính trị”, “Chống tham nhũng thực chất để thanh trừng lẫn nhau”, “Chỉ tự do chính trị mới giúp Việt Nam chống được tham nhũng”, “Có ai còn tin câu: Chống tham nhũng ở Việt Nam không có vùng cấm?”, “Chống tham nhũng ở Việt Nam là tự sát?”. Bọn chúng còn bịa đặt: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở Việt Nam chỉ là sự “đấu đá” vì “lợi ích nhóm”, “thanh trừng nội bộ, triệt tiêu phe cánh”. Bọn chúng “giả đui, giả điếc” lờ tịt đi sự thật đang được thực hiện trong thực tiễn là: Các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí xảy ra ở nước ta đều được xem xét thận trọng, xét xử công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, có lý, có tình, đúng với những quy định của pháp luật Việt Nam; làm cho những kẻ tham những, tiêu cực, lãng phí đã được đưa ra xét xử đều tâm phục, khẩu phục; quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân theo dõi giám sát và được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, nhờ đó mà niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa không ngừng được nâng lên. Bất chấp sự thật nêu trên, các thế lực thù địch với những thủ đoạn xấu xa, bỉ ổi nhất, cố tình cắt xén, nhào nặn rồi dựng nên những câu chuyện về các “phe nhóm nội bộ”, các “nhóm lợi ích” hay phe cánh đang đấu đá lẫn nhau. Chúng xuyên tạc một cách trắng trợn về đời tư của một số đồng chí cán bộ; thêu dệt, ngụy tạo, cắt ghép hình ảnh về những ngôi biệt thự, những siêu xe sang trọng và áp đặt cho đó là “chứng cứ” để quy chụp là tài sản tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của cán bộ các cấp.

Chúng còn lập ra các báo, tạp chí, trang web, sử dụng triệt để mạng xã hội để đăng tải tin, bài, video clip, xuất bản các ấn phẩm có nội dung bôi đen, dựng chuyện, tạo cảm giác tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang xảy ra tràn lan ở khắp các lĩnh vực, các bộ, ngành, địa phương, cùng với những nhận định và quy kết hết sức hồ đồ như: “Đó là cớ vì sao mà nguyên cái hệ thống này người ta dễ tham nhũng và buộc phải tham nhũng đến thế”, “Sách lược chống tham nhũng của cụ Tổng nghe bên ngoài thì có vẻ quyết liệt vì dân, nhưng thực chất bên trong chỉ là thêm giấy, thêm họp hành, thêm chi phí cho những hiệu triệu chém gió”. Các thế lực thù địch còn ra sức rêu rao rằng: “Chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”; “do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng xảy ra...”; “tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ công hữu tư liệu sản xuất, chuyên chế độc đảng”. Không chỉ vậy, chúng còn quy chụp: Tham nhũng chỉ xuất hiện ở những nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, “tham nhũng là vấn đề thuộc bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”. Bọn chúng còn lớn tiếng cho rằng, “Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công”, “Căn nguyên tạo ra tham nhũng là do đảng đứng trên pháp luật. Vì thế, phải thực hiện đa đảng để không còn hoặc là hạn chế tham nhũng, lãng phí...”.

Thực chất của những luận điệu xuyên tạc, xảo trá đó không gì khác là, với những mánh khóe, chiêu trò lợi dụng tự do dân chủ và những hạn chế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí các thế lực thù địch sử dụng mọi thủ đoạn để xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu hòng làm suy giảm uy tín của Đảng, tiến tới mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng ta cần khẳng định dứt khoát rằng, những âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi, những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của thế lực thù địch không thể phủ nhận được những nỗ lực, quyết tâm và thành quả trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ không làm giảm sự đổi mới, sáng tạo; không làm “chùn bước” những người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; không làm “chậm” sự phát triển đất nước; không phải là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”; mà ngược lại, chính việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã góp phần quan trọng đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. “Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh”[3]. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm thì khẳng định “Không lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để cản trở phát triển hoặc trục lợi”, “Công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách” [4]

3. Kiên quyết, kiên trì, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ chương của Đảng về đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí một mặt củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng.

Đảng ta nhấn mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, phức tạp, cần sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, với phương châm: kiên quyết, kiên trì, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không ngừng”, “không nghỉ”, với các giải pháp đồng bộ sau:

Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhận thức đúng, đồng thuận, nhận diện chính xác, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở nước ta.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhận thức đúng, đồng thuận với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng và Nhà nước, đồng thời còn là cơ sở để đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng, Nhà nước ta; luật pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; công khai, minh bạch thông tin về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cả về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mặt khác, cần “điểm mặt”, “chỉ tên” những quan điểm sai trái, định hướng cho cán bộ, đảng viên và người dân tin theo đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, để cán bộ, đảng viên và người dân không nghe, không tin, không mắc mưu, không phát tán thông tin xấu độc; nhận diện và đồng thời, chủ động đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phát hiện sớm, xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nói riêng cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và kịp thời khắc phục những bất cập trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, lãng phí”[5]. Xây dựng, kết hợp hoàn thiện và đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực thi, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”. Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, có đãi ngộ hợp lý, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức để “không cần tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực đủ sức răn đe để “không dám tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”; thực hiện tốt những nội dung trên sẽ củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng và Nhà nước, đồng thời tạo cơ sở để kiên quyết, kiên trì đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng và toàn dân đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta sẽ còn diễn ra lâu dài, khó khăn, phức tạp, trong điều kiện các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi thủ đoạn tinh vi, thâm độc điên cuồng chống phá. Để cuộc đấu tranh này ngày càng đạt được hiệu quả cao; đồng thời, đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Trước hết cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; coi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải cam kết về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Ủy ban kiểm tra các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử chủ động kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, công khai, minh bạch những tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tham gia giám sát, phản biện, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật và các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về những hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ nhân sĩ, trí thức, nhà báo, lực lượng chuyên trách, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những hành vi tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động chống phá cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của  Đảng và Nhà nước ta.

Bốn là, xây dựng các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh, là pháo đài “bất khả xâm phạm”, là lực lượng nòng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí

Tổ chức đảng là hạt nhân lãnh đạo ở đơn vị; đội ngũ cán bộ, đảng viên là người quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống, là tấm gương cho quần chúng học tập và làm theo. Vì vậy phải xây dựng cho được các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh. Luôn hành động vì tập thể, vì lợi ích của Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, không màng danh vọng, vinh hoa, phú quý. Mặt khác cán bộ, đảng viên phải được học tập, rèn luyện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh nhuệ về chính trị, trong sạch về đạo đức, lối sống, miễn dịch với thông tin xấu độc, nhận diện chính xác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, có thức phấn đấu vươn lên, trở thành đội quân tiên phong, gương mẫu, xung kích đi đầu, làm nòng cốt, cổ vũ các lực lượng trong xã hội đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình”, những biểu hiện “tự diễn biến”, tự chuyển hóa”, phê phán các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, góp phần cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng và Nhà nước ta đi đến thành công./.

                                                         Nguyễn Hữu Phước

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, 2021.

2. Bộ Chính trị, Chỉ thị số 05-CT/QUTW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, 2016.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tập 2. Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021.

4. Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, 2021.

5. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021.


[1]. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, tập 2, tr 206.

[2]. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, tập 1, tr 25.

[3]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, tr. 401.

[4]. Bài viết của Tổng bí thư Tô Lâm “Chống lãng phí”.

[5]. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, tập 2, tr 251.